15/09/2014 - 20:55

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Sôi động đón các đợt IPO lớn

Từ đầu năm 2014 đến nay, một loạt doanh nghiệp kinh doanh tốt lần lượt được lên sàn chứng khoán như: Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Cảng Cát Lái (CLL), Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS), Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG)... đã góp phần giúp cho thị trường chứng khoán sôi động, tăng 50% về thanh khoản so với trung bình của năm 2013 và chỉ số VN-Index hiện tăng 26% so với cuối năm 2013 đã thúc đẩy nhanh quá trình bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong giai đoạn từ đây đến cuối năm 2015.

Sôi động các đợt IPO

Ngày 10-9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án cổ phần hóa của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo đề án cổ phần hóa đã công bố trước đó thì Vietnam Airlines có vốn điều lệ 14.100 tỉ đồng; trong đó, nhà nước nắm 75% vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược 20%, bán cho người lao động 1,5% và bán đấu giá công khai 3,5% cổ phần của công ty. Giá khởi điểm đấu giá sẽ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định trong thời gian tới. Nhưng theo giới chuyên môn, dự kiến giá khởi điểm của Vietnam Airlines là khoảng 22.300 đồng/cp, nếu vậy, giá thị trường tạm tính của Vietnam Airlines sẽ đạt khoảng 31.400 tỉ đồng, tương đương 1,49 tỉ USD. Khả năng Vietnam Airlines có thể sẽ IPO sớm nhất là trong tháng 11-2014 này. Hiện Vietnam Airlines đang đàm phán với một số nhà đầu tư chiến lược tiềm năng để bán 20% cổ phần. Cũng theo đề án IPO, Vietnam Airlines có thể sẽ chọn một hoặc 2 nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực hàng không để cùng nhau phát triển Vietnam Airlines ngày càng lớn mạnh. Nhiều khả năng trong số các nhà đầu tư chiến lược này đến từ Nhật Bản. Vietnam Airlines là một tổng công ty 91 sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015 này. Vấn đề được giới đầu tư tài chính quan tâm và hấp dẫn nhất trong đề án IPO của Vietnam Airlines là sau khi cổ phần hóa Vietnam Airlines vẫn được Chính phủ bảo lãnh khi vay vốn mua máy bay.

Sau kế hoạch IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam vào ngày 22-7 vừa qua bị hoãn với lý do dành nhiều thời gian để nhà đầu tư tìm hiểu thêm về Tập đoàn và để đảm bảo cho đợt IPO thành công hơn. Lần này, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo sẽ đấu giá lần đầu ra công chúng Tập đoàn Dệt may Việt Nam vào ngày 22-9-2014. Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) là nhà tư vấn niêm yết cho Vinatex. Theo đề án tái cấu đã được thông qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam sẽ đấu giá lần đầu 121.999.150 cổ phần, tương đương 24,4% vốn điều lệ dự kiến, với mức giá khởi điểm là 11.000 đồng/cp. Vốn điều lệ của Vinatex là 5.000 tỉ đồng, trong đó nhà nước dự kiến nắm giữ 51% và bán cho nhà đầu tư chiến lược 120 triệu cổ phần, tương đương 24% vốn và bán cho người lao động của Vinatex 0,6% vốn điều lệ với 3.445 người được mua ưu đãi với giá bán ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công. Sau cổ phần hóa Vinatex dự kiến sẽ có 10 công ty con và nắm giữ cổ phiếu dưới 50% tại 20 doanh nghiệp cùng ngành nghề khác. Vinatex là Tổ hợp doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nên hiện tại Vinatex là cổ đông chính của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may Việt Nam như Tổng Công ty Phong Phú, Công ty may Việt Tiến, Công ty may Nhà Bè, Công ty Hanosimex, May 10, May Đức Giang… Việc Vinatex IPO vào đúng lúc vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc 10 ngày làm việc tích cực tại Hà Nội vào ngày 11-9 với nhiều kết quả đạt được rất quan trọng sẽ góp phần giúp đợt IPO lớn này thành công hơn, vì Vinatex là doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Việt Nam gia nhập TPP trong thời gian tới với các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc...

Chờ đợi sự bùng nổ của các "ông lớn"

Từ đầu năm đến nay có nhiều doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện IPO như công ty Hancorp, Vinamotor, Viglacar, cảng Hải Phòng, các tổng công ty Cienco, Vocarimex… Trong số này, chỉ có một số doanh nghiệp bán được 100% lượng đấu giá như Cienco 1, Cienco 4, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long và thành công nhất trong số đó là đợt IPO của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) với vốn điều lệ 1.218 tỉ đồng hồi cuối tháng 7 vừa qua, với giá bán trung bình cao hơn 19% so với giá khởi điểm, đạt 13.428 đồng/cổ phần và 38 triệu cổ phần được bán ra cho nhà đầu tư tham gia đấu giá. Tuy vậy, quy mô của các đợt IPO này đều nhỏ hơn khá nhiều so với Vinatex và càng rất nhỏ so với Vietnam Airlines. Nhưng mặt thuận lợi là so với đầu năm thì hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn với thanh khoản tăng và chỉ số cũng tăng hơn nhiều. Việc ra đời nhiều quỹ ETF nội (Quỹ hoán đổi danh mục) trong vài tháng gần đây, sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài tới thị trường chứng khóan Việt Nam, lãi suất huy động và cho vay đều giảm, kinh tế vĩ mô ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá hơn so với đầu năm, các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín như Standard & Poor’s, Moody’s Investors Service và Fitch đều đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc trên thị trường quốc tế... nên khả năng IPO thành công của Vinatex và Vietnam Airlines là rất cao trong thời gian tới.

Từ đây đến cuối năm 2015, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ lần lượt được IPO, đây là 2 tổng công ty 91 mà Chính phủ quyết tâm thực hiện cổ phần hóa nằm trong nhóm 432 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước bắt buộc phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015 được công bố hồi cuối năm 2013. Mặc dù chưa biết được khi nào Vinatex và Vietnam Airlines sẽ niêm yết lên sàn giao dịch chính thức sau khi IPO nhưng với việc IPO thành công các "ông lớn" này sẽ giúp thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung trong thời gian tới sẽ rất sôi động và hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cả trong lẫn ngoài nước, cũng như thúc đẩy nhanh việc IPO tiếp các "ông lớn" còn lại là Vicem, Mobifone và Vinalines...

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết