19/08/2018 - 09:13

Ông Khan sẽ đứng vững trên đôi chân của mình? 

Hôm qua 18-8, một ngày sau khi được Quốc hội Pakistan bỏ phiếu chọn làm thủ tướng, nhà lãnh đạo đảng Tehreek-i-Insaf (Phong trào vì công lý - PTI) Imran Khan đã tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ tại Thủ đô Islamabad, chính thức nắm quyền lãnh đạo tại quốc gia Nam Á đầy phức tạp này.

Ông Imran Khan (trái) tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan ngày 18-8. Ảnh: AP
Ông Imran Khan (trái) tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Pakistan ngày 18-8. Ảnh: AP

Ông Imran Khan nhận được 172 phiếu ủng hộ trong tổng số 342 ghế Quốc hội, vượt qua đối thủ Shehbaz Sharif - Chủ tịch đảng Liên đoàn Hồi giáo Nawar (PML-N), người chỉ nhận được 96 phiếu ủng hộ.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Pakistan ngày 25-7 vừa qua, PTI giành chiến thắng với 151 ghế trong quốc hội 342 thành viên. Dù dẫn đầu với cách biệt rõ rệt và là đảng lớn nhất trong quốc hội song PTI không hội đủ số ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ đa số. Vì vậy, PTI phải bắt tay với các đảng nhỏ gồm Phong trào Muttahida Qaumi và Liên minh dân chủ vĩ đại cùng các nghị sĩ độc lập để thành lập chính phủ liên minh.

Phát biểu tại buổi lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Imran Khan, 65 tuổi, cam kết trung thành với đất nước Pakistan và luôn phục vụ hết mình cho chủ quyền, sự toàn vẹn, tình đoàn kết, hạnh phúc và sự phồn thịnh của đất nước. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, ông Khan sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức về kinh tế, chủ nghĩa cực đoan, dân số tăng nhanh, mối quan hệ dân-quân sự…

Vào tháng 9 tới, chính quyền Pakistan sẽ đưa ra quyết định có cầu cứu gói tài chính thứ hai với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay không khi mà ngân sách quốc gia đang dần cạn kiệt. Bất kỳ thỏa thuận nào với IMF cũng đòi hỏi Pakistan phải “thắt lưng buộc bụng” chứ không thể theo đuổi chính sách “quốc gia phúc lợi Hồi giáo” mà ông Khan hứa với cử tri trong chiến dịch vận động tranh cử. Mỹ, nước đóng góp tài chính lớn nhất và có quyền phủ quyết ở IMF, tuyên bố sẽ không để Pakistan dùng tiền vay của IMF để trả nợ cho Trung Quốc. Về chủ nghĩa cực đoan, ngoài tình trạng bất an ninh thường thấy, Pakistan đang nổi lên như mặt trận mới của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Riêng tân Thủ tướng Khan bị những người chỉ trích đặt biệt danh là “Taliban Khan” vì cho rằng ông có cảm tình với phong trào Taliban. Về mặt dân số, Pakistan chứng kiến mức tăng dân số gấp 5 lần kể từ năm 1960 và hiện đạt 208 triệu người. Dân số tăng quá nhanh đã ảnh hưởng đến chỉ số phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Đặc biệt, đất nước Pakistan suốt gần 71 năm lịch sử luôn chịu sự quản lý của quân đội nên quyền lực của chính quyền dân sự không cân bằng với giới quân đội. Không một lãnh đạo dân sự nào hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm của mình, trong đó có nhiều người bị đảo chính quân sự. Hiện quân đội Pakistan đang gặp khó khăn khi Mỹ cắt đứt viện trợ và ngừng các chương trình hỗ trợ huấn luyện.

Tân Thủ tướng Khan được cho là người được quân đội hậu thuẫn. Tuy nhiên, cựu vận động viên nổi tiếng môn cricket (bóng gậy) tuyên bố sẽ xây dựng “một Pakistan mới” nhằm mang lại nền dân chủ và chống tham nhũng. Ông Khan được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mát với cách thức tiếp cận mới giải quyết các vấn đề cố hữu của Pakistan. Hôm 17-8, ông Khan nói rằng ông đến trình diện trước Quốc hội Pakistan bằng chính đôi chân của mình và chấp nhận đương đầu với các thách thức to lớn của đất nước mà không màn đến vị thế quyền lực bất đối xứng trước quân đội.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
PakistanImran Khan