31/07/2013 - 21:55

TÁI CƠ CẤU SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG NGHIỆP

Nhu cầu bức thiết!

“Mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh hàng nông sản đã đến mức báo động. Bởi, nó không dừng lại ở mua bán nhỏ lẻ trong nước mà đã xảy ra trong các hợp đồng, giao dịch với nước ngoài, cả trên các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia (lúa và cá tra). Tác hại của cung cách làm ăn này vô cùng lớn, gánh chịu nặng nề nhất là hàng triệu nông dân. Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn “chân chính” ở ĐBSCL không còn chịu đựng nổi, “cấp báo” tới Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh-Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam  bức xúc: “Không thể chấp nhận  có trường hợp trong 1 tấn cá tra phi lê xuất khẩu có tới 500kg là nước. Đối tác nước ngoài đã cảnh báo tới Hiệp hội cá tra Việt Nam”. Đau đầu với vấn đề này, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) bày tỏ: “Tình trạng chất tăng trọng, nước trong cá nguyên liệu, sản phẩm phi lê hiện nay rất đáng báo động. Các ngành chức năng kiểm tra ngay các lô hàng bất thường có giá 2,1-2,2 USD/kg thì sẽ rõ, trong khi các lô hàng sản phẩm phi lê khác có giá 3,1-3,2 thậm chí 3,6 USD/kg”. Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex, nhìn nhận: “Tăng trưởng nóng của ngành cá tra những năm qua đã  dẫn tới tình trạng dư thừa rất lớn. Sản lượng cá tra tăng 10 lần chỉ trong vòng 10 năm, từ 120.000 tấn năm 2012 đến gần 1,3 triệu tấn vào năm 2012. Hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ra đời. Cả ĐBSCL hiện có 70 nhà máy, nhưng có lúc có đến 400-500 đơn vị xuất khẩu, 300-400 nhà nhập khẩu tham gia vào thị trường này. Vì thế, làm sao không xảy ra tình trạng tranh mua-tranh bán, hạ giá. Việc chúng ta bị áp thuế chống phá giá cũng xuất phát từ nguyên nhân này.  Hàng loạt doanh nghiệp không có kinh nghiệm, không tâm huyết, làm ăn theo kiểu “mì ăn liền”…”. Hậu quả, ngành cá tra đang lâm vào cảnh khủng hoảng thừa, giá xuất khẩu hạ thấp nhất từ trước đến nay. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, phá sản. Thiệt thòi nhất vẫn là người nuôi cá, vì giá bán dưới giá thành từ 1.000-3.000 đồng/kg…

    Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: T.L

Với mặt hàng lúa gạo, nhiều năm qua cũng vẫn cách làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Dù ở vị trí nước xuất khẩu gạo nhất, nhì toàn cầu nhưng giá gạo của Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới. Áp lực tồn kho lớn, nhu cầu giải phóng hàng cao, khó ngăn tình trạng “xé rào” chào bán giá thấp. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhìn nhận: “Khó khăn vẫn ở gạo cấp thấp. Còn gạo thơm, chất lượng cao vẫn ổn nếu mình làm tốt. Do đó, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn là rất cần thiết. Các địa phương đề nghị nhiều lần là phải hình thành vùng nguyên liệu bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng đến nay vẫn chưa làm được”. Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Nhiều năm qua, chúng ta xuất khẩu gạo nhưng không có thương hiệu. Tình trạng trộn lẫn gạo phẩm cấp thấp vào gạo chất lượng cao với tỷ lệ rất lớn, phổ biến từ 30-40%. Vì thế, gạo Việt Nam giảm chất lượng, uy tín là không thể tránh khỏi. Nhất thiết Việt Nam phải xây dựng thương hiệu gạo, làm ăn một cách căn cơ, bài bản hơn”… Ông Nguyễn Minh Nhị, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang từng nói: Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất “chảnh”, chơi trò “ú tim” với nông dân, nhất là lúa phẩm cấp thấp (IR50404). Khi nào xuất được thì mua nhiều về trộn lẫn với gạo chất lượng cao, bán với giá cao. Còn khi không xuất được thì không mua, đổ thừa hết cho nông dân! Tình trạng này, tại một hội nghị về nông nghiệp ĐBSCL, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - Huỳnh Minh Đoàn nhận xét: “Cạnh tranh không lành mạnh thể hiện đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp chưa tốt, cần phải sớm chấm dứt!”.        

Những vấn đề trên đã được phản ánh trực tiếp đến Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh-Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cùng các bộ ngành trung ương tại cuộc làm việc mới đây ở Cần Thơ trong bối cảnh sản phẩm nông thủy sản bí đầu ra, tồn đọng nhiều, gây khó khăn cho hàng triệu nông hộ. Cung cách làm ăn như thế của doanh nghiệp đã gây hại cho nông dân! Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Lúa, thủy sản là 2 mặt hàng chủ lực của ĐBSCL, tác động lớn đến đất nước. Vì thế, phải theo nguyên tắc thị trường, quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, không để cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay được. Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn cho hoạt động của các loại hình doanh nghiệp vì lợi ích chung của cộng đồng, đất nước và người dân. Các hiệp hội phải thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và cả nông dân. Hiệp hội phải ra được bộ quy chế, quy định để các thành viên thực hiện… Về lâu dài, phải tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với cung cầu thị trường; quy hoạch phải theo vùng và liên kết vùng, liên kết giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân…

Thanh Huy

 

Chia sẻ bài viết