17/09/2013 - 22:29

CÀ MAU

Nhộn nhịp trên vùng đất lúa - tôm

Mưa xuất hiện đều đặn những ngày đầu tháng 9 vừa qua đã "tắm mát" cho những vuông tôm nhiễm mặn lâu ngày tại vùng chuyển dịch của Cà Mau. Trên những đồng tôm, nhà nông đang háo hức cải tạo đất, rửa phèn, rửa mặn chuẩn bị vụ lúa mới…

Dọc theo các tuyến đường quê của huyện Thới Bình như: Hồ Thị Kỷ, Tân Phú, Tân Lộc, Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Tân Bằng…phía trước sân hoặc quanh nhà đều xanh um màu mạ. Nhà nông tận dụng những khoảng đất trống để sạ khô. Với cách làm này, lúc đồng tôm hoàn thành khâu rửa mặn thì hạt lúa sạ khô trên sân cũng phát triển tới giai đoạn mạ, kịp cấy xuống ruộng đúng thời vụ.

Nông dân Phạm Văn Thắng (ấp 2, xã Thới Bình) khẩn trương cấy lúa trên vuông 2ha nhà mình.

Tại ấp Đường Đào của xã Hồ Thị Kỷ, không khí xuống đồng cũng khá khẩn trương. Đồng tôm ở đây đã xanh rì màu lúa, một số nơi bà con đang chuẩn bị cấy. Hơn 600ha đất sản xuất lúa-tôm của ấp đã hoàn thành khâu rửa mặn hồi cuối tháng 8 và đang tiến hành nhổ mạ cấy giặm. Đến nay, trên 50% diện tích đất tôm-lúa đã được cấy lúa. "Nếu trễ lắm thì đến 20 tháng 9, toàn bộ diện tích đất tôm-lúa của ấp sẽ lấp xong vụ lúa" – ông Hữu Thảo, Bí thư Chi bộ ấp Đường Đào cho biết.

Vùng chuyển dịch sản xuất của xã Hồ Thị Kỷ có khoảng 7.000ha. Nhận thức được vai trò của vụ lúa trên đất nuôi tôm tạo thêm nguồn thu lớn cho gia đình, 5 năm gần đây, hộ dân vùng này mạnh dạn canh tác thêm vụ lúa chứ ít hộ độc canh tôm như trước. Ông Hữu Thành Dự, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Kỷ, khẳng định: "Hồi trước chính quyền ấp đến từng nhà dân vận động trồng thêm vụ lúa nhưng hộ làm, hộ không. Bây giờ bà con tự nguyện làm vì thấy được hiệu quả kinh tế lâu dài. Nhờ lấp thêm vụ lúa trên đất tôm thành công liên tục nhiều năm liền nên đời sống nhân dân trong vùng, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc Khmer, có bước cải thiện đáng kể. Riêng vụ lúa trên đất tôm năm nay, trễ lắm đến cuối tháng 9 này, đồng tôm sẽ phủ xanh màu lúa".

Vụ canh tác 2013, huyện Thới Bình phấn đấu đạt kế hoạch gieo cấy 25.000ha lúa trên đất nuôi tôm. Trong đó, tập trung nhiều ở các xã Thới Bình, Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Hồ Thị Kỷ và Tân Phú. Nông dân Phạm Văn Thắng, có 2ha canh tác tôm lúa ở ấp 2 (xã Thới Bình, huyện Thới Bình) cho hay, gia đình rất quan tâm cấy lúa trên đất nuôi tôm. Chỉ tính riêng vụ lúa kết hợp nuôi tôm hằng năm, gia đình ông thu lãi hơn 50 triệu đồng (chưa tính nguồn lợi từ nuôi tôm). Ông Thắng chia sẻ: "Những thứ ô nhiễm từ con tôm sẽ được cây lúa hút sạch, trung hòa lại môi trường và bổ sung độ phì nhiêu cho đất, mầm bệnh trên tôm cũng giảm đáng kể, tôm nuôi lại có thêm thức ăn từ bã phân hủy của lúa, nuôi tôm ít rủi ro".

Ông Lê Bình Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Bình, cho biết: Đến tuần đầu tiên của tháng 9, nông dân trong huyện đã cải tạo đất, tranh thủ những cơn mưa lớn tháo nước, rửa mặn để sản xuất vụ lúa. Theo lịch thời vụ, bà con sẽ xuống giống lúa dứt điểm vào cuối tháng 9 này. Để kịp tiến độ đề ra và giúp bà con canh tác hiệu quả, ngoài tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, đơn vị đã khuyến cáo nhân dân tận dụng các bờ vuông, sân vườn hoặc chọn những khu đất tốt, ít nhiễm phèn, mặn để gieo mạ.

Vụ lúa-tôm 2013, Cà Mau tiếp tục giữ vững diện tích trên 40.000ha. Tuy nhiên, con số thực tế hộ lấp thêm vụ lúa trên đất tôm cao hơn. Báo cáo của Sở NN&PTNT Cà Mau, đến đầu tháng 9 vừa qua, toàn tỉnh có trên 51.400ha đất đã hoàn thành khâu cải tạo (phần lớn là đất lúa-tôm), tập trung nhiều ở Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời. Theo đó, có trên 1.960ha lúa đã được gieo sạ đến giai đoạn mạ, đảm bảo từ đủ tới dư để cấy cho toàn bộ diện tích tôm-lúa hiện có của tỉnh này. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Cà Mau, tiến độ sạ lúa năm nay nhanh hơn so với cùng kỳ. Được vậy là nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với tình hình tôm nuôi những tháng đầu năm thất bát nên nhân dân trong vùng ý thức lấp thêm vụ lúa để có thêm thu nhập.

Theo nhận định của ông Dương Quốc Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Cà Mau, thời tiết năm nay sẽ diễn biến phức tạp những tháng cuối năm, dự báo có những đợt nắng nóng cục bộ kéo dài. Do đó, nhà nông vùng tôm-lúa nên tranh thủ rửa phèn, mặn thường xuyên; trước khi cấy hoặc sạ phải phơi đầm, khử khuẩn, tạo sự thoáng khí, trừ phèn. "Gieo sạ thì mật độ vừa phải, còn sạ khô lấy mạ để cấy thì tuổi mạ tốt nhất là từ 25-28 ngày tuổi. Để luân canh lúa - tôm đạt được năng suất cao, bà con nên áp dụng đúng theo quy trình "3 giảm 3 tăng" hoặc canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học mà ngành nông nghiệp khuyến cáo nhằm cân bằng hệ sinh thái bền vững, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn" – ông Dương Quốc Mỹ khuyến cáo.

Bài, ảnh: Hữu Tùng

 

Chia sẻ bài viết