22/02/2016 - 21:22

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp

Sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu

Với Chủ đề "Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp do Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học đã nêu thực trạng sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, các giải pháp chuyển đổi cây trồng phù hợp cũng như các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn trong tình hình hiện nay...

Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần này được tổ chức đúng vào dịp các tỉnh, thành ĐBSCL đang phải đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục trong gần 100 năm qua; rất cần có các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn trong tình hình hiện nay và về lâu dài. ĐBSCL đang là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhất là mặt hàng quan trọng lúa gạo hàng năm sản xuất trên 25 triệu tấn lúa, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. ĐBSCL cũng là trung tâm sản xuất trái cây; năm vừa qua trái cây của vùng ĐBSCL và nước ta xuất khẩu tăng rất nhanh, nếu như năm 2013 mới chỉ xuất khẩu đạt kim ngạch 900 triệu USD thì đến năm 2015 xuất khẩu trái cây của Việt Nam đạt 2,1 tỉ USD... Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều thách thức, đó là chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, chi phí sản xuất cao; cơ cấu giống lúa chưa phù hợp và tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận còn thấp; sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu quá nhiều; liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo; Hiệp định TPP tạo ra sức cạnh tranh quyết liệt hơn trên thị trường; tác động biến đổi khí hậu… Trước vấn đề này, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã nhìn nhận kịp thời và đưa ra nhiều giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ và dài hạn là tái cấu trúc lại ngành lúa gạo, hiện nay Bộ đã hoàn thiện đề án và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tái cấu trúc theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí và có thể đem lại lợi ích cho nông dân…

TP Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp 114.965 ha; trong đó gần 88.000 ha canh tác lúa, hàng năm nông dân thành phố sản xuất lúa khoảng 220.000 ha, sản lượng trên 1 triệu tấn lúa. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm định hướng giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, để sản xuất bền vững, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đa dạng hóa cây trồng, cải tạo đất trên đồng ruộng do sản xuất độc canh, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích canh tác. Trong vụ hè thu, chuyển đổi sang cây trồng khác đối với những vùng không thuận lợi cho sản xuất lúa như khô hạn, không chủ động được nguồn nước tưới và năng suất thấp; trong năm 2015 thành phố đã chuyển đổi 3.098 ha (chủ yếu là cây mè, bắp, dưa hấu và rau đậu các loại). Diện tích cây mè tăng cao do phù hợp với vùng sản xuất và thu nhập khá cao, lợi nhuận bình quân 1 ha từ 17-25 triệu đồng/vụ, nếu canh tác 2 vụ lúa – 1 vụ mè cho thu nhập tăng thêm từ 5-16 triệu đồng/ha so với canh tác 3 vụ lúa liên tục… Năm 2016, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, từng bước thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập của nông dân. Thực hiện chuyển đổi cây trồng cũng nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, giảm áp lực nguồn cung lúa hàng hóa, góp phần điều tiết giá lúa có lợi cho nông dân trên thị trường. Kế hoạch chuyển đổi cây trồng của thành phố trong năm nay cũng dự kiến trên 4.300 ha...

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, địa phương có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm tiềm năng như cây lúa, mía, khóm, cây ăn trái và rau màu. Trong đó, cây lúa có thế mạnh nhất, hàng năm gieo trồng trên 200.000 ha, sản lượng ổn định từ 1,1-1,2 triệu tấn. Tỉnh đã xây dựng được 5 "cánh đồng lớn" với tổng diện tích 1.660 ha, 1.503 hộ tham gia; xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh với qui mô khá lớn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu như: vùng lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng mía nguyên liệu 10.300 ha, vùng khóm 2.000 ha, vùng cây có múi đặc sản 10.000 ha… Về kết quả chuyển đổi cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu, địa phương đã triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đã mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020. Đề án này chuyển đổi 1.000 ha vườn tạp kém hiệu quả sang các cây trồng chuyên canh, chuyển đổi 1.000 ha mía kém hiệu quả sang cây ăn trái và rau màu, chuyển đổi 1.000 ha lúa 3 vụ sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa- thủy sản… Qua đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã góp phần giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị trên diện tích chuyển đổi, hạn chế rủi ro...

ĐBSCL cần tăng cường các giải pháp sản xuất lúa hiệu quả hơn trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. 

Đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sản xuất lúa hiện nay nói chung chi phí đầu vào còn khá cao. Những năm gần đây, Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân. Phát triển sản xuất lúa theo hướng giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính là tất yếu trong thời gian tới. Do đó, để có những bước phát triển đột phá cần có những giải pháp đồng bộ, kể cả các giải pháp về chính sách và tổ chức sản xuất; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác động môi trường ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm là rất cần thiết hiện nay. Ở ĐBSCL thời gian qua cũng đã có một số mô hình sản xuất lúa tiên tiến, hiệu quả như: mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng", mô hình ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI)...

Tích cực chống hạn, mặn xâm nhập

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Theo đánh giá của các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới thì El Nino đã chính thức bắt đầu từ những tháng cuối năm 2014 và có khả năng kéo dài đến hết mùa xuân năm 2016. Ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2014/2016 cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Trong các năm El Nino kỷ lục, hoạt động bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam thường ít hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm. Nền nhiệt độ trung bình ở hầu hết các khu vực trên cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, hạn hán. Mùa khô năm 2015-2016 do thiếu nước ngọt, nước mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm, xâm nhập sâu vào ĐBSCL.

Để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL trong vụ hè thu 2016, các địa phương cần tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn trong và ngoài hệ thống cống, vận hành điều tiết nước theo quy trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước hợp lý và hiệu quả. Chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt trữ vào hệ thống kênh mương đảm bảo đủ nước khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn; vận hành cống ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời. Nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn và trữ ngọt; ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương và hệ thống thủy lợi nội đồng. Lựa chọn các giống chịu hạn mặn, những loại cây trồng ít tốn nước; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước ở những nơi có điều kiện. Chương trình bơm điện cho ĐBSCL cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư cho một số vùng, nghiên cứu giải pháp kênh trục dẫn ngọt trong bán đảo Cà Mau...

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trước những ảnh hưởng nặng nề do mặn xâm nhập trong mùa khô năm nay và nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng trong các năm tới, biện pháp khẩn cấp đã được các tỉnh triển khai là hạn chế xâm nhập mặn các diện tích lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng và bơm nước giảm nhiễm mặn cho các khu vực bị nước mặn xâm nhập. Hệ thống cống hở, cống thoát nước được đóng lại và dự kiến sẽ có một số khu vực phải đắp đập tạm thời để hạn chế nước mặn xâm nhập… Đối với kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu, thu đông và mùa 2016, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ hè thu và mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết