15/08/2022 - 12:32

Ổn định cuộc sống với nghề đan lú 

Nhiều người dân ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, gắn bó với nghề đan lú. Họ theo đuổi công việc này không chỉ để mưu sinh mà còn mong muốn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống.

Nghề đan lú giúp nhiều hộ dân ở phường Thuận Hưng có việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Nghề đan lú giúp nhiều hộ dân ở phường Thuận Hưng có việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Qua đôi tay nhanh nhẹn của vợ chồng anh Đặng Văn Nghĩa ở khu vực Tân An, sản phẩm lú bắt cá dần hình thành. Anh Nghĩa kể, lúc trước, anh bôn ba làm nhiều nghề: theo tàu đánh bắt cá, công nhân xưởng dệt… Cách nay 5 năm, anh Nghĩa cưới vợ, quê ở Sóc Trăng, làm công nhân công ty chế biến thủy sản. Khi vợ sinh con, nghỉ việc, anh Nghĩa hướng dẫn vợ cách đan lú để vừa phụ mẹ anh vừa có thể chăm sóc con nhỏ. Sau thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Nghĩa cũng quyết định nghỉ việc, về quê cùng vợ làm nghề đan lú. Anh Nghĩa nói: "Mỗi công đoạn rất cần sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ; các mối thắt phải chặt chẽ, liên kết với nhau thì sản phẩm mới sử dụng bền lâu".

Theo chị Lý Thị Vân, vợ anh Nghĩa, so với thu nhập lúc còn làm công nhân chế biến thủy sản, nghề đan lú hiệu quả hơn vì làm tại nhà, không tốn kém các chi phí, còn có thời gian gần gũi, chăm sóc gia đình. Chị Vân bộc bạch: “Thời gian đầu mới học đan, tay tôi rất đau vì siết chặt các mối chỉ thắt. Nhưng khoảng 2 tuần thì quen dần, thành phẩm lú ngày càng đều tay, bền chắc hơn”. Vừa nhanh tay luồn và kết chặt mối chỉ, bà Đặng Thị Đém - mẹ anh Nghĩa, kể khi bà khôn lớn đã thấy người dân trong xóm hằng ngày tụ họp đan lú trước sân. Bà Đém và chị em bạn trang lứa tập tành đan lú phụ gia đình kiếm thêm thu nhập. 

Hiện nghề đan lú rất thịnh hành. Cũng theo bà Đém, mỗi thành phẩm lú được trả công 53.000 đồng. Mỗi ngày, từ 7 giờ đến 19 giờ, bà và vợ chồng con trai tranh thủ đan 12-15 cái lú. Mỗi người làm mỗi công đoạn: bắt hom, cắt lưới, cắt phao, làm viền… Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Tân An, nói: “Toàn khu vực trên 250 hộ dân làm nghề đan lú, mỗi hộ thu hút 2-3 lao động, thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng/người, tùy tay nghề, công đoạn. Nghề làm quanh năm, không “kén” người, phù hợp điều kiện sức khỏe, độ tuổi, giúp hội viên có việc làm, tăng thu nhập”. Ngoài Tân An, hội viên phụ nữ 3 khu vực khác trong phường cũng chọn nghề đan lú để mưu sinh. Mỗi ngày, chị Võ Thị Huệ ở khu vực Tân Phước 1 đan từ 5 cái lú, bình quân thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. 

Theo Hội LHPN phường Thuận Hưng, toàn phường có khoảng 850 hộ có việc làm, cuộc sống ổn định với nghề đan lú. Với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng, tùy tay nghề, không tốn kém các chi phí đi lại, thuê trọ, giúp người dân tích lũy tiền cất, sửa nhà; mua sắm vật dụng, tiện nghi sinh hoạt; chăm lo con cháu học hành... Chị Huỳnh Thị Pha, Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Hưng, nói: “Bên cạnh tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi giúp tăng gia sản xuất, mua bán nhỏ, Hội động viên, khích lệ chị em phát huy tay nghề đan lú truyền thống để tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Nghề giúp người dân sử dụng hiệu quả thời gian nông nhàn, giảm thiểu tệ nạn xã hội, ổn định an ninh trật tự. Sắp tới, Hội LHPN phường sẽ thành lập mô hình tổ hợp tác đan lú để tập hợp hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt, giao lưu, phát triển nghề nghiệp”.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết