20/06/2008 - 22:41

Kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2008)

Noi gương làm báo của Bác Hồ...

Là người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại hơn 1.500 tác phẩm báo chí có giá trị, ý nghĩa thiết thực. Quan điểm, tác phong hoạt động báo chí, cùng những lời dạy của Người là những chuẩn mực giá trị sâu sắc để các thế hệ nhà báo Việt Nam học tập và noi theo.

Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi đã gặp gỡ một số nhà báo đang công tác tại Báo Cần Thơ, Đài Phát Thanh truyền hình TP Cần Thơ và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ… Đó là những nhà báo tâm huyết với nghề, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo…

 

Niềm đam mê và ý chí tự lực phấn đấu đã giúp nhà báo Sơn Thê, Phó trưởng Phòng Khmer, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ, vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với nghề báo suốt 28 năm qua.

Ban đầu, anh được tuyển vào làm phát thanh viên chương trình tiếng dân tộc Khmer. “Điều kiện làm việc khi ấy còn rất khó khăn, trong các chương trình phát thanh viên phải đọc trực tiếp, thuyết minh phim cũng phải trực tiếp, chỉ cần một tí sơ suất, phân tâm của phát thanh viên sẽ dẫn đến vấp váp, sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng của cả chương trình... Hàng ngày, tôi phải vào cơ quan từ lúc sáng sớm để viết tay tất cả các nội dung chương trình đọc buổi tối. Tính ra, có ngày tôi viết khoảng 2 cuốn tập học trò. Đã vậy, đời sống cán bộ, nhân viên của Đài khi ấy cũng rất khó khăn. Lãnh lương 40 đồng, tôi phải đóng hết 25 đồng tiền cơm. Có lần má tôi lên thăm, thấy tôi quá vất vả, bà khóc, kêu tôi về nhà “làm ruộng với má còn sướng hơn”. Đã vậy, ngoài việc viết, đọc rành 2 thứ tiếng Việt và Khmer, tôi chẳng biết chút xíu gì về nghề báo” - anh Sơn Thê kể lại. Trong những ngày được đầu tiên vào nghề, chưa được lên hình, anh đã đọc nhiều bài báo của Bác, và rất thấm thía những lời dặn dò của Người đối với những người làm báo. Anh Sơn Thê bộc bạch: “Đọc các bài viết của Bác, tôi thấy Bác dùng từ không khoa trương nhưng uyên bác, thâm thúy nhưng dễ hiểu, dễ nhớ. Những lời dạy của Bác cũng giúp tôi ý thức hơn về trách nhiệm của mình, từ đó quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”. Để học nghề, ngày nào anh cũng mở ra – đi – ô để nghe chương trình phát thanh Campuchia, từ đó bổ sung vốn từ vựng và tự điều chỉnh giọng đọc, cách phát âm phù hợp, chuẩn xác, đồng thời nhờ các anh chị có kinh nghiệm hướng dẫn thêm. Anh nhớ lại: “Có lần, tôi về Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) thăm nhà, một người hàng xóm qua chơi, trách: “Hôm trước, nghe Sơn Thê đọc về mô hình sản xuất mới, nhưng có nhiều từ lạ quá, không hiểu. Cái đoạn hướng dẫn cách thực hiện đọc quá nhanh, nghe không kịp”. Với mỗi lời góp ý, anh đều nghiên cứu thật kỹ để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nâng cao tay nghề. Sự cầu thị, nghiêm túc trong nghề nghiệp của Sơn Thê đã giúp anh ngày càng tiến bộ. 24 năm làm phát thanh viên, hàng ngàn bài viết, chương trình đã được anh chuyển tải đến đồng bào dân tộc Khmer bằng giọng đọc truyền cảm, chuẩn xác, dễ nghe. Năm 2004, anh Sơn Thê được đề bạt làm Phó trưởng Phòng Khmer. Anh Sơn Thê nói niềm vui lớn của anh và các đồng nghiệp là sau chương trình phát sóng, có bà con gởi thư, điện thoại về Đài cám ơn vì “qua giới thiệu, hướng dẫn của Đài, gia đình tôi đã áp dụng thành công mô hình sản xuất mới, giúp ổn định cuộc sống”; hay yêu cầu phát lại một chương trình văn nghệ mà bà con rất yêu thích. “Để phục vụ tốt cho bà con, chúng tôi còn phải nỗ lực hơn rất nhiều” – anh Sơn Thê khẳng định.


Tốt nghiệp Đại học Ngữ văn năm 1999, ban đầu, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Quyên dự tính sẽ trở thành một cô giáo dạy văn, nghề phù hợp với bản tính rụt rè, ít nói của chị. Dự tính ấy thay đổi khi ba chị đem về nhà mẩu tin tuyển phóng viên trên Báo Cần Thơ, ông khuyên con gái thử sức. Thấm thoát, Ngọc Quyên đã có hơn 8 năm công tác tại Báo Cần Thơ.

Chưa được đào tạo căn bản về báo chí, nên những vấn đề cơ bản của tác nghiệp báo chí như tìm đề tài, cách viết các thể loại, cách tiếp cận với các cơ quan chức năng, với nhân vật... đối với chị Quyên đều mới mẻ. Để nâng cao kiến thức, chị thường xuyên tham khảo các tài liệu, sách, báo, nhờ các anh chị đi trước hướng dẫn để học hỏi, qua đó rút kinh nghiệm. Chị cũng thường xuyên đi cơ sở để bổ sung cho mình kiến thức thực tế... Chị đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn đời thường để có thể gắn bó với nghề. Đó là khi chị vừa sinh con nhỏ, chồng công tác ở xa, một mình chị vừa đi làm, vừa chăm sóc con. Chị Quyên tâm sự: “Vào công tác một thời gian, tôi mới thấy hết những khó khăn của người làm báo, nhất là đối với nhà báo nữ. Đó là làm sao để vừa đảm bảo công việc ở cơ quan, vừa chu toàn trách nhiệm với gia đình khi mà chuyện đi sớm về khuya, hay những đêm thức trắng để hoàn thành một bài báo... đối với nhà báo là chuyện bình thường”.

Với sự kiên trì, không ngừng phấn đấu, Ngọc Quyên đã từng bước trưởng thành hơn trong nghề, có nhiều tác phẩm đạt giải, như: tác phẩm “Chuyện về những khu dân cư tiên tiến” (giải khuyến khích cuộc thi cấp Trung ương); tác phẩm “Những người biết khơi dậy tiềm năng” (viết chung cùng đồng nghiệp, giải ba cuộc thi Báo chí tỉnh Cần Thơ năm 2003). Hiện tại, chị là phóng viên Ban Chính trị, là cây bút “chủ công” của chuyên mục “Quy chế dân chủ” trên Báo Cần Thơ. Đọc các tác phẩm của chị, có thể nhận thấy lối hành văn không hoa mỹ, nhưng gần gũi, dễ hiểu, đi vào các vấn đề sát với thực tế cuộc sống. Chị đặc biệt chú trọng việc biểu dương những điển hình tiên tiến, những cá nhân, tổ chức, chính quyền chăm lo tốt cho nhân dân, đồng thời cũng mạnh dạn phê phán những cá nhân, đơn vị chưa thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của dân. Chị bộc bạch: “Tôi rất tâm đắc với những điều Bác đã dạy những người làm báo cách mạng: “Muốn viết bài báo khá thì cần: Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”, đồng thời phải đảm bảo sự khách quan, trung thực trong mỗi bài viết để tạo nên những bài báo có tác dụng tốt, có sức thuyết phục. Lời dạy của Bác là phương châm làm báo của tôi, nhắc nhở tôi phải luôn bám sát cơ sở và không ngừng phấn đấu, rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, giữ gìn cái “tâm” và đạo đức của người làm báo”.


Trước khi viết, phải xác định rõ: Viết cho ai? Viết như thế nào? Viết để làm gì? - Lời dặn dò của Bác là bài học mà nhà báo trẻ Võ Kim Thu, Biên tập viên Ban Chuyên đề, Đài Phát thanh Truyền hình TP. Cần Thơ, tâm đắc khi bước vào nghề cầm bút. Thu nói: “Khi trả lời được những câu hỏi này, tôi sẽ tìm ra được phương pháp thể hiện bài viết, ý tưởng bài báo sẽ dứt khoát, mục đích rõ ràng”.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ lúc còn ngồi trên ghế trường Đại học, Kim Thu đã phải làm thêm nhiều việc để kiếm tiền trang trải việc học. Chính những bài viết cộng tác trong những ngày còn đi học đã thắp lên trong lòng Thu ước mơ trở thành nhà báo. “Thế nhưng, khi bước chân vào nghề, tôi mới thấy làm báo không đơn giản như đã nghĩ. Bên cạnh đó, tôi còn phải phụ giúp gia đình lo cho các em ăn học, trong khi thu nhập khi mới đi làm mỗi tháng chỉ vài trăm ngàn đồng, nên đôi lúc tôi cảm thấy áp lực rất lớn” – Kim Thu bộc bạch. Những khó khăn ấy không làm thui chột niềm đam mê nơi cô nhà báo trẻ. Thu thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của các anh chị đồng nghiệp đi trước, nghiên cứu kỹ những câu chữ, ý tứ trong bản thảo và bản đã được biên tập, duyệt phát để rút kinh nghiệm khắc phục... Đến nay, Kim Thu đã có thời gian gần 5 năm gắn bó với nghề, được lãnh đạo đơn vị đánh giá là một trong những biên tập viên trẻ tiến bộ nhanh. Hiện tại, Thu là biên tập viên lĩnh vực Thương mại- dịch vụ, một lĩnh vực khá “nhạy cảm”, vì thế, Thu luôn ý thức để rèn luyện, giữ gìn đạo đức trong quá trình tác nghiệp. Thu tâm niệm: “Nhà báo viết về điều tốt để mọi người làm theo, phê phán cái xấu để mọi người xa lánh, nên bản thân nhà báo càng giữ gìn đạo đức trong sạch để được bạn đọc tôn trọng, không vì ham muốn vật chất mà đánh mất uy tín của mình”. Theo Kim Thu, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà cả nước ta đang thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với báo chí nói chung, nhất là đối với những nhà báo trẻ như cô, là cơ hội để những nhà báo soi rọi lại bản thân, nỗ lực rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Kim Thu bộc bạch: “Những lời dạy của Bác đối với nhà báo gần gũi và dễ hiểu, nhưng riêng với bản thân mình, tôi nhận thấy việc học và làm theo gương Bác là một hành trình dài, đòi hỏi chúng tôi phải kiên trì, không ngừng nỗ lực”. 28 tuổi, Kim Thu còn nhiều thời gian để rèn luyện và thể hiện mình.


Bác Hồ đã từng nói: Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành..v...v) phải có lập trường chính trị vững chắc. Để một tác phẩm báo chí đến được với người đọc, người xem, người nghe là công sức của cả một tập thể, trong đó, có rất nhiều người âm thầm làm những công việc “bếp núc” như biên tập, họa sĩ, kỹ thuật viên... bản thân những người ấy cũng phải phấn đấu, rèn luyện không ngừng.

Năm 1987, tốt nghiệp Trung cấp Mỹ Thuật, anh Nguyễn Kim Sang vào công tác tại Báo Cần Thơ, với nhiệm vụ chính là thiết kế ma -kết cho tờ báo. Anh Sang kể, bài học đầu tiên của anh khi vào làm họa sĩ thiết kế ma –kết cho báo là ngoài mục tiêu hướng đến cái đẹp, sự sáng tạo, điều quan trọng nhất trong việc thiết kế ma – kết là phải đáp ứng yêu cầu chính trị của tờ báo. Tin, bài quan trọng nhất phải đặt ở vị trí nào, tít, tựa ra sao, để vừa làm tờ báo cân đối, hài hòa, vừa thể hiện được tầm quan trọng của thông tin. Việc đặt bức ảnh trên trang báo cũng phải cân nhắc cẩn thận để đảm bảo ý nghĩa thông tin mà bức ảnh mang lại... Anh bộc bạch: “Để làm tốt nhiệm vụ, ngoài sự hướng dẫn của những người đi trước, tôi phải thường xuyên tìm hiểu, học tập từ các báo bạn, báo chí nước ngoài, đồng thời tự học tập, trang bị thêm kiến thức về lý luận chính trị”.

Giỏi nghề, nhiều đồng nghiệp còn khâm phục anh ở tính tận tụy, hết lòng vì công việc chung. Một đồng nghiệp của anh nhận xét: “Trong quy trình làm báo ở Báo Cần Thơ, công việc họa sĩ thường kết thúc sau cùng, lúc 11, 12 giờ khuya, nhưng bao giờ anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh Sang cùng làm tốt vai trò cán bộ, thường xuyên động viên, hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Với những nỗ lực phấn đấu của mình, tháng 5-2008, anh Nguyễn Kim Sang, họa sĩ, Tổ trưởng Tổ Thiết kế mỹ thuật – Báo Cần Thơ vinh dự là một trong 118 cá nhân tiêu biểu được Thành ủy Cần Thơ biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Anh Sang tâm sự: “Vinh dự này là động lực thúc đẩy tôi phấn đấu nhiều hơn để hoàn thành ngày càng tốt nhiệm vụ của mình”.

HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết