24/02/2019 - 09:46

Sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng 

Từ đầu năm 2019 đến ngày 21-2-2019, toàn thành phố Cần Thơ có 170 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 114 ca so với cùng kỳ 2018. Không chỉ SXH tăng, mà tay chân miệng (TCM) cũng tăng 96 ca so với cùng kỳ 2018, với số ca mắc là 143 ca…

Ảnh hưởng của thời tiết bất thường

Năm 2018, số ca SXH trên địa bàn TP Cần Thơ giảm so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, từ đầu tháng 1-2019, SXH bắt đầu tăng và kéo dài đến nay. Trong tháng 1-2019, ghi nhận có 122 ca SXH trong khi tháng 12-2018, chỉ có 62 ca. Trong 20 ngày của tháng 2-2019, toàn thành phố có 42 ca SXH. Các quận, huyện có số mắc cao gồm: Ninh Kiều 53 ca, Ô Môn 21 ca, Phong Điền 19 ca…

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Huỳnh Văn Nhanh (giữa) cùng cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố kiểm tra lăng quăng trong lu nước ở nhà dân ở phường Thới An, quận ô Môn. 

Lý giải nguyên nhân vì sao chưa đến mùa mưa mà SXH lại tăng, bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, cho biết: “Thời tiết diễn biến bất thường, tháng 1 lại có mưa. Khi mưa xuống, nước đọng ở những vật phế thải quanh nhà dân như: muỗng dừa, vỏ xe… đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển. Thêm vào đó, người dân còn chủ quan, chưa chủ động vệ sinh trong và ngoài nhà, diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng muỗi nên bệnh SXH tăng. Đáng lưu ý có những nơi người dân mua đất nhưng chưa cất nhà, đất trống, cỏ dại mọc, rác không có người dọn hoặc trở thành bãi phế thải của hàng xóm cũng là ổ chứa muỗi, lăng quăng”.

   Giữa tháng 2-2019 vừa qua, Đoàn kiểm tra, giám sát SXH do bác sĩ Huỳnh Văn Nhanh, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra tại phường Thới An, quận Ô Môn. Đoàn đến nhà em T.T.K.V. A., 12 tuổi, bị SXH độ C (độ nặng), nhập viện Mùng 2 Tết. Trước đó, A. có hiện tượng cảm sốt và ra máu âm đạo nhưng gia đình nghĩ do đến kỳ kinh nguyệt. Đến ngày sốt thứ 2, gia đình đưa cháu đi khám và nhập viện. Đoàn kiểm tra hơn 10 hộ dân cùng khu vực với nhà A., thì chỉ số lăng quăng còn cao dù trong khu vực có ca SXH nặng. Bác sĩ Huỳnh Văn Nhanh nhắc nhở cán bộ địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vãng gia, vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân đổ nước, súc rửa lu khạp.

SXH tăng, bệnh TCM cũng đang tăng và tập trung ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Trong đó, cao nhất là huyện Cờ Đỏ 24 ca, kế đến là quận Ninh Kiều và Ô Môn, mỗi nơi 22 ca…

Xử lý triệt để các ổ dịch

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế TP Cần Thơ phát động toàn dân thực hiện chiến dịch phòng, chống dịch chủ động. Toàn thành phố đồng loạt thực hiện từ 28-1-2019 đến hết 30-1-2019 nhằm nâng cao ý thức tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tổng vệ sinh môi trường... Với việc triển khai chiến dịch phòng, chống dịch chủ động trên địa bàn toàn thành phố, SXH có “giảm nhiệt” nhưng vẫn còn cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ đã cung cấp đầy đủ máy phun, hóa chất cho các quận, huyện.

Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, các ca SXH và TCM xảy ra rải rác. Riêng bệnh TCM, ca bệnh phần lớn ở cộng đồng,  các trẻ chưa đi học nên các địa phương cần chú ý tuyên truyền tập trung ở các đối tượng này. Các quận, huyện tập trung xác định các ấp, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, xử lý môi trường... Nhất là xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan, bùng phát. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Y tế quận, huyện giám sát 100% xử lý các ổ dịch. Hiện nay, thành phố cũng cấp kinh phí thực hiện chương trình phòng, chống TCM và SXH với các hoạt động như truyền thông, điều tra, xử lý ca bệnh, tập huấn…

Bác sĩ Trần Văn Tuấn cho biết, năm nay, SXH và TCM tăng ngay từ tháng 1, rất đáng lo ngại. Bệnh TCM và SXH là hai căn bệnh nguy hiểm, xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ và lây lan rất nhanh nếu không có biện pháp ngăn chặn. Mỗi gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đơn giản, hiệu quả như: rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống chín, phòng muỗi đốt, dọn dẹp các vật phế thải xung quanh nhà, kiểm tra dụng cụ chứa nước… nhằm góp phần hạn chế dịch bệnh.

Bài, ảnh: H.Hoa

 

Chia sẻ bài viết