NGUYỆT CÁT (Theo Guardian, Tribune)
Từ một bé gái không may bị khuyết tật và thường phải bò khi đi học, Zahida Qureshi (ảnh) - một phụ nữ 41 tuổi ở Pakistan - đã không ngừng phấn đấu vượt qua thử thách, học hành thành tài và đang điều hành một tổ chức hỗ trợ những người khuyết tật.

Mắc bệnh bại liệt khi mới 5 tháng tuổi và bị tàn tật cả hai chân, con đường học vấn của Qureshi gặp khá nhiều trở ngại từ thời thơ ấu: bị 6 trường từ chối tiếp nhận vì họ sợ sẽ phân tán việc học của các học sinh khác. May mắn là cuối cùng, một trường trung học tư nhân ở thành phố Multan cũng đồng ý nhận Qureshi vào học, với điều kiện gia đình phải chịu trách nhiệm cho mọi sinh hoạt cá nhân của Qureshi, từ đi vệ sinh cho đến việc di chuyển giữa các lớp học. Tuy vậy, Qureshi kể bản thân vẫn cảm thấy đơn độc trong lớp. “Tôi cảm thấy tủi thân khi ngồi một mình tại bàn trong khi các bạn đi với nhau theo nhóm. Tôi không thể tham gia các hoạt động tập thể. Họ xem những người khuyết tật là vô dụng” - bà hồi tưởng.
Khi vào cao đẳng, Qureshi được cha mua cho chiếc xe lăn đầu tiên. Dù đỡ vất vả hơn, nhưng nữ sinh này vẫn đối mặt với nhiều bất tiện khi trường học không có đường dốc hay thang máy. “Thật khó để di chuyển đến các lớp học khác nhau và đôi khi phải bỏ lỡ các bài giảng” - bà kể. Thấu hiểu sự vất vả đó, bạn bè và người thân đã gợi ý Qureshi về việc học từ xa nhưng người phụ nữ này vẫn chọn đi học để hoàn thành bậc đại học và đến năm 2000, cô hoàn thành chương trình thạc sĩ kinh tế tại Ðại học Bahauddin Zakariya. Trong bối cảnh cơ hội việc làm cho một phụ nữ khuyết tật rất ít, Qureshi phải chật vật mới xin được chỗ làm phục vụ người khuyết tật ở Sở Phúc lợi Xã hội tỉnh Punjab.
Năm 2007, Qureshi thành lập tổ chức mang tên “Hiệp hội vì những người đặc biệt” nhằm chế tạo những chiếc xe lăn vừa vặn cho trẻ em và người lớn khuyết tật. “Ý tưởng sản xuất và tặng xe lăn đã đeo bám tôi suốt nhiều năm. Khi nghĩ về thời thơ ấu của mình, nó càng cộng hưởng với những khó khăn và nỗi thống khổ của hàng triệu người khuyết tật ở Pakistan” - Qureshi bày tỏ. Ðến nay, tổ chức của Qureshi đã trao tặng 6.000 xe lăn và hoạt động này đang phát triển mạnh khi sản xuất được 500 xe lăn trong nửa đầu năm nay và trung bình tiếp nhận gần 200 yêu cầu đặt hàng hằng tuần.
Bên cạnh đó, tổ chức phi chính phủ của Qureshi còn cung cấp các khóa học 6 tháng, để khuyến khích những người bị bại liệt tự làm xe lăn và có thể mang về khi kết thúc khóa học. Usman Malik, một nam thanh niên 22 tuổi bị bại liệt tham gia khóa học đã 4 tháng, cho biết: “Tôi rất vui vì vài tháng nữa, tôi sẽ làm ra chiếc xe lăn đầu tiên của mình”. Còn Wajid Ali - một học viên 27 tuổi đã hoàn thành khóa học - thì vui vẻ nói: “Tôi cảm thấy tự hào vì mình đã học được điều gì đó và muốn dạy lại những người khuyết tật khác. Tôi muốn giúp đỡ càng nhiều người khuyết tật càng tốt”.
Ðể công nhận sự đóng góp của Qureshi, năm 2016, chính phủ Pakistan đã trao tặng Giải thưởng Người phụ nữ của năm Fatima Jinnah. Ðội ngũ của cô cũng từng giành chức vô địch Cuộc thi Xe lăn Quốc gia. Trước những kết quả trên, Qureshi cho biết bà cảm thấy tự hào và hạnh phúc về những gì đã đạt được, nhưng mong muốn sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Gần đây, Tổ chức từ hiện và phúc lợi xã hội Baitul Mal cũng vừa ký một biên bản ghi nhớ với đặt hàng và phân phối 10.000 xe lăn trên toàn quốc.
Theo Hãng tin Anh Guardian, tuy chưa có thống kê chính thức về số lượng người tàn tật ở Pakistan, nhưng con số này ước tính từ 3,3 triệu đến 27 triệu người. Bệnh bại liệt là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở Pakistan, nơi mà những thông tin sai lệch về vaccine đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối tiêm chủng và nhiều vụ bạo hành nhân viên y tế ở một số vùng. Bất chấp nỗ lực của các tình nguyện viên và chính phủ, bệnh bại liệt ở nước này đang có nguy cơ tái bùng phát.