05/01/2012 - 10:02

Nỗ lực khắc phục thiệt hại sau lũ

Mùa lũ năm 2011 đã qua nhưng thiệt hại để lại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ. Song, với sự chủ động của người dân, sự hỗ trợ tích cực của thành phố và Trung ương, đến nay hầu hết các địa phương đã cơ bản khắc phục khó khăn dần ổn định sản xuất …

Nỗ lực khắc phục thiệt hại

Các địa phương ở TP Cần Thơ đang tích cực khắc phục thiệt hại sau lũ, gia cố các điểm sạt lở để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: MINH HUYỀN 

Với phương châm “bốn tại chỗ” huy động mọi nguồn lực xã hội để chủ động phòng chống lũ và khắc phục các thiệt hại sau lũ, hiện các quận, huyện ở TP Cần Thơ đã từng bước khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Đặc biệt, trong khoảng 3-4 tháng qua, Trung ương cũng đã liên tục hỗ trợ về kinh phí cho TP Cần Thơ và các tỉnh, thành ĐBSCL đối phó với lũ và khắc phục các thiệt hại sau lũ. TP Cần Thơ được Trung ương hỗ trợ 15 tỉ đồng để đối phó với mưa lũ, củng cố đê bao, bờ bao, bảo vệ sản xuất trong các đợt triều cường tháng 9 và tháng 10-2011. Tháng 12-2011, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh, thành ĐBSCL 340 tỉ đồng để khắc phục hậu quả lũ lụt và bơm rút nước đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2011-2012, trong đó TP Cần Thơ được hỗ trợ 30 tỉ đồng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã quyết định hỗ trợ 120 tỉ đồng cho các tỉnh, thành ĐBSCL mua lúa giống hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông xuân 2011-2012, riêng TP Cần Thơ được hỗ trợ 10 tỉ đồng. Trước mùa lũ, nhân dân tại các địa phương đã chủ động tham gia phòng chống lũ, tích cực gia cố đê bao bảo vệ sản xuất nên giảm thấp nhất các thiệt hại.

Sau lũ, các địa phương rà soát lại các công trình thủy lợi, đường giao thông bị hư hại, có biện pháp khắc phục và nhanh chóng bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Lũ và triều cường làm tiến độ gieo sạ vụ đông xuân 2011-2012 bị ảnh hưởng nhưng nhờ người dân tích cực gia cố đê bao bơm tát nước, các diện tích gieo sạ bị chậm tiến độ so với năm ngoái chỉ chiếm khoảng 5-10%. Đến nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã cơ bản xuống giống vụ lúa đông xuân 2011, với tổng diện tích khoảng 88.000 ha”. Theo bà Vương Thị Lập, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ), thời gian qua Chi cục và ngành nông nghiệp thành phố đã khuyến cáo các địa phương chủ động huy động các nguồn lực tại chỗ để khắc phục thiệt hại của lũ, gia cố hệ thống thủy lợi và chủ động bơm tát nước sản xuất vụ đông xuân theo đúng lịch thời vụ. Mặt khác, cũng đã kịp thời tham mưu cho UBND thành phố phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương cho các quận, huyện tiến hành khắc phục thiệt hại sau lũ, ổn định sản xuất. Ngành nông nghiệp thành phố cũng đã kiến nghị về Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hỗ trợ cho thành phố thêm 194 tỉ đồng để tiếp tục gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao, bờ bao đảm bảo ứng phó tốt với lũ lớn.

Tập trung ổn định sản xuất

Hiện nay, triều trường vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng không đáng ngại do các địa phương đã chủ động các biện pháp đối phó. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Vĩnh Thạnh được Trung ương và thành phố hỗ trợ trên 6,7 tỉ đồng để đối phó, khắc phục thiệt hại của lũ. Nguồn kinh phí này được đầu tư thực hiện 10 công trình thủy lợi (trong đó chủ yếu khắc phục, xây dựng hệ thống đê bao) đảm bảo vụ sản xuất đông xuân 2011-2012 và các vụ tiếp theo. Song song đó, huyện cũng tích cực huy động sức người và sức của tại địa phương khắc phục dần các thiệt hại về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đến nay, huyện đã cơ bản xuống giống xong hơn 25.330 ha lúa đông xuân 2011-2012. Đối phó với tình hình triều cường còn diễn biến phức tạp, huyện khuyến cáo bà con tiếp tục thực hiện bơm tát nước và rà soát, gia cố các đê bao”. Theo ông Trường, khó khăn hiện nay của huyện là nhu cầu khắc phục thiệt hại sau lũ và kiên cố hóa đê bao để phục vụ sản xuất về lâu dài rất bức thiết, song nguồn vốn hỗ trợ có hạn. Huyện chỉ có thể tập trung gia cố đê bao xung yếu, còn lại tăng cường vận động nhân dân khắc phục tạm thời. Về lâu dài, địa phương rất cần nguồn vốn để kiên cố hóa hệ thống đê bao, đề phòng tình trạng mực nước lũ các năm sau sẽ còn cao hơn năm 2011.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, năm 2011 nước lũ đã làm cho 2.007 ha lúa thu đông 2011 tại thành phố bị ngập, trong đó có 109,5 ha bị thiệt hại 100%; có 692,50 ha rau màu bị ngập, trong đó có 92,23ha bị thiệt hại 100%; 10.525 cây ăn quả bị ngập, trong đó có 0,1 ha bị thiệt hại 100%. Lũ cũng đã gây hư hại khoảng 1.371 km đê bao, hơn  3,5 triệu m3 đất bị lở. Ngoài ra, triều cường diễn biến phức tạp trong thời gian qua cũng đã tiếp tục ảnh hưởng đến các công trình công cộng, gây thiệt hại tài sản và tác động xấu đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Hiện trên địa bàn TP Cần Thơ có 38 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, phân bố toàn bộ các quận, huyện.

Tại quận Bình Thủy, qua các đợt triều cường, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn đều bị ngập. Chỉ có hệ thống đê bao cồn Khương và cồn Sơn được giữ vững. Để chủ động trong công tác phòng chống lụt bão và phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2011-2012, quận đã tiến hành gia cố 74m đập, thay mới 3 cống tại khu vực cồn Khương (thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa) để bảo vệ vườn cây ăn trái, lúa và hoa màu của người dân. Quận Bình Thủy cũng tăng cường vận động nông dân chủ động kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao của 1.300ha lúa đông xuân, đảm bảo sản xuất thắng lợi vụ lúa chính trong năm. Đối với các tuyến đường giao thông trên địa bàn bị ảnh hưởng do lũ và triều cường, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thủy đã tiến hành khắc phục kịp thời với tổng kinh phí 2,5 tỉ đồng. Trong đó, có 3 tuyến đường nội ô gồm đường Nguyễn Thông (phường An Thới), đường Huỳnh Phan Hộ và đường Công Binh (phường Trà An) bị xuống cấp do ảnh hưởng bởi triều cường đã được tiến hành giặm vá với chiều dài 4,5 km, kinh phí 350 triệu đồng. Các tuyến đường giao thông nông thôn tại các phường Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông... có 51 điểm sạt lở với tổng chiều dài 695m, đang được quận gia cố với tổng kinh phí khoảng 1,6 tỉ đồng. Ngoài ra, quận Bình Thủy còn thực hiện duy tu, sửa chữa nhiều tuyến đường cùng nạo vét hệ thống thoát nước trên địa bàn bị bùn bồi lắng sau các đợt triều cường. Bao gồm các hẻm thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, kênh Rạch Miễu, kênh Đình Bình Thủy và một số mương thoát nước ở các phường An Thới, Trà An, Trà Nóc...

Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thủy, công tác giặm vá, nạo vét các tuyến đường, kênh mương thoát nước của quận đã cơ bản hoàn thành. Hiện nay, quận đang khẩn trương gia cố các tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong sản xuất kinh doanh và đi lại, đồng thời ngăn chặn tình trạng sạt lở.

VĂN CÔNG - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết