15/12/2015 - 20:58

Cờ Đỏ

Nỗ lực đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân

Cờ Đỏ là một trong những huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp đứng hàng đầu tại TP Cần Thơ, trong đó lúa là cây trồng chủ lực. Bước vào vụ sản xuất đông xuân 2015-2016, nông dân trên địa bàn huyện đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do lũ về thấp và thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Song, với sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của chính quyền các cấp tại địa phương cùng sự chủ động vượt khó của người dân, sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển tốt…

Lúa đông xuân phát triển tốt

Bước vào vụ sản xuất đông xuân năm nay với tình hình nước lũ về thấp, ông Võ Tùng Phú, Tổ trưởng Tổ hợp tác cánh đồng lớn ở ấp Phước Trung, xã Thạnh Phú, cùng nhiều bà con nông dân ở đây không chỉ lo đồng ruộng không được bồi lắng lượng phù sa màu mỡ mà còn sợ lúa ngộ độc hữu cơ và dễ bị sâu bệnh do đồng ruộng không được ngâm sâu trong nước lũ để phân hủy rơm rạ, tiêu diệt mầm sâu bệnh. Tuy nhiên, với việc làm vệ sinh đồng ruộng thật kỹ và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành chức năng về việc xuống giống tập trung né rầy, áp dụng "1 phải, 5 giảm"… ruộng lúa gieo sạ được hơn 26 ngày tuổi của anh Phú và bà con trong ấp đang phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Ông Phú cho biết: "Dù năm nay dự đoán nắng nóng và khô hạn hơn mọi năm, nhưng không lo thiếu nước tưới cho ruộng lúa vì thời gian qua hệ thống thủy lợi nơi đây đã được đầu tư cải tạo. Vụ này, 1,5 ha lúa sạ giống Jasmine 85 của tôi cùng gần 40 ha lúa của 38 hộ dân trong ấp tiếp tục tham gia vào mô hình cánh đồng mẫu và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra".

Nông dân xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ đang chăm sóc lúa đông xuân 2015 – 2016.

Theo ông Đào Ngọc Đời, ngụ xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, gần 2 héc-ta lúa gieo sạ giống Jasmine 85 của gia đình ông trong vụ này đã được hơn 15 ngày tuổi, lúa phát triển rất tốt. Ông Đời cho biết thêm: " Lúa gieo sạ vụ này ít bị chết nên cũng không phải tốn nhiều công sức và chi phí để cấy giặm lại ruộng lúa. Dù vậy, tôi không chủ quan, luôn theo sát ruộng lúa để chủ động chăm sóc, phòng trị bệnh, nhất là khi thấy tình hình sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn xuất hiện rải rác tại một số ruộng lúa của một số hộ dân".

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, vụ đông xuân 2015-2016, huyện phấn đấu xuống giống lúa đạt diện tích hơn 24.663 ha (trong đó diện tích sạ hàng đạt 6.483ha), năng suất đạt bình quân khoảng 7,5tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 184.974 tấn. Tính đến ngày 7-12-2015, diện tích xuống giống lúa đông xuân trên địa bàn huyện là hơn 23.633 ha, đạt hơn 95,82% kế hoạch. Nhìn chung, hầu hết các trà lúa trên địa bàn huyện đều đang phát triển tốt, kể cả lúa từ giai đoạn mạ đến cả lúa đã trong giai đoạn đẻ nhánh. Các loại sâu bệnh và dịch hại lúa ít xuất hiện. Hiện tại một số trà lúa có xuất hiện sâu cuốn lá, rầy nâu và bệnh đạo ôn lá, bù lạch… nhưng với mật độ thấp, dưới ngưỡng gây hại. Với việc quan tâm hỗ trợ, khuyến khích của các cấp, các ban ngành chức năng và địa phương, vụ lúa tiếp tục có hơn 11.375 ha lúa của nông dân tại huyện tham gia mô hình cánh đồng lớn (mỗi cánh đồng lớn có diện tích từ 200ha trở lên) và 355ha tham gia mô hình cánh đồng mẫu (cánh đồng có diện tích dưới 200ha). Phần lớn các diện tích lúa của bà con tham gia mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng mẫu đều có doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Ngoài cây lúa, đến thời điểm này nông dân huyện Cờ Đỏ cũng xuống giống rau màu đông xuân 2015-2016 đạt diện tích hơn 734ha, với nhiều chủng loại rau quả như: bầu, bí, cà, đậu các loại, dưa hấu, dưa leo, ớt… Huyện cũng tăng cường vận động nhân dân phát triển sản xuất các loại màu, hoa kiểng và chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Tổng đàn gia súc, gia cầm tại huyện hiện đạt hơn 389.100 con và diện tích xuống giống thủy sản hơn 247ha. Chị Trần Thị Nga, ngụ ấp Tân Lợi, xã Đông Hiệp, cho biết: "Ngoài 15 công lúa, vụ đông xuân này gia đình tôi còn xuống giống 1 công đậu xanh để thu hoạch bán Tết. Trồng cây đậu xanh có lợi là nhẹ phân thuốc, nước tưới và công chăm sóc hơn nhiều so với làm lúa. Hiện cả lúa và đậu xanh đều đang phát triển khá tốt, hy vọng có vụ mùa bội thu".

Tiếp tục quan tâm theo dõi sát tình hình sản xuất

Nhằm đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân 2015-2016, ngay từ rất sớm Huyện ủy, UBND huyện Cờ Đỏ đã kịp thời có chỉ đạo cho các ban ngành chức năng và địa phương trên địa bàn huyện phải quan tâm xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Kịp thời hỗ trợ nông dân trong việc ứng phó với tình hình lũ thấp và những diễn biến bất thường có thời tiết, nhất là việc quan tâm làm tốt công tác thủy lợi để chủ động ứng phó với khả năng xảy ra khô hạn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

Vụ đông xuân 2015-2016, nông dân xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ tiếp tục duy trì được diện tích sản xuất lúa trên 1.440ha, trong đó có 427ha tham gia các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng mẫu. Phần lớn bà con trong xã gieo sạ giống lúa thơm Jasmine 85. Hiện lúa được 20-25 ngày tuổi trở lên và đang phát triển tốt. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Thực hiện các chỉ đạo của thành phố và huyện, thời gian các cấp chính quyền tại xã tích cực vào cuộc để hỗ trợ nông dân sản xuất, kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ vốn và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Chuẩn bị bước vào vụ đông xuân này, xã có thuận lợi là được huyện hỗ trợ thực hiện 4 công trình thủy lợi tạo nguồn với kinh phí đầu tư hơn 1 tỉ đồng và xã cũng tích cực vận động nhân dân làm thủy lợi nội đồng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nên tới đây dù có nắng hạn cũng không lo thiếu nước. Tuy nhiên, chúng tôi không chủ quan mà tiếp tục quan tâm cử cán bộ chuyên môn phối hợp cùng huyện theo dõi sát tình hình nhằm đảm bảo tốt việc sản xuất. Hiện xã cũng đã xây dựng tổ kỹ thuật gồm các kỹ sư nông nghiệp phụ trách theo dõi sát các lĩnh vực thủy lợi, khuyến nông, thú y và bảo vệ thực vật". Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cũng cho biết: "Hầu hết diện tích lúa trên địa bàn xã đều đã gieo sạ được 15-20 ngày tuổi trở lên và đang phát triển tốt. Bên cạnh đó, các loại rau màu, hoa kiểng cũng được bà con tại xã xuống giống sản xuất để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán 2016".

Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cùng với việc quan tâm theo dõi sát tình hình sản xuất để có biện pháp chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra, phòng cũng tiếp tục phối hợp chặt các địa phương, đơn vị có liên quan để hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, quan tâm củng cố, nâng chất các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng mẫu nhằm đảm bảo thực hiện đúng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngoài lúa, cũng chú ý vận động nhân dân phát triển các mô hình sản xuất những loại cây trồng vật nuôi khác có hiệu quả, nhất là các loại rau màu, hoa kiểng… phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 47 công trình thủy lợi tạo nguồn được triển khai thi công, tổng chiều dài hơn 94,8km, với vốn đầu tư hơn 23 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nhân dân đóng góp trên 540 triệu đồng để thực hiện hoàn thành 14 công trình thủy lợi nội đồng, với chiều dài hơn 14,1 km, phục vụ cho 775 ha đất canh tác.

Chia sẻ bài viết