06/04/2014 - 20:59

Nhận diện, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội

Mới đây, UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh tháng 3 và quý I-2014, công tác trọng tâm quý II-2014. Tại cuộc họp này, các đại biểu đã nêu ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian tới...

* Kinh tế tăng trưởng khả quan

Theo đánh giá của các sở, ngành chức năng TP Cần Thơ, trong quý I-2014, kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua nội địa yếu, thị trường xuất khẩu gặp khó. Lãi suất ngân hàng giảm nhưng áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất cao đã tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Song, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế, xã hội thành phố nhìn chung đã duy trì được đà phát triển.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Trà Nóc 1, TP Cần Thơ.

Trong quý I-2014, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tăng cường năng lực sản xuất và tìm kiếm thị trường, cơ cấu lại tổ chức và thúc đẩy sản xuất phù hợp với tình hình mới. Theo báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tăng trưởng kinh tế (GDP - giá so sánh 2010) ước đạt 8,32% (trong khi cùng kỳ quý I-2013 GDP đạt 8,2%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 3 tháng đầu năm 2014, tăng 5% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 16.468 tỉ đồng, đạt 16,9% kế hoạch, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng đầu năm 2014, các khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút 2 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD. Đến nay, các khu chế xuất và công nghiệp có 211 dự án còn hiệu lực, thuê 688 ha đất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.891 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 844,7 triệu USD, chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong quý I-2014 ước đạt 404,3 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đến tháng 3-2014 là 32.549 lao động, tăng 1.229 lao động so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2014, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều tiến bộ, công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chăm lo sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện tốt, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong quý I-2014, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 8.607 tỉ đồng, đạt 22,4% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (vốn do ngân sách nhà nước địa phương quản lý năm 2014 theo kế hoạch) tính đến ngày 20-3-2014 đã thực hiện thanh toán và tạm ứng vốn được 863,3 tỉ đồng, đạt 32,7% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ 347,6 tỉ đồng, đạt 42% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố từ ngày 1-1 đến 20-3-2014 là 1.872,2 tỉ đồng, đạt 20,2% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 1.571,4 tỉ đồng, đạt 24,5% dự toán Trung ương giao và đạt 19,9% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 4,9% so cùng kỳ.

Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng tình hình kinh tế, xã hội thành phố được đánh giá là còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các ngành, lĩnh vực duy trì được mức tăng trưởng nhưng mức tăng này đạt thấp so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài còn yếu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực đang đối mặt với các nguy cơ rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và sự bất ổn về giá cả nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phẩm. Đáng chú ý là dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa tập trung cao trong khâu điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và định hướng giải quyết việc làm sau đào tạo. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn hạn chế. Tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra gây thiệt hại về tài sản, tính mạng con người…

* Tìm giải pháp để tăng tốc phát triển

Qua đánh giá những mặt được và hạn chế tồn tại, UBND TP Cần Thơ đã xác định trong quý II-2014 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố đã đề ra và các Nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 của HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Thành phố xác định sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tăng cường hiệu quả đầu tư xây dựng, thu chi ngân sách; tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường; tăng cường công tác cải cách hành chính, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân; tiếp tục bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thành phố sẽ tiếp tục phát huy tốt hoạt động của tổ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường công tác tiếp xúc doanh nghiệp, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các quận huyện, Chương trình đưa hàng Việt về bán lưu động ở vùng nông thôn. Tăng cường thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội… Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng yêu cầu các sở ngành thành phố và địa phương phải quyết tâm vào cuộc và có các giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn để có thể tăng tốc phát triển.

Để khắc phục các hạn chế và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố trong thời gian tới, nhiều đại biểu cũng khẳng định cần phải tập trung dồn sức để tháo gỡ ngay các khó khăn của nền kinh tế, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, phải giải quyết tốt bài toán về nguồn vốn phục vụ cho đầu tư phát triển thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác thu chi ngân sách, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và huy động tốt các nguồn lực đầu tư trong nước. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại, Du lịch TP Cần Thơ, cho rằng: "Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu hàng đang là yêu cầu cấp thiết. Để đẩy mạnh xuất khẩu, Trung tâm đang tích cực phối hợp với các sợ ngành và đơn vị có liên quan để xây dựng quy chế hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và xúc tiến các hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu". Theo bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, thời gian qua trước tình hình kinh tế chung khó khăn, Nhà nước đã thay đổi một số chính sách thuế nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Nhưng sự thay đổi này đã làm giảm nguồn thu ngân sách cho các địa phương, điều này gây ảnh hưởng đến các khoản chi, các địa phương rất cần thành phố hỗ trợ thêm bằng các cơ chế, chính sách để giúp địa phương có thể tăng cường các nguồn lực đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Việc quan tâm thực hiện tốt hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả làm việc của các cán bộ công chức và các cơ quan quản lý Nhà nước…cũng là một yêu cầu bức thiết. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí Thư Thành ủy Cần Thơ, chỉ rõ, công tác cải cách thủ tục hành chính của ta thời gian qua còn chưa mạnh, doanh nghiệp còn gặp phiền hà trong các thủ tục hành chính, ảnh hưởng việc thu hút đầu tư. Mặt khác, không ít cán bộ, công chức còn thiếu năng động sáng tạo và chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm và tích cực hướng về cơ sở nên còn bê trễ trong công việc. Tới đây, cần quan tâm khắc phục ngay các hạn chế này và phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan. Phải thực hiện tốt kỷ luật kỷ cương hành chính thì mới đảm bảo guồng máy vận hành trôi chảy, hiệu quả cao... Đồng chí Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, nhấn mạnh: So với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, các cấp, các sở ngành chức năng thành phố cần nhận diện và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của mình. Phải có những giải pháp cụ thể để khắc phục các hạn chế và khai thác, phát huy lợi thế nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết