30/12/2013 - 22:00

Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ

Sáng 30-12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính- ngân sách nhà nước năm 2013 và triển khai nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước năm 2014. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiều địa phương thu ngân sách vượt kế hoạch dự toán. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong điều kiện kinh tế khó khăn. Bối cảnh kinh tế năm 2014 có nhiều thuận lợi, song thách thức cũng không kém. Thủ tướng chỉ đạo cần phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Đảm bảo cân đối thu- chi ngân sách

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhận định được tình hình kinh tế khó khăn, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ quyết định nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất- kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2013 về những giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách năm 2013 được ngành triển khai rộng, sát thực tiễn. Chính sách tài khóa được triển khai kịp thời, tạo động lực gỡ khó cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2013, chỉ tiêu pháp lệnh Quốc hội giao là 816.000 tỉ đồng. Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự quyết tâm cao của các bộ, ngành và các địa phương, năm 2013 thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 99% dự toán (kể cả ghi thu- ghi chi ngoài dự toán). Việc huy động vốn từ trái phiếu chính phủ đạt yêu cầu. Bội chi NSNN được điều hành trong phạm vi Quốc hội cho phép điều chỉnh là 5,3% GDP… Đồng thời, tiết kiệm chi được khoảng 22.600 tỉ đồng. Nhiều địa phương đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu thu NSNN như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Cần Thơ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Phúc…

May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Việt Thành, TP Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02, Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ được thành phố quán triệt sâu rộng đến tất cả các ngành, các cấp. Thành phố còn triển khai nhiều chương trình, giải pháp kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, các chương trình bình ổn giá, xúc tiến thương mại, đầu tư… Do đó, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiềm chế (CPI năm 2013 tăng 5,2% so cuối năm 2012). Năm 2013, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 237.319 tỉ đồng, vượt khoảng 1% dự toán Bộ Tài chính giao trong đó thu nội địa là 161.300 tỉ đồng". Còn theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tình hình kinh tế khó khăn, trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của thành phố dự đoán khó đạt dự toán được giao. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp gỡ khó, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chống thất thu,… năm 2013, tổng thu NSNN của Hà Nội đạt 162.035 tỉ đồng, vượt 0,3% dự toán Bộ Tài chính giao.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: Năm 2013, thành phố quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đề ra. GDP năm 2013 tăng 11,57% so năm 2012, chỉ số công nghiệp tăng 7,6%, thương mại - dịch vụ tăng 10,8% so với năm 2012. Thành phố thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thu - chi ngân sách. Đồng thời, triển khai có hiệu quả và thực hiện thường xuyên, có trọng tâm các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trên địa bàn. Lãnh đạo thành phố luôn quan tâm tạo điều kiện để doanh nghiệp bán được hàng, giải phóng hàng tồn kho. Đồng thời, làm việc trực tiếp với các đơn vị trực thuộc về công tác lập dự toán, thu ngân sách trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ và chống thất thu. Từ những giải pháp quyết liệt này, năm 2013, tổng thu ngân sách thành phố đạt 11.063 tỉ đồng, vượt 5,6% dự toán Bộ Tài chính giao. Đồng thời, thành phố còn tiết kiệm chi được 322 tỉ đồng. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2014, thành phố quyết tâm đạt kết quả cao nhất trong thu NSNN.

Theo lãnh đạo một số địa phương, năm 2013 là năm khó khăn nhất trong chu kỳ khủng hoảng kinh tế, đạt được kết quả thu NSNN như vậy là nỗ lực rất lớn. Nhiều địa phương băn khoăn khi chính sách thuế còn nhiều kẽ hở, khiến một số đối tượng lợi dụng thực hiện kinh doanh trái luật, trốn thuế, gây thất thu NSNN. Mặt khác, việc điều tiết ngân sách, phân bổ, tạm ứng vốn từ ngân sách cho các địa phương còn nhiều vướng mắc, cần tháo gỡ để thúc đẩy sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cần sự phối hợp

Năm 2014, dự báo kinh tế tích cực hơn, trong bối cảnh này dự toán thu của ngành tài chính là 782.700 tỉ đồng. Trong đó, thu nội địa là 539.000 tỉ đồng; thu dầu thô 85.200 tỉ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 154.000 tỉ đồng… Dự toán chi NSNN năm 2014 là 1.006.700 tỉ đồng, tăng 28.700 tỉ đồng (2,9%) so với năm 2013. Để đạt mục tiêu này, Bộ Tài chính đã đề ra 10 giải pháp thực hiện, như: gỡ khó cho sản xuất kinh doanh; tăng cường kiểm tra khai, kê khai thuế; quản lý chi NSNN chặt chẽ, chống lãng phí; quản lý giá theo cơ chế thị trường; hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường tài chính; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; quản lý nợ công… Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị tất cả cán bộ ngành tài chính quyết tâm, đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2014; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cả nước hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2014.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói: "Năm 2013 là năm khó khăn bủa vây, nhưng ngành tài chính- ngân hàng phối hợp rất chặt chẽ trong thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ. Qua đó, giúp khơi thông vốn sản xuất, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2014, Chính phủ quyết định bội chi ngân sách Nhà nước ở mức 5,3% và đã được Quốc hội thông qua. Để đạt mục tiêu này, cần đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 7%, điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành tài chính và ngân hàng trong việc xác định khi nào đưa tiền vào đầu tư công và khi nào cần sự hỗ trợ vốn từ hệ thống ngân hàng, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất. Khi chính sách tài khóa và tiền tệ được phối hợp chặt chẽ sẽ tạo ra hệ thống tài chính thực sự lành mạnh, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ". Thống đốc cho rằng, năm 2014, khối lượng trái phiếu Chính phủ sẽ tăng mạnh theo yêu cầu huy động đầu tư, nên ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đảm bảo minh bạch thị trường tiền tệ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài chính. Việc thu đúng, thu đủ, thực hiện tốt miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn lớn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. An toàn tài chính, nợ nước ngoài được đảm bảo. Tái cơ cấu kinh tế: đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước đạt nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2013 kinh tế vĩ mô tốt hơn, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng tốt hơn năm 2012, tuy chưa nhiều, chưa mạnh nhưng quý sau luôn cao hơn quý trước. Thủ tướng mong ngành tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tốt hơn nữa trong năm 2014, gắn kết chặt chẽ với các giải pháp điều hành vĩ mô. Năm 2014 CPI phải kiềm chế dưới 7%, phải ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế GDP đạt 5,8%. Để đạt được mức này, phải ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động, đảm bảo an ninh quốc phòng. Năm 2014 sẽ phát hành khoảng 400.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để có vốn đầu tư, nhưng không làm lạm phát tăng, lãi suất tăng. Do đó, ngành tài chính cần phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính- tiền tệ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, giảm bội chi ngân sách (giảm nợ công). Đồng thời, quản lý tốt về giá: đặc biệt là từ nay đến Tết Nguyên đán 2014 phải đảm bảo cung- cầu hàng hóa, kiểm soát giá, giá thị trường đối với các hàng hóa thiết yếu. Bộ Tài chính phải phối hợp với các bộ để tính đúng, tính đủ, đảm bảo vận hành giá theo cơ chế thị trường và phải hỗ trợ các đối tượng chính sách. Cần thu hẹp cho vay ưu đãi, vốn ưu đãi phải đến đúng địa chỉ. Công tác thu thuế phải quyết liệt từ đầu năm, chống thất thu. Ngành tài chính cần phối hợp với ngân hàng tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Song hành với tái cơ cấu tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là mở cửa thị trường, tận dụng cho được các ưu đãi từ 8 hiệp định thương mại tự do đã ký để thúc đẩy đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết