28/01/2019 - 11:01

Phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt quản lý thị trường 

Năm 2018, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại của TP Cần Thơ có nhiều chuyển biến tích cực, các vụ việc vi phạm giảm mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Cần Thơ (Ban Chỉ đạo 389/TP) đã xây dựng nhiều giải pháp để quản lý thị trường. 

Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ xử lý 1 vụ buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu. 

Theo Ban Chỉ đạo 389/TP, năm 2018, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra, tuy quy mô không lớn nhưng diễn biến phức tạp. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng may mặc, hàng tiêu dùng, đồ điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Hoạt động của đối tượng chủ yếu vẫn là phân tán, xé lẻ; hàng cấm, hàng lậu được ngụy trang kín đáo, trộn lẫn giữa các hàng hóa khác rồi vận chuyển bằng các phương tiện giao thông thủy, bộ. Các hành vi gian lận thương mại vẫn chủ yếu về hóa đơn, chứng từ; chất lượng sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; nhãn, giả mạo nhãn hàng hóa; hàng quá hạn sử dụng; kinh doanh hàng hóa không còn nguyên vẹn bao bì; không niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định; hàng hóa chưa công bố chất lượng, kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp...

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, khép kín từ khâu sản xuất, vận chuyển đến lưu thông, phân phối. Các loại hàng thường làm giả gồm: mỹ phẩm, trà, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nhớt, phụ tùng xe gắn máy... Đối tượng thường thuê những nơi vắng vẻ bãi để hàng, xa khu dân cư ít người qua lại để hoạt động. Thủ đoạn hoạt động thường là thu mua những nguyên liệu kém phẩm chất có giá rẻ, không rõ nguồn gốc, sau đó pha trộn đóng vào bao bì giả nhãn mác của thương hiệu khác có uy tín để bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính...

Năm 2018, các sở, ngành và lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý 1.831 vụ, giảm 1.034 vụ (36,09% số vụ so với cùng kỳ); tổng số tiền xử lý vi phạm 78,2 tỉ đồng, tăng gần 8,6 tỉ đồng (tăng 12,32% so với cùng kỳ). Mặc dù số vụ xử lý vi phạm hành chính có giảm, nhưng số tiền xử lý vi phạm lại tăng so với cùng kỳ là do lực lượng chức năng thành phố có thay đổi về vị trí pháp lý, cùng đó các lực lượng khác tập trung xử lý các vụ việc còn tồn đọng và tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế (Công an, Hải quan, Cục Thuế).

 Trong năm qua, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra và xử lý 221 vụ sai phạm, chủ yếu là hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và sai về thủ tục hành chính, tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 34 tỉ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 353 quyết định xử lý vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1,7 tỉ đồng. Sở Khoa học và Công nghệ cùng với các cơ quan chức năng đã tiến hành 12 cuộc thanh tra, kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường như: xăng dầu, vàng trang sức mỹ nghệ, mũ bảo hiểm, điện - điện tử, đồ chơi trẻ em, hàng đóng gói sẵn, thép làm cốt bê tông, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp. Kết quả, có 31 cơ sở vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt hơn 585 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Các vi phạm điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu về nhãn thuốc bảo vệ thực vật có nội dung không đúng với giấy chứng nhận đăng ký; quy định thành phần hàm lượng trên nhãn không đúng với nội dung công bố, áp dụng; kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính hoặc tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng ngoài giới hạn cho phép so với hàm lượng công bố được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mặt hàng phân bón hàm lượng, định lượng không đảm bảo. Hành vi vi phạm về lúa giống chỉ dừng lại ở việc sửa tên giống lúa (chất lượng giống vẫn đảm bảo). Các vi phạm trong chế biến nông, thủy sản là cơ sở không đảm bảo vệ sinh nơi chế biến, không có trường hợp dùng chất cấm... Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, khẳng định: Trong năm qua trên địa bàn TP Cần Thơ gần như không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm nào. Đến nay, tại hầu hết các bếp ăn trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng trên địa bàn thành phố đều được kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào phải là hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, tại các bếp ăn trường học, các đơn vị còn thành lập tổ tự quản để quản lý chất lượng thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Sanh, Quyền Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP, cho biết: Lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố còn thiếu, biên chế một số nơi chưa đảm bảo. Đa số các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố chưa có trụ sở làm việc, trang thiết bị và kinh phí phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong khi tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, đối tượng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động khác nhau gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, kiểm tra, bắt giữ và xử lý. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật về chỉ đạo và xử lý hàng nhập lậu còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thực hiện.

Đề ra kế hoạch trọng tâm năm 2019, Ban Chỉ đạo 389/TP tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung tổ chức đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm của Ban Chỉ đạo đã phân công và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, tăng cường quản lý chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, vật tư nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết