06/11/2023 - 12:33

Nhật, Hàn cần lao động nhập cư để giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học 

Dù là hai quốc gia phát triển, Hàn Quốc và Nhật Bản đang chật vật đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa nhanh chóng. Hai quốc gia Đông Á này đều đang tìm cách đơn giản hóa chính sách nhập cư, dần chấp nhận rằng người lao động nhập cư chính là “chìa khóa” để đối phó tình trạng suy giảm dân số và thiếu hụt lao động.

Người trẻ ít, người già đông

Lâu nay, Nhật Bản được công nhận là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Theo dữ liệu tính đến ngày 15-9 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, trong 124,4 triệu dân của nước này, người từ 65 tuổi trở lên chiếm 29,1%  - mức cao kỷ lục và là tỷ lệ cao nhất thế giới. Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản dự báo cho dân số nước này vào năm 2070 sẽ giảm gần 1/3, còn khoảng 86,9 triệu người, trong đó, người từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 40%.

Đáng lo là trong khi số người cao tuổi ngày càng tăng, số trẻ em được sinh ra lại ngày càng giảm. Năm 2022, tổng tỷ suất sinh (TFR, số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong đời) của Nhật là 1,26. Với việc số người tử vong vượt qua số ca sinh trong một thập kỷ qua, dân số nước này đến nay đã giảm liên tục 14 năm.

Cư dân Nhật và người nước ngoài cùng tham gia một lễ hội văn hóa ở khu vực Nakano, Tokyo.

Cư dân Nhật và người nước ngoài cùng tham gia một lễ hội văn hóa ở khu vực Nakano, Tokyo.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng Chính phủ Nhật cần chấp nhận người nhập cư như một biện pháp để bù đắp tình trạng thiếu lao động và cần đưa ra một chính sách nhập cư dài hạn toàn diện. Giáo sư Noriko Tsukada tại Đại học Nihon (Nhật Bản) nhận định: “Giống như Đức, Nhật Bản nên thừa nhận rằng mình là một quốc gia nhập cư vì nước này không thể tồn tại nếu không có người nước ngoài và đã có rất nhiều người nước ngoài sống ở Nhật”. 

Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang vật lộn với tình trạng dân số và ngày càng già hóa. Trong 60 năm qua, TFR của xứ kim chi giảm nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Năm 1960, TFR của mỗi phụ nữ Hàn Quốc là gần 6 con, nhưng con số đó vào năm 2022 là 0,78 - nghĩa là một phụ nữ có khả năng sinh sản bình thường cũng không sinh nổi 1 con. 

Trong khi đó, nhóm dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) của Hàn Quốc - chiếm 71% tổng dân số vào năm 2022 - được dự đoán sẽ giảm xuống còn 46,1% vào năm 2070. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với dân số trong độ tuổi lao động trung bình toàn cầu - khoảng 60%. Cục Thống kê Hàn Quốc gần đây còn cho biết dân số Hàn Quốc đã liên tục giảm trong 3 năm qua: giảm 32.611 người trong năm 2020, 57.118 người trong năm 2021 và 123.800 người trong năm 2022. Nếu xu hướng này tiếp tục và Hàn Quốc không chuẩn bị tiếp nhận thêm người nhập cư, xứ sở kim chi sẽ thiếu hụt lao động trầm trọng, ảnh hưởng khả năng duy trì và phát triển kinh tế.

Chấp nhận thực tế và tiếp nhận lao động nhập cư

Trước đây, Chính phủ Nhật có lập trường bảo thủ và thường né tránh vấn đề “chính sách nhập cư”. Nước này chỉ công nhận tư cách thường trú nhân cho những người lao động nước ngoài có chuyên môn và ứng phó với tình trạng thiếu lao động bằng cách tuyển người nước ngoài không có chuyên môn trong ngắn hạn, tạm thời. Tuy nhiên gần đây, giới chức Nhật bắt đầu xem xét nới lỏng các quy định về thị thực dài hạn nhằm thu hút lao động và giải quyết một số vấn đề về dân số.

Gia đình anh Krishna Adhikari, một chuyên gia đến từ Nepal, đã định cư lâu dài tại Hàn Quốc sau 12 năm làm việc.

Gia đình anh Krishna Adhikari, một chuyên gia đến từ Nepal, đã định cư lâu dài tại Hàn Quốc sau 12 năm làm việc.

Điển hình hồi tháng 10, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch sửa đổi chương trình thực tập kỹ thuật, cho phép các thực tập sinh nước ngoài thay đổi nơi làm việc sau một năm, nếu họ có thể vượt qua một số bài kiểm tra kỹ năng và kỳ thi năng lực tiếng Nhật cơ bản. Trước đó, chương trình này thường bị phàn nàn vì không cho phép thực tập sinh chuyển chỗ làm cho dù điều kiện làm việc khắc nghiệt như thế nào. Hơn nữa, họ chỉ được chuyển chỗ làm và đổi sang thị thực lao động có tay nghề (số 1) sau 3 năm làm việc. Nếu muốn nâng cấp từ thị thực số 1 lên số 2 - dành cho lao động nước ngoài có chuyên môn cao - người lao động phải có 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực.

Tính đến tháng 6-2023, tổng cộng có hơn 531.248 lao động, chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á, đang sống và làm việc ở Nhật theo chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật và chương trình thị thực lao động có chuyên môn cao. 

Tương tự Nhật, chính sách nhập cư của Hàn Quốc vốn rất nghiêm ngặt. Những người nước ngoài nhập cư chỉ có thể trở thành công dân hoặc thường trú nhân khi họ kết hôn với người Hàn Quốc. Và cũng giống như Nhật, cách duy nhất để Hàn Quốc đảo ngược tình thế thiếu hụt lao động và già hóa dân số là dựa vào lao động nhập cư nước ngoài. Do vậy, chính phủ nước này đã thực hiện các biện pháp mở cửa hơn nữa cho người lao động nước ngoài và giúp họ định cư dễ dàng hơn.

Theo đó, lao động nước ngoài đến xứ kim chi làm việc bằng thị thực E-9 theo Hệ thống Giấy phép Lao động được ban hành năm 2004. Họ chủ yếu đến từ các nước Đông Nam và Trung Á, giúp bù đắp tình trạng thiếu lao động trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, thủy sản và xây dựng ở các khu vực tỉnh lẻ ở Hàn Quốc. Từ đó đến nay, số lượng lao động nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc bằng visa E-9 tăng đều mỗi năm (trừ giai đoạn 2020-2022 xảy ra đại dịch COVID-19). Năm 2022, Hàn Quốc có tổng cộng 2,25 triệu cư dân nước ngoài - chiếm 4,37% tổng dân số. Với tỷ lệ đó, nước này sắp được xác định là một xã hội đa văn hóa - nơi tỷ lệ người có nguồn gốc đa văn hóa vượt quá 5% tổng dân số.

Năm 2023, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng gấp đôi hạn ngạch cấp thị thực E-9, do nhiều lĩnh vực đang thiếu lao động. Hồi tháng 9, chính phủ tiếp tục công bố các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho những lao động có tay nghề với thị thực E-9 được nâng cấp lên thị thực E-7-4. Được biết, thị thực E-7-4 cho phép người lao động ở lại Hàn Quốc lâu hơn và đưa các thành viên gia đình đến đây. Tuy nhiên, người lao động phải ở lại nơi làm việc thêm 2 năm nữa mới có thể có được tư cách đó. 

Trở thành xã hội đa văn hóa

Theo Cơ quan Dịch vụ Nhập cư (ISA) thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản, số người nước ngoài đăng ký sống tại xứ hoa anh đạo đã đạt mức cao kỷ lục hơn 3,2 triệu trong tháng 6, chiếm 2,6% tổng dân số. Trong những năm qua, cư dân nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc và người Hàn) tiếp tục nhập tịch Nhật Bản trung bình đạt khoảng 8.000 người/năm. Số lượng thường trú nhân cũng ngày càng tăng. Theo ISA, tính đến tháng 6-2023, Nhật có 1,6 triệu thường trú nhân. 

Trong đời sống xã hội, người dân xứ phù tang cũng đã dần chấp nhận một thực tế mới là phải sống chung với những người nhập cư đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, dù ban đầu họ thấy khó khăn vì văn hóa và ngôn ngữ khác biệt. Một số khu chung cư được biết đến là nơi tập trung nhiều cư dân thuộc các dân tộc khác nhau, với các cửa hàng tạp hóa quốc tế bán nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu và rất đông khách. Shibazono Danchi, một khu nhà ở công cộng gần Tokyo, là một ví dụ điển hình phản ánh sự thay đổi nhân khẩu học của đất nước. Hiện tại, hơn 50% trong số khoảng 5.000 cư dân ở đây là người nước ngoài, đến từ khắp nơi trên thế giới nhưng nhiều nhất là người Trung Quốc. 

Tờ Thời báo Hàn Quốc cho biết sự hiện diện ngày càng tăng của những người thuộc các dân tộc khác nhau tại Nhật Bản là điều đáng chú ý, song không thể phủ nhận cư dân nước ngoài ngày càng trở thành một phần quan trọng của xã hội nước này. Các quốc gia khác đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học có thể cũng nên bắt chước Nhật Bản về mở rộng chính sách nhập cư, gồm cả Hàn Quốc.

​Được biết, tuy có nhiều bộ của Chính phủ Hàn Quốc đã chịu trách nhiệm về các chính sách liên quan đến người nước ngoài và người nhập cư, nhưng nước này chưa có một cơ quan chuyên trách các công việc liên quan. Nhằm tìm cách hỗ trợ và thu hút hơn nữa người nhập cư, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đang chuẩn bị thành lập một cơ quan duy nhất xử lý tất cả các chính sách nhập cư.

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để sẵn sàng trở thành một quốc gia thân thiện hơn với người nhập cư. Theo khảo sát công bố vào tháng trước của Cục Thống kê Hàn Quốc, 19,7% số người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc trong năm qua cho biết họ đã trải qua sự phân biệt đối xử. Các cửa hàng, nhà hàng, ngân hàng và nơi làm việc của họ được coi là những nơi xảy ra điều này nhiều nhất. Đối với những người được hỏi, rào cản ngôn ngữ và sự cô lập xã hội là những khó khăn lớn nhất họ gặp phải khi sống ở xứ kim chi.

NGUYỆT CÁT (Theo Korea Times)

Chia sẻ bài viết