25/11/2012 - 16:45

Nhiều bất cập từ sản xuất rau, màu

Nông dân trồng màu hiện nay vẫn canh tác theo tập quán là chính, việc định hướng thị trường còn bỏ ngỏ.

Giá cả nông sản bấp bênh, trồng rau màu hiện như "chơi trò đi tìm ẩn số" mà thiệt thòi vẫn luôn rơi về phía người nông dân.

Vấn đề rau màu lên xuống giá thất thường từ lâu là vấn đề nan giải. Những ngày qua, hàng trăm hộ dân cồn Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) tiếp tục "khóc ròng" khi cây sắn trồng 4 - 5 tháng trời sau khi thu hoạch sạch sẽ thương lái mua chỉ với giá 500 - 800 đồng/kg. Trừ chi phí nhân công, phân thuốc…, người trồng đã lỗ huống hồ mong đến công chăm sóc nhiều tháng trời. Trong khi đó, vùng chuyên canh rau màu ở Chợ Mới luôn gặp cảnh giá cả lên xuống bất thường và trở thành gánh nặng của người nông dân. Bởi người bỏ đại, người tiếc của nhổ bán đồng nào hay đồng ấy, người nhanh chân làm lại liếp chuyển cây khác nhưng lỗ vẫn hoàn lỗ!

Hiện việc trồng rau màu tại An Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cũng như định hướng chung trong sản xuất nông nghiệp tại nước ta từ nhiều năm qua chỉ xây nhà từ nóc. Điều đầu tiên có thể nhận định là hầu hết các vùng trồng màu tại An Giang (chủ lực là ba huyện Chợ Mới, An Phú, Châu Phú), bà con chỉ trồng màu theo tập quán. Việc lựa chọn loại cây để trồng chưa theo định hướng thị trường; chưa theo nhu cầu từng loại rau màu ở từng thời điểm khác nhau… Điều đáng nói, những vấn đề này lại có ý nghĩa rất lớn đến giá cả tiêu thụ, khả năng "ăn hàng"… Ví dụ, hằng năm, vào thời điểm cuối năm đến trước Tết Nguyên đán các loại rau dưa, nhất là kiệu, cải bắp… chính là những loại có giá cao. Tuy nhiên, không phải thấy "người ăn khoai vác mai đi đào" ồ ạt là thắng, trồng phải có sự quy hoạch và hướng đến thị trường cụ thể. Vấn đề này không thuộc về người nông dân mà chính là cấp quản lý nhà nước về gốc độ thị trường, nguồn thông tin dự báo giá cả, thời tiết cho việc xuống giống và cả quy hoạch vùng nào nên trồng loại rau gì, vùng nào không nên trồng rau gì… Hiện nay, kể cả bà con chuyên canh màu tại các huyện An Phú, Chợ Mới cung ứng chính cho thị trường nội địa và một phần xuất khẩu sang thị trường Campuchia cũng chỉ trồng theo cảm tính, còn giá cả đầu ra thì khi nào đến mùa thu hoạch… mới hay. Việc trồng trọt chỉ dừng lại mức độ "đón gió", dựa vào kinh nghiệm, còn thông tin chính thống nhu cầu thị trường thì rất ít nông dân được trang bị. Vì vậy, giá bán thế nào thì người nông dân không bao giờ biết, khi lái mua bao nhiêu thì "kỳ kèo bớt một thêm hai". Điều này không mới nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử trí nên đầu ra , giá cả rau màu ổn định, chắc chắn hiện chưa một ai dám cam kết đảm bảo.

Bà con nông dân trồng màu hiện rất manh mún, diện tích trồng màu có thể cao nhưng chuyên biệt từng cây trồng thì quá nhỏ lẻ. Chính yếu tố này dẫn đến những đầu mối thu gom từng loại cây như ớt, đậu bắp, hành, sắn… số lượng lớn từng nơi rất khó, phải thu gom lắt nhắt về một mối. điều này khiến chi phí vận chuyển tăng, sản phẩm của người nông dân dễ bị ép giá mua tại ruộng… Nhưng đặt vấn đề: Nếu doanh nghiệp cần một lượng rau màu chuyên biệt như: dưa leo, cải bắp, khổ qua… hàng trăm tấn/ngày thì chắc chắn không có bất kỳ vùng chuyên canh rau màu nào dám nhận hợp đồng ấy. Bài học từ cây bắp lai, đậu nành rau hay bắp thu trái non, cây sả trắng… khá thành công tại An Giang nhưng đến nay vẫn chưa thể nhân rộng vì nhiều nỗi. Bởi hàng loạt vấn đề vẫn còn là vấn đề nan giải như: sự hỗ trợ của doanh nghiệp thực sự đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân và cam kết giá mua ổn định có đảm bảo? Chất lượng có cơ quan nào giám sát chặt chẽ? Mối quan hệ kinh tế giữa nông dân và doanh nghiệp có thực sự bền vững?...

Hiện nay, việc trồng rau sạch, rau an toàn theo đúng nghĩa chưa thật sự được cam kết chặt chẽ. Trồng rau sạch theo tiêu chuẩn là biện pháp tốt để đảm bảo chất lượng nhưng yêu cầu kỹ thuật, công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ, quản lý chất lượng… đều cần đến sự hỗ trợ từ nhiều phía. Song, rau sạch hiện nay chỉ sạch trên lý thuyết, sản xuất theo chuẩn Europ Gap, IPM… nhưng rau ra đến thị trường thì không có dấu hiệu gì chứng tỏ đó là rau sạch. Các yêu cầu chất lượng, quy trình kiểm duyệt, đóng gói - bọc ni lon; nhãn mác, xuất xứ, thương hiệu – không… Các vùng chuyên canh rau tại An Giang và cả vùng ĐBSCL hiện chưa có bất cứ cây rau, bó cải nào sau khi rời khỏi ruộng được đóng gói, nhãn mác ngay trên sản phẩm…

Còn quá nhiều bất cập trong canh tác rau màu, trong khi đó, hiện An Giang đang là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng hoa màu lớn toàn vùng, xuất khẩu mạnh sang Campuchia trên dưới 50 tấn/ngày thì đề án "Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu rau màu" của An Giang cần nhanh chóng triển khai vào thực tiễn.

Bài, ảnh: NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết