16/05/2010 - 21:04

NGÀNH CÔNG THƯƠNG ĐBSCL

Tăng cường liên kết cùng phát triển

Cơ sở hạ tầng thương mại đang từng bước hoàn thiện, TP Cần Thơ được kỳ vọng là đầu tàu, là động lực thúc đẩy trong mối liên kết, hợp tác phát triển ngành công thương ĐBSCL. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ.

Từ năm 2008, Sở Công Thương TP Cần Thơ và Sở Công Thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ký kết Chương trình liên kết, hợp tác phát triển. Từ đó, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, định hướng phát triển, kêu gọi, xúc tiến đầu tư... của ngành đã được chia sẻ, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Kết quả ban đầu

Ngày 12-12-2008, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau và TP Cần Thơ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ của 2 địa phương. Sau hơn 2 năm thực hiện việc ký kết, ông Lê Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, cho biết: Ngoài việc thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước, TP Cần Thơ và Cà Mau còn phối hợp giới thiệu kêu gọi các dự án đầu tư. Cụ thể như: TP Cần Thơ cung cấp danh sách, giới thiệu các đơn vị sản xuất công nghiệp, các nhà đầu tư có năng lực để Cà Mau nghiên cứu, tiếp xúc và mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp Cà Mau; đồng thời, giới thiệu các đầu mối có khả năng tiêu thụ nông sản, hải sản của Cà Mau. Song song đó, tỉnh Cà Mau giới thiệu các khu công nghiệp, các dự án đầu tư Trung tâm Thương mại - Siêu thị... của địa phương để mời gọi các nhà đầu tư ở TP Cần Thơ... Dù các hoạt động vừa nêu chưa mang lại kết quả như mong muốn nhưng cũng đã tạo được mối gắn kết khá bền chặt giữa TP Cần Thơ và Cà Mau trong quá trình đẩy mạnh phát triển ngành công thương của hai địa phương.

Trong 2 năm (2008-2009), Sở Công Thương TP Cần Thơ đã thực hiện việc ký kết hợp tác phát triển ngành công thương với tất cả các địa phương ở ĐBSCL. Một trong các kết quả khả quan của việc ký kết hợp tác này, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đã chủ động hợp tác, hỗ trợ các địa phương xây dựng quy hoạch mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị và chợ, đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển xây dựng các chợ truyền thống. Kết quả, 7 chợ truyền thống như chợ Vị Thủy (Hậu Giang), chợ Nhà Bàng, Núi Voi, Tân Lợi (An Giang), chợ Tiểu Cần, Càng Long và chợ phường 1 thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đã được xây dựng theo chương trình hợp tác, hỗ trợ vừa nêu. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, đây là một kết quả mang ý nghĩa thực tiễn bởi hiện nay, các địa phương trong vùng còn bỏ ngỏ, chưa thật sự quan tâm đến mạng lưới chợ hiện có. Chính vì thế, tình trạng chợ tạm bợ, chợ chưa có nhà lồng, chợ tự phát... ở các địa phương là một trong những bức xúc của người dân.

Ngoài các kết quả trên, từ Chương trình liên kết, hợp tác, phát triển, ngành công thương TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL đã triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất; kêu gọi xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhà nước... Ngoài ra, Sở Công Thương TP Cần Thơ và Sở Công Thương các tỉnh vùng ĐBSCL cũng đã tạo được mối liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác vùng nguyên liệu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như gạo, nông sản, thủy sản chế biến; học tập, trao đổi kinh nghiệm một số mô hình sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm năng lượng, các mô hình thành lập cụm, điểm công nghiệp...

Liên kết toàn diện

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được; đồng thời, phát huy thế mạnh của từng địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, ngành công thương ĐBSCL tiếp tục tăng cường mối liên kết hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động thương mại và công nghiệp. Đó là việc liên kết, có sự tham khảo lẫn nhau giữa các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành công thương, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh; chú trọng thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và kinh nghiệm quản lý tham gia đầu tư phát triển. Các tỉnh vùng ĐBSCL và TP Cần Thơ có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Chính vì thế, hợp tác phát triển ngành công nghiệp chế biến với các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thế cạnh tranh của các sản phẩm nông thủy sản của vùng ĐBSCL ở trong nước và xuất khẩu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoài ra, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ liên kết xây dựng và phát triển các hợp tác xã nông thôn. Hình thức liên kết này chủ yếu tập trung việc thực hiện các dịch vụ cung ứng đầu vào (vật tư sản xuất nông nghiệp) và tiêu thụ đầu ra (nông sản, thực phẩm) cho các trang trại, hộ nông dân ký hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản thuộc các thành phần kinh tế. TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp của các địa phương...

Ngoài ra, TP Cần Thơ tiếp tục chủ động cùng hợp tác, hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống chợ truyền thống ở vùng ĐBSCL. Cụ thể như: chợ Phước Long (Bạc Liêu); chợ Cận Thời (Cà Mau); chợ Trung Lương, Trung An (Tiền Giang); chợ Cái Tàu Hạ (Đồng Tháp); chợ phường 4, Trường An, Hiếu Phụng, Tân Quới (Vĩnh Long)...

Để mối liên kết càng phát huy hiệu quả

Theo nhận định của các Sở Công Thương vùng ĐBSCL, dù đạt được kết quả bước đầu trong việc ký kết hợp tác phát triển ngành, nhưng thời gian qua, giữa Sở Công Thương TP Cần Thơ với Sở Công Thương các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa có sự hợp tác chặt chẽ, nhiều nội dung theo chương tình ký kết chưa được triển khai thực hiện. Để mối liên kết này ngày càng phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Minh đề nghị: Định kỳ mỗi năm tổ chức luân phiên ở các tỉnh, thành 1 hội chợ vùng ĐBSCL nhằm giúp các doanh nghiệp trong vùng có điều kiện giao lưu và tăng tính liên kết, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm ngành công thương. Bên cạnh đó, thành lập quỹ xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL với phần góp vốn dựa vào tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu từng địa phương. Nguồn quỹ này chủ yếu cho các hoạt động liên kết tìm thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu và các hoạt động kêu gọi đầu tư trong toàn vùng. Từ nguồn quỹ xúc tiến đầu tư ĐBSCL vừa nêu, tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp cùng các địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra và TP Cần Thơ xây dựng cho thương hiệu gạo xuất khẩu.

Ngoài những vấn đề chung trên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Vũ Ngọc Tú, cho rằng: Cần thành lập tổ thư ký điều phối chương trình gồm những thành viên hai bên có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai thực hiện việc liên kết. Định kỳ 6 tháng, tổ thư ký này sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm và cùng bàn bạc, đề ra giải pháp để tiếp tục hợp tác có hiệu quả hơn trong việc ký kết hợp tác phát triển ngành công thương.

Với vai trò là trung tâm của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ được kỳ vọng là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển ngành công thương, phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Chính vì thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Bảnh, đề nghị: Sở Công Thương TP Cần Thơ nên hỗ trợ, tạo điều kiện đưa những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Trà Vinh và các địa phương khác ở vùng ĐBSCL vào các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố như Co.opMart, Maximark... Việc làm này, vừa tạo điều kiện quảng bá sản phẩm đặc trưng của các địa phương tiếp cận với thị trường lớn của vùng ĐBSCL, vừa thúc đẩy mối liên kết phát triển ngành công thương giữa TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL ngày càng hiệu quả.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết