25/10/2014 - 21:10

Nhận thức mới về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ

TS. Trần Thanh Bé
(Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội
thành phố Cần Thơ)

Trong tiến trình đổi mới và phát triển, nhiều cơ hội và thách thức được đặt ra cần xem xét, giải quyết thấu đáo. Thách thức lớn nhất, phức tạp nhất chính là thách thức về sự bất cập trong nhận thức, quan điểm phát triển. Nếu không giải quyết vấn đề này một cách phù hợp, căn cơ thì nguy cơ tụt hậu xa hơn là điều khó tránh khỏi. Đó cũng là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ.

Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ

Với Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội, thành phố Cần Thơ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu năm 2004. Để định hướng và tạo điều kiện để thành phố Cần Thơ phát triển, ngày 17-2-2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Theo đó, "xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện thành phố Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước"; thành phố Cần Thơ phải phấn đấu xây dựng và phát triển đến năm 2020 "trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mékong; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa; là đầu mối quan trọng về giao thông - vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước"; và "là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng". Sau 5 năm xây dựng và phát triển, thành phố Cần Thơ trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương và cùng với An Giang, Kiên Giang, Cà Mau trở thành một trong bốn địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Tây Đô. Ảnh: T.LONG

Những thành tựu

Qua 10 năm phát triển (2004 - 2013), thành phố Cần Thơ đã đạt những thành tựu khá toàn diện, thể hiện qua các chỉ tiêu chính sau:

Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tăng 3,61 lần; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt bình quân 13,92%/năm. Bình quân GDP/người tăng 6,1 lần, đạt 62,92 triệu đồng năm 2013, cao gấp 1,57 lần so với bình quân chung cả nước và hơn 1,82 lần so với bình quân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ cấu kinh tế (giá thực tế) chuyển dịch đúng hướng: nông nghiệp giảm từ 20,76% xuống còn 8,61%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 38,41% lên 38,92%, dịch vụ tăng từ 40,82% lên 52,47%.

Hoạt động tài chính, tín dụng khá sôi động, thu hút 55 tổ chức tín dụng và chi nhánh với 227 điểm giao dịch (nhiều nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long). Nguồn vốn huy động tăng khá đã đáp ứng 79,6% tổng dư nợ cho vay (tính đến tháng 6-2014), thể hiện được một phần vai trò "trung tâm tài chính" vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Định hướng phát triển nền kinh tế tri thức trên địa bàn thành phố từng bước hình thành, thể hiện qua giá trị đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Theo Đề tài "Đánh giá kết quả khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ (năm 2013)", đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP thành phố giai đoạn 2006 - 2013 đạt bình quân 8,84%; riêng giai đoạn 2010 - 2013 đã tăng lên 39,13%. Kết quả đó đánh dấu sự đóng góp tích cực của khoa học và công nghệ, quản lý, chính sách... đến phát triển nền kinh tế tri thức và tăng trưởng bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ.

Những hạn chế

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, thành phố Cần Thơ cũng còn một số hạn chế sau:

Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bền vững, còn dựa nhiều vào vốn. Khi đầu tư công hạn chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cũng giảm: từ 15,98% (giai đoạn 2005 - 2007) xuống 15,16% (giai đoạn 2008 - 2010) và tiếp tục xuống còn 12,62% (giai đoạn 2011 - 2013). Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm tương ứng với mức bình quân tăng trưởng của vốn đầu tư giảm từ 44,01% xuống 32,17% và 11,12% theo các giai đoạn nêu trên.

Tuyệt đại đa số doanh nghiệp trên địa bàn (gần 98%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, đến đầu năm 2014, có 149 doanh nghiệp lớn (vốn đăng ký từ trên 50 tỉ đồng) chiếm 2,17% số doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp vẫn tăng (từ 554 lên 984 doanh nghiệp), nhưng tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp trong nền kinh tế đã giảm (từ 36,3% xuống 24,5%) trong giai đoạn 2005 - 2012. Trong công nghiệp, doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm từ 25,45% (năm 2005) giảm xuống còn 20,82% (năm 2012); doanh nghiệp công nghiệp chế tạo tăng từ 48,38% lên 52,44% trong cùng thời gian. Sản xuất nông nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò "động lực" thúc đẩy phát triển nông nghiệp toàn vùng thông qua sản xuất và cung ứng giống cây con và dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Nông nghiệp tăng trưởng còn phụ thuộc vào sự phát triển của nuôi trồng thủy sản (cá tra, ba sa) vốn rất bấp bênh, lệ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, ô nhiễm, giá cả đầu vào, đầu ra; chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét để tăng giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Từ số liệu Niên giám thống kê, chỉ số hiệu quả đầu tư (ICOR) giai đoạn 2006 - 2013 đạt bình quân 3,63, thấp hơn bình quân chung cả nước. Chỉ số này đã tăng từ 2,49 (giai đoạn 2004 - 2008) lên 4,55 (giai đoạn 2009 - 2013), nghĩa là hiệu quả đầu tư giảm, do tập trung đồng loạt nhiều công trình hạ tầng lớn nhưng kéo dài, chậm hoàn thành vì thiếu vốn, không phát huy được hiệu quả.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành phố Cần Thơ tuy luôn ở nhóm "điều hành tốt", nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện chậm. Năm 2013, với tổng điểm đạt 61,46 (kém 5 điểm so với đơn vị đứng đầu), thành phố Cần Thơ đứng hạng 9 toàn quốc và hạng 4 ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các chỉ số thành phần như "tính minh bạch thông tin", "đào tạo lao động" và "thiết chế pháp lý" đạt điểm thấp (dưới 5,50).

(Theo Tạp chí Cộng sản)
(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết