23/04/2020 - 09:33

Nỗ lực tạo “chỗ đứng” vững chắc cho hàng Việt 

Huyện Phong Điền đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu nông sản và các sản phẩm hàng hóa đặc trưng tại hội chợ và chương trình kết nối cung cầu được tổ chức tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành trong nước...

Bán rau củ tại chợ thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền.

►Quảng bá hàng Việt

Ông Lê Trung Hiếu, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền, cho biết: "Trong 5 năm qua, Phòng đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức được 24 đợt hội chợ và phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, quảng bá sản phẩm, thu hút hơn 95.278 lượt người tham quan mua sắm. Tổng doanh thu khoảng 22 tỉ đồng. Việc tổ chức quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao  thực hiện thường xuyên và khá tốt. Từ đó, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng được tiếp cận những sản phẩm hàng Việt chất lượng, giá cả phù hợp và đa dạng về mẫu mã nên người dân rất đồng tình, hưởng ứng".

Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ các nhà sản xuất kinh doanh làm ăn chân chính, huyện Phong Điền tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường. Thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực ngành công thương, kiểm tra chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kết quả, trong 5 năm qua đã kiểm tra và lập biên bản  nhắc nhở, xử lý 318 trường hợp vi phạm. Trong đó, xử lý vi phạm và nộp ngân sách nhà nước trên 3 tỉ đồng. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền, nhìn chung  lĩnh vực thương mại-dịch vụ, du lịch tại huyện phát triển ổn định, tăng trưởng bình quân đạt 116,21%/năm. Huyện có 6.967 cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng 1.153 cơ sở so với năm 2015, trong đó có 62 điểm du lịch sinh thái miệt vườn. Các chợ trên địa bàn được đầu tư nâng cấp theo chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh, với tổng kinh phí đã được đầu tư để nâng cấp chợ thời gian qua trên 3,5 tỉ đồng.

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" huyện Phong Điền, với các hoạt động tuyên truyền trực tiếp qua các hội nghị và cuộc họp dân, qua đài truyền thanh, bản tin, áp phích, tờ bướm… đã giúp nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Huyện chú ý phát huy vai trò, tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong gương mẫu thực hiện cuộc vận động, quyết tâm đưa các nội dung cuộc vận động đi vào cuộc sống, trở thành một thói quen tiêu dùng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Vận động mọi người dân phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thực hiện ưu tiên kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt. Đồng thời, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín sản phẩm, khai thác tốt thị trường nội địa, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

►Tin dùng hàng Việt

Hiện nay, người tiêu dùng (với tỷ lệ khoảng 95-98%) khi mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu hằng ngày như: lương thực, thực phẩm, rau củ quả, cá thịt, quần áo, đồ gia dụng, vật tư nông nghiệp... đều chọn hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng quan tâm ưu tiên kinh doanh hàng Việt, nhất là sản phẩm đặc hữu tại địa phương và tăng cường kết nối với các nhà sản xuất có uy tín để có hàng hóa chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng huyện Phong Điền,  hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại các chợ và trên địa bàn huyện nói chung chiếm trên 95%. Nhìn chung, hàng hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng trong nước ngày càng quan tâm việc xây dựng thương hiệu, cải tiến kỹ thuật sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để cải tiến mẫu mã, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Người dân chọn mua hàng tại một kỳ hội chợ thương mại được tổ chức tại huyện Phong Điền.

Bà Trần Thị Quyến, tiểu thương bán trái cây tại chợ thị trấn Phong Điền, cho biết: "Tôi chủ yếu bán các loại trái cây của nhà vườn trong nước, chứ ít bán trái cây nhập ngoại, đặc biệt trái cây Trung Quốc hầu như không dám lấy hàng về bán vì không có người mua.  Phong Điền có rất nhiều loại trái cây ngon nên tôi ưu tiên kinh doanh các loại trái cây của địa phương, góp phần tạo thuận lợi cho bà con tiêu thụ sản phẩm". Bà Nguyễn Thị Ửng, tiểu thương bán rau củ quả tại chợ Giai Xuân,  cũng cho biết: "Hơn 95% lượng hàng hóa do tôi bán là hàng Việt Nam. Bây giờ, người tiêu dùng thích mua các loại rau củ, trái nội địa vì tươi ngon, giá lại rẻ và không sợ có chứa chất nhằm bảo quản sản phẩm lâu như hàng nhập ngoại". Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, ngụ ấp Trường Trung B, xã Tân Thới, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt rất quan tâm tư vấn, chăm sóc khách hàng và ngành chức năng huyện cũng thường xuyên tổ chức các hội chợ, đợt đưa hàng Việt về nông thôn. Nhờ vậy, gia đình tôi và nhiều người dân tại địa phương nhận biết sản phẩm có chất lượng, giá cả lại phù hợp "túi tiền" nên đã ưu tiên chọn mua hàng Việt.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" huyện Phong Điền,  tới đây Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện và các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, hình thành thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt, trở thành nét văn hóa trong sản xuất, tiêu dùng của người Việt Nam. Phối hợp cùng với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, các siêu thị trong thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu… để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và kích thích tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết