05/11/2014 - 21:26

Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng ĐBSCL:

Nhu cầu bức thiết

Trong khuôn khổ MDEC – Sóc Trăng 2014, sáng 5-11, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Sóc Trăng cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”. Các nhà quản lý, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp thiết thực góp phần tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp bền vững của vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước…

ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Đây là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển, địa bàn nông thôn rộng lớn và cũng là khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hằng năm, toàn vùng cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, đóng góp hơn 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, còn nhiều rủi ro, bị đe dọa bởi nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng; việc thực hiện liên kết vùng chưa được quan tâm đúng mức; chưa có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư vào vùng đồng bằng còn nhiều tiềm năng này...

Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Yêu cầu phát triển kinh tế, xu thế hội nhập, yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra cho vùng ĐBSCL nhiều thách thức. Những tác động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài và quan trọng hơn là các vấn đề nội tại của vùng đang đặt ra yêu cầu rà soát lại quy hoạch ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; cần phải có các cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp. Việc phát triển ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cũng cần được nhìn nhận, đánh giá và thống nhất để hành động…

ĐBSCL cần tái cơ cấu nông nghiệp  để phát triển bền vững. Trong ảnh: Sản xuất lúa hàng hóa tại TP Cần Thơ. 

Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL có trên 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 27,2% diện đất nông nghiệp của cả nước. Đây là vùng cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, thủy sản của quốc gia. Cùng với sự phát triển các thế mạnh của sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân nông thôn vùng ĐBSCL cũng đã được cải thiện hơn, thu nhập bình quân đã tăng 10%/năm... Vì vậy, chất lượng của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang là vấn đề cần được quan tâm để tiếp tục phát triển đảm bảo hiệu quả và bền vững. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành nông nghiệp. Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án, kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, ban hành Chương trình hành động và hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện… Ở các địa phương, chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đã được sự đồng tình, ủng hộ và thống nhất cao từ các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân. Đến nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có các tỉnh ĐBSCL cũng đã và đang triển khai thực hiện…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng: Để cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các đề án tái cơ cấu trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản. Mặt khác, các giải pháp thực hiện Đề án cũng được Bộ NN&PTNT cụ thể hóa trong 6 kế hoạch chuyên đề là: rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; đổi mới công tác khoa học công nghệ; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ cấu, cơ chế và nâng cao hiệu quả đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân và kiện toàn hệ thống, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành…

Tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương sản xuất nông nghiệp đứng đầu ĐBSCL với hơn 500.000 ha sản xuất lúa và sản lượng hơn 3,2 triệu tấn/năm, sản lượng cá tra cũng đạt gần 400.000 tấn/năm (bằng 30% sản lượng cá tra của cả nước). Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này, cho biết: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đề án nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đang tập trung quy hoạch, phát triển 5 ngành chủ lực gồm: ngành hàng lúa gạo, ngành hàng cá tra, ngành hàng vịt, ngành hàng xoài và ngành hàng hoa cây kiểng… Địa phương kiến nghị Trung ương có một số cơ chế, chính sách thí điểm thực hiện đề án này như: chính sách mở rộng sản xuất nông nghiệp theo cánh đồng lớn, chính sách thu hút đầu tư tư nhân, chính sách tạm trữ lúa gạo...

Theo ông Đàm Quang Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Bộ Xây Dựng, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới thì công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc xây dựng nông thôn mới. Nó giúp hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn xã một cách toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu về xây dựng tam nông: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nội dung của công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới liên quan chủ yếu đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất. Trong giai đoạn trước mắt công tác quy hoạch là cơ sở cho việc lập các Đề án xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Chính phủ ban hành… Đến nay, tỷ lệ số xã trên toàn quốc được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được nâng lên 96,36%, trong đó vùng ĐBSCL đã được phủ kín quy hoạch đối với các xã trong vùng. Nhìn chung, chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới còn chưa tốt, nhưng đã đáp ứng được yêu cầu là cơ sở cho việc xây dựng các Đề án xây dựng nông thôn mới xã trong giai đoạn trước mắt; Phục vụ tốt cho công tác xây dựng nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Bộ luôn xác định mục tiêu chính của tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Ngày nay, nông nghiệp nước ta đã đạt được những mục tiêu để đảm bảo cung cấp đủ và dồi dào lương thực, thực phẩm cho nhân dân, do vậy nông nghiệp có thể chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa với khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Chủ thể của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chính là nông dân, nhưng các doanh nghiệp và các tổ chức khác cũng có vai trò rất quan trọng, các tổ chức Đảng và Nhà nước lãnh đạo, hỗ trợ tích cực. Mặt khác, để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp địa phương có trách nhiệm lớn, nhưng cũng cần có sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, tăng cường liên kết vùng… Tái cơ cấu nông nghiệp phải bắt đầu tiếp tục chú trọng và nỗ lực phát triển thị trường; chuyển giao và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; đối với vùng ĐBSCL cần tạo ra nhiều giống lúa có giá cao hơn, đảm bảo giống cây ăn quả, cá tra… Hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa, bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị gia tăng…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn khởi sắc

* Ký kết hợp đồng tín dụng Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp - đợt 3

Hội thảo “Vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL” diễn ra vào chiều ngày 5-11, trong khuôn khổ MDEC- Sóc Trăng 2014. Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam; ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành ĐBSCL, các nhà khoa học, các ngân hàng cùng tham gia.

Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích và làm rõ nhiều vấn đề, gồm: hoạt động của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn, những khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng; các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại khu vực ĐBSCL; các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển hoạt động tín dụng ngân hàng; giải pháp đẩy mạnh xây dựng phát triển nông thôn mới… Các đại biểu tham dự đều cho rằng, ĐBSCL có vai trò chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tiềm năng lớn về kinh tế biển. Tuy nhiên, kinh tế- xã hội vùng phát triển còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân, trong đó, thiếu vốn sản xuất là trở ngại lớn đối với sự phát triển của vùng. Thời gian qua, các ngân hàng triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù đối với những sản phẩm thế mạnh của vùng, nhưng các sản phẩm tín dụng với nguồn vốn cho vay còn hạn chế, hạn mức tín dụng thấp... Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, so với cùng kỳ năm 2013 tín dụng tăng trưởng tốt hơn, tính đến 31-9-2014, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt 332.576 tỉ đồng, tăng 7,64% so với cuối năm 2013, chiếm 8,98% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của cả nước. Chính sách tín dụng đã hướng dòng vốn tín dụng vào một số ngành lĩnh vực có thế mạnh nhằm tạo đột phá, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại tại vùng ĐBSCL có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…

* Tại hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp – đợt 3 cho 6 doanh nghiệp của 6 tỉnh, thành gồm: Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thanh Hóa. Trong đó, có 1 doanh nghiệp tại Sóc Trăng được vay 385 tỉ đồng đầu tư cánh đồng lớn, nâng tổng số doanh nghiệp tham gia từ đầu chương trình đến nay là 27 doanh nghiệp, thực hiện 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số vốn hơn 4.600 tỉ đồng. Đây là một trong những nội dung nằm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ (tháng 2-2014) về thí điểm cho vay các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp với 17 ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay thí điểm.

 AN KHÁNH 

Chia sẻ bài viết