11/03/2014 - 22:08

HÌNH THÀNH VÙNG LÚA NGUYÊN LIỆU XUẤT KHẨU

Sớm giải bài toán nguồn vốn

Theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (ngày 28-8-2013) của Bộ Công thương về "Phê duyệt quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo", cùng với yêu cầu trang bị kho chứa, cơ sở xay xát đúng quy chuẩn quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP về "Kinh doanh xuất khẩu gạo", các thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa sẽ được ưu tiên cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Với 26 thương nhân xuất khẩu gạo trên địa bàn, ngành công thương và nông nghiệp TP Cần Thơ đang nỗ lực hỗ trợ các thương nhân từng bước liên kết với nông dân hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng, phục vụ xuất khẩu. Song quá trình triển khai thực hiện chủ trương trên gặp không ít khó khăn…

* Hiệu quả chưa cao

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 109/2010/NĐ-CP (ngày 4-11-2010) về kinh doanh xuất khẩu gạo, TP Cần Thơ đã có 26 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận thời hạn 5 năm. Các thương nhân có tổng cộng 75 kho chứa với sức chứa 357.419 tấn lúa và 804.870 tấn gạo, có 34 cơ sở xay xát với tổng công suất 440 tấn lúa/giờ và 48 cơ sở lau bóng gạo với tổng công suất 968 tấn gạo/giờ. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 16 thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện bao tiêu vùng lúa nguyên liệu với diện tích 22.000ha (trong đó có gần 2.000ha doanh nghiệp (DN) liên kết bao tiêu với địa phương khác) như Công ty TNHH Trung An, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Cổ phần Mê Kông, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ… Hiện nay, các DN xuất khẩu gạo ở Cần Thơ không chỉ tham gia bao tiêu nông sản tại địa phương mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Tuy nhiên, kết quả chưa cao, một số DN chỉ mới triển khai xây dựng vùng nguyên liệu ở mức độ thí điểm với diện tích chưa đáng kể.

Muốn tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn đầu tư hạ tầng và đầu tư đầu vào cho nông dân (trong ảnh: Thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014 tại huyện Thới Lai).

Tại buổi làm việc mới đây giữa các thương nhân xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ với Tổ Công tác Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Chế biến lương thực Cần Thơ, cho biết: "Vụ đông xuân 2013-2014, công ty liên kết với nông dân ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng tổ chức bao tiêu giống lúa ST5 trong cánh đồng lớn. Tuy nhiên, do triển khai lần đầu nên gặp không ít khó khăn khi địa phương chưa nắm rõ cách thức thực hiện của mô hình để hỗ trợ kết nối DN và nông dân hiệu quả. Mặt khác vào thời điểm thu hoạch công ty gặp khó khăn khi đàm phán giá lúa với nông dân khiến sản lượng bao tiêu của DN không đạt theo kế hoạch ban đầu".

Theo các DN, để xây dựng vùng nguyên liệu phải có vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực quản lý mô hình, phải tổ chức tốt khâu liên kết với nông dân… Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này. Đối với các DN đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định cũng gặp phải không ít áp lực như khi vào vụ thu hoạch thiếu phương tiện vận chuyển lúa, thiếu hệ thống lò sấy, nhất là thiếu vốn thu mua tạm trữ cho nông dân. Theo đại diện Công ty TNHH Trung An, hiện nay đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014, công ty đã triển khai bao tiêu lúa Jasmine 85 cho nông dân với giá 5.300 đồng/kg, đảm bảo cao hơn thị trường. Song công ty đang gặp phải áp lực rất lớn về vốn thanh toán tiền mua lúa cho nông dân. Vì vậy, công ty đang đề xuất thành phố tìm giải pháp hỗ trợ giúp DN nhanh chóng tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để thu mua lúa tạm trữ cho nông dân.

* Tìm lối ra

Qua khảo sát của Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện nay, sản lượng bao tiêu lúa thực tế của các thương nhân xuất khẩu gạo vẫn còn thấp so với hợp đồng đã ký kết. Trong đó, những DN cam kết bao tiêu và không đầu tư vốn cho nông dân, sản lượng thu mua chỉ đạt từ 10-20%. Các DN tự đầu tư hoặc liên kết với một số công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân sản lượng thu mua theo cam kết đạt từ 30-50%. Số DN thu mua đúng sản lượng lúa đã ký kết với nông dân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nói: "Nếu hợp đồng bao tiêu không có sự ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm của các bên liên quan sẽ dễ dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng trong trường hợp đôi bên không thỏa thuận được giá. Vì thế, nhất thiết phải xây dựng lòng tin giữa DN và nông dân, trên cơ sở DN tham gia đầu tư đầu vào cho vùng nguyên liệu, hình thức và tỷ lệ đầu tư tùy thuộc vào khả năng của DN và nông dân được trả chậm không tính lãi vào cuối vụ".

Xuất khẩu gạo là ngành kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực quốc gia và nông dân trồng lúa. Vì thế, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân xuất khẩu gạo tối đa 150 đầu mối, gắn địa bàn hoạt động của thương nhân với vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn. Theo ông Nguyễn Văn Phấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp Thanh, để được duy trì cấp giấy chứng nhận, các thương nhân phải đạt thành tích xuất khẩu 10.000 tấn/năm. Vì thế, vùng nguyên liệu của DN quy mô phải từ 1.000ha trở lên. Song trước đây, để đạt các yêu cầu về kho chứa, lò sấy theo quy định của Nghị định 109, DN phải vay vốn ngân hàng để đầu tư trong trung và dài hạn. Muốn tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn đòi hỏi DN phải có nguồn vốn đầu tư hạ tầng và đầu tư đầu vào cho nông dân. Vì thế, Chính phủ cần có những hỗ trợ cụ thể thiết thực để DN thuận lợi tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi phục vụ phát triển vùng nguyên liệu.

Ông Trần Xuân Long, Phó Phòng Xuất khẩu gạo-Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương, cho biết: "Hiện Bộ Công thương đang nghiên cứu để trình Chính phủ đưa việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa hàng hóa thành một trong các điều kiện bắt buộc đối với thương nhân xuất khẩu gạo. Mục tiêu là làm thế nào để giữ đội ngũ thương nhân cốt cán, tạo động lực thúc đẩy phát triển đội ngũ thương nhân theo chiều sâu đáp ứng yêu cầu cạnh tranh hiện nay. Bước đầu triển khai không phải DN nào cũng có thể đáp ứng tốt, song DN nên xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện". Ông Trần Xuân Long, nhấn mạnh: "Trên địa bàn Cần Thơ có khoảng một nửa số thương nhân xuất khẩu gạo chưa xây dựng được vùng nguyên liệu, hoặc đã tham gia nhưng sản lượng thu mua thấp. Không riêng Cần Thơ, ở nhiều địa bàn khác DN vẫn chưa có thực lực để xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô lớn. Song về lâu dài, muốn vùng nguyên liệu phát huy hiệu quả thì vùng nguyên liệu của DN phải thuận lợi về giao thông thủy, bộ để thuận tiện khâu vận chuyển, phải có nhà máy xay xát để thu gom lúa tươi về xử lý và có kho chứa đạt quy chuẩn để đảm bảo chất lượng lúa gạo sau thu hoạch. Vì thế các DN cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ bởi nếu chậm chân, DN nào không đáp ứng các điều kiện quy định chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi".

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết