20/12/2020 - 05:57

Song hành cùng doanh nghiệp, giữ đà tăng trưởng năm mới 

Năm 2020, tác động của đại dịch COVID-19 nên đa phần các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có mức tăng chậm, sụt giảm và không đạt kế hoạch đề ra. Để đạt tăng trưởng dương, các sở, ngành và địa phương của TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Với nhiều chính sách hỗ trợ song hành từ Trung ương đến địa phương đã góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế thành phố.

Tăng trưởng trong thách thức

Vốn ngân hàng là động lực cho các DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động tại BIDV Cần Thơ.

Vốn ngân hàng là động lực cho các DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Hoạt động tại BIDV Cần Thơ.

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TP Cần Thơ tăng 1,02% so với năm 2019 (năm 2019 đạt gần 54.895 tỉ đồng) nhưng cũng đạt mức tăng trưởng dương trong điều kiện rất khó khăn. Năm 2020, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố ước tăng 1,08%; tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ đạt hơn 146.500 tỉ đồng, tăng 9,06% so với năm 2019, cao nhất vùng ĐBSCL và đứng thứ ba trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương... Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ đã triển khai 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất theo các quyết định của Thống đốc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã chấp hành thực hiện các quy định về mức lãi suất tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Dư nợ cho vay đến ngày 30-11-2020 là 100.089 tỉ đồng, tăng 9,59% so với cuối năm 2019. Nợ xấu chiếm 1,14% tổng dư nợ cho vay, thấp hơn mục tiêu phấn đấu kiềm chế nợ xấu ở mức dưới 1,5% mà chi nhánh đề ra. Các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn giảm lãi vay cho khách hàng. Theo đó, giảm lãi suất từ 0,5-3% so với mặt bằng lãi suất cho vay thông thường tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng, triển khai các chương trình cho vay mới với nhiều ưu đãi cho các khách hàng thuộc lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ chi phí như giảm phí dịch vụ và chi phí tiền vay cho cả khách hàng cá nhân và DN. Ước đến cuối năm 2020, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020 đạt khoảng 31.000 tỉ đồng cho hơn 6.000 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay là 1.400 tỉ đồng cho hơn 960 khách hàng bị thiệt hại.

Hệ thống ngân hàng TP Cần Thơ hiện có 47 chi nhánh TCTD và 7 Quỹ tín dụng nhân dân, tăng 1 chi nhánh TCTD là Ngân hàng TNHH Một thành viên Shinhan Chi nhánh Cần Thơ. Năm 2020, vốn huy động của các TCTD đạt 85.500 tỉ đồng, tăng 5,18% so với cuối năm 2019. Nguồn vốn huy động này đáp ứng 85,67% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Với mặt bằng lãi suất giảm, nhiều DN thụ hưởng từ chính sách này để ổn định sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko, cho biết: “Công ty được ngân hàng giảm lãi suất vay USD 0,5% so với trước, được hoãn nộp thuế giá trị gia tăng. Điều này rất có ý nghĩa đối với DN trong tình hình hàng hóa, nguyên phụ liệu bị ách tắc do phong tỏa kinh tế và đơn hàng giảm. Năm 2020, công ty làm 1 triệu sản phẩm may mặc, đảm bảo thưởng Tết cho công nhân ít nhất là 1 tháng lương”. Thị trường của May Meko có đến 95% xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản. Theo ông Gia, đơn hàng đầu năm 2021 hiện chưa nhiều do vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở các nước châu Âu và Nhật Bản, công ty kỳ vọng đại dịch được kiểm soát để ổn định sản xuất, vì năm qua đơn hàng giảm, phải cho công nhân nghỉ luân phiên.

Chung sức vượt khó

Theo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, năm 2020, các TCTD trên địa bàn đều tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tháo gỡ khó khăn đối với DN, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, hỗ trợ DN nhỏ và vừa... Theo ông Trần Quốc Hà, vốn cho vay nông nghiệp nông thôn tăng trưởng khá, đúng hướng, nhất là các xã nông thôn mới. So với cuối năm 2019, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020 ước đạt 27.800 tỉ đồng, tăng 4,08%; cho vay xuất khẩu đạt 12.900 tỉ đồng, tăng 14,13%; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa khoảng 24.900 tỉ đồng, tăng 33,94%... so với cuối năm 2019.

Các tháng cuối năm, lãi suất huy động và cho vay giảm so với đầu năm, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi VNĐ các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của NHNN, nhằm tiếp tục hỗ trợ DN, người dân giảm chi phí vay vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên trong năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên vốn huy động và dư nợ cho vay dù tăng trưởng khá nhưng đạt mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Rõ ràng những thách thức của năm 2020 sẽ còn kéo dài sang năm 2021 và DN đã rất khó khăn nhưng vẫn nỗ lực ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho thành phố. Song, ngoài sự hỗ trợ chính sách của Trung ương và địa phương, DN cần nhất là sự đồng hành của ngân hàng, bởi vốn sản xuất kinh doanh luôn là “điểm nghẽn” của DN.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nói: “Trung bình một năm, công ty xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo, nhưng vùng nguyên liệu của công ty hiện chỉ mới đáp ứng 50% nhu cầu này. Dù công ty rất muốn mở rộng vùng nguyên liệu nhưng vốn vay ngân hàng rất khó khăn. DN rất cần sự đồng hành của ngân hàng”. Theo ông Bình, đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, nên cũng dễ hiểu vì sao ngân hàng chưa mạnh dạn mở rộng tín dụng cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đang có lợi thế từ các cam kết thuế quan của các FTAs thế hệ mới, để DN có thể tận dụng được lợi thế này, ngoài sự nỗ lực khẳng định vị thế của DN thì rất cần vốn mồi từ ngân hàng.

Theo ông Trần Quốc Hà, năm 2021, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Các TCTD phải đẩy mạnh cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho khách hàng.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết