14/06/2017 - 09:38

Phòng trừ dịch hại hiệu quả, an toàn

Tình trạng chuột cắn phá, gây hại cho cây trồng có xu hướng tăng tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ do điều kiện thời tiết, cơ cấu mùa vụ cây trồng thay đổi và nước lũ không cao. Để đối phó với loài dịch hại này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cùng với các địa phương tổ chức ra quân, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ chuột hiệu quả, an toàn cho con người và môi trường.

Chuột gây hại tăng

 

Nông dân quận Thốt Nốt được ngành nông nghiệp thành phố tặng chế phẩm sinh học và bẫy chuột để diệt chuột. 

Ông Nguyễn Văn Sang ngụ khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: "Chuột xuất hiện nhiều cắn phá ruộng lúa, nhất là ruộng lúa nằm cặp các khu vực đê bao hay các diện tích vườn cây ăn trái, vườn tạp. Vụ lúa đông xuân, hè thu vừa qua, gia đình tôi tốn khá nhiều công để giặm lại các diện tích lúa bị chuột cắn phá. Vụ thu đông 2017, tôi gieo sạ 8,5 công lúa, đến khoảng hơn 10 ngày tuổi cũng bị chuột cắn phá. Tôi phải mua các loại bẫy chuột và kết hợp dùng thuốc hóa học. Nhưng do chuột liên tục di trú từ nơi khác đến ẩn náu trong bụi rậm, ban đêm mới ra cắn phá, rất khó diệt hết". Ông Nguyễn Văn Ơ, ngụ phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: "20 công lúa thu đông của gia đình gieo sạ được 10 ngày tuổi đã bị chuột cắn phá. Thiệt hại nặng nhất là diện tích lúa non cặp theo bờ ruộng, bờ vườn. Rất mong tất cả các bà con trong khu vực cùng tham gia diệt chuột để đạt hiệu quả cao". Theo ông Nguyễn Văn Hết, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, trước đây, đa số bà con chỉ sản xuất lúa nên vào thời điểm kết thúc vụ, chuột bị "cắt" nguồn thức ăn. Hằng năm, nước lũ cũng về nhiều, khiến chuột không có chỗ trú ngụ. Nhưng gần đây, nhiều bà con trồng rau màu và cây ăn trái xen với đất sản xuất lúa, nước lũ về ít, đã tạo nơi cư trú và nguồn thức ăn dồi dào, thuận lợi cho chuột sinh sôi phát triển.

Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận Thốt Nốt, vụ hè thu 2017, quận Thốt Nốt xuống giống được hơn 4.283ha lúa. Dù ít bị ảnh hưởng các loại sâu bệnh, nhưng tình hình chuột cắn phá lúa có xu hướng gia tăng. Đã có hơn 275ha lúa bị chuột cắn phá, gây hại với tỷ lệ 5-10%, cục bộ có nơi lên đến hơn 20%. Do nóng vội diệt chuột nhanh nên có trường hợp người dân đã sử dụng biện pháp diệt chuột không tuân thủ nguyên tắc "4 đúng", kể cả biện pháp sử dụng thuốc kết hợp với dầu nhớt trên ruộng dẫn đến chuột kháng thuốc và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một số nông dân vẫn còn dùng điện để diệt chuột. Đây là biện pháp gây nguy hiểm đến tính mạng con người, đã bị nghiêm cấm.

Tích cực phòng trừ

Thời gian qua, ngành nông nghiệp luôn quan tâm đến phòng trừ chuột. Đặc biệt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong phòng trừ chuột. Theo đó, Chi cục phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương tổ chức phát động ra quân diệt chuột hại cây trồng trên địa bàn thành phố vào ngày 7-6 và 9-6 tại quận Thốt Nốt và quận Ô Môn. Mục đích nhằm tăng cường hơn nữa, tranh thủ từ các ban ngành đoàn thể và địa phương trong việc chung sức tuyên truyền các biện pháp phòng trừ chuột hiệu quả và bền vững. Kịp thời thông tin, tuyên truyền sâu rộng cho tất cả nông dân về tình hình chuột gây hại ở địa phương; tác nhân gây hại, khả năng phát triển, lây lan, nguy cơ đe dọa năng suất cây trồng. Đồng thời, tổ chức triển khai, vận động nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ, diệt chuột mang tính cộng đồng, thường xuyên và liên tục bằng nhiều biện pháp kết hợp hiệu quả, an toàn và không sử dụng các biện pháp bị nghiêm cấm như: dùng điện, nhớt pha thuốc trừ sâu…

 

Nông dân tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ trao đổi kinh nghiệm về cách đặt bẫy lồng để bắt chuột.

Năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ mở nhiều cuộc tập huấn qui trình phòng trừ chuột cho người dân tại các quận, huyện; in phát các tài liệu hướng dẫn phòng trừ chuột, hỗ trợ cho nông dân 5.920kg chế phẩm sinh học Biorat, hỗ trợ 5.920 cái bẫy và hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình diệt chuột bằng bẫy cây trồng. Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố, khuyến cáo: Cần phải diệt chuột thường xuyên liên tục và mang tính cộng đồng mới đạt hiệu quả cao. Từng địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng trừ chuột trên địa bàn và phân công cán bộ tham gia, phối hợp thực hiện. Tổ chức các nhóm nông dân cùng hỗ trợ, giám sát, vận động nhau thực hiện diệt chuột đúng quy trình, đặt bẫy chuột, đặt chế phẩm sinh học, bẫy cây trồng,... và thực hiện dứt điểm từng khu vực.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Chuột là đối tượng rất nguy hiểm đối với sản xuất nông nghiệp, có tốc độ sinh sản nhanh, cắn phá nhiều hơn số lượng thức ăn chúng cần và có khả năng di trú bầy đàn ở xa, di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác và từ nước này sang nước khác nên phải luôn cảnh giác và chủ động phòng trừ để tránh các thiệt hại nặng nề. Để đạt hiệu quả cao trong phòng trừ chuột, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT và địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Tổ chức ra quân phòng trừ chuột thường xuyên liên tục tại địa phương, tạo ra phong trào mang tính cộng đồng, kết hợp nhiều giải pháp phòng trừ chuột đúng cách nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn cho con người và môi trường.

 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, do ảnh hưởng điều kiện thời tiết, mùa vụ và nước lũ không cao, chuột gây hại cây trồng có xu hướng gia tăng trong các vụ sản xuất vừa qua. Vụ đông xuân 2016-2017, toàn thành phố gieo sạ được 85.449ha lúa và vụ hè thu 2017 gieo sạ được 80.557 ha, thì đã có 3.972 ha lúa bị thiệt hại do chuột gây ra, tỷ lệ chồi bị hại phổ biến từ 3-10%, cục bộ có nơi lên đến 20%. Chuột cũng cắn phá và làm giảm năng suất nhiều loại cây trồng khác như: rau màu, cây ăn trái… Chỉ một cặp chuột bố mẹ ban đầu, sau 1 năm với khoảng 5 lứa đẻ (mỗi lứa chỉ cần với số lượng 6 con) đàn chuột có thể lên đến hơn 2.000 con. Chuột có thể tiêu thụ lương thực trong mỗi ngày gấp 4 lần trọng lượng cơ thể và cắn phá lượng hoa màu thực tế cao gấp 70-100 lần so với nhu cầu ăn do chuột có răng cửa phát triển mọc dài cần phải thường xuyên gặm nhấm để mài mòn răng.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
chuột