11/12/2009 - 21:14

Đồng bằng Sông Cửu Long

Nhà máy chế biến "khát" tôm nguyên liệu

Càng về cuối năm, nhu cầu tôm chế biến tăng cao, thế nhưng hàng loạt nhà máy chế biến tôm sú xuất khẩu ở ĐBSCL lại đối mặt với tình trạng không đủ nguyên liệu sản xuất để cung ứng nhu cầu thị trường. Ước tính, hơn 60 nhà máy chế biến tôm khu vực ĐBSCL hiện chỉ hoạt động cầm chừng, mặc dù đã chọn giải pháp nghỉ luân phiên...

HOẠT ĐỘNG CHƯA ĐẾN 50% CÔNG SUẤT

Nguồn tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL đang khan hiếm và giá tăng cao.  

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau, than thở: Tình trạng thiếu tôm sú nguyên liệu ngày đè nặng tiến độ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Cà Mau, hiện có 31 nhà máy chế biến nhưng cố lắm chỉ chạy khoảng 45% công suất. Nguồn tôm khan hiếm đã khiến kế hoạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau có nhiều khả năng sẽ không đạt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu. Theo ước tính năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 630 triệu USD, giảm 35 triệu USD so kế hoạch. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu là do 265.500 ha tôm của tỉnh đã thu hoạch dứt điểm trong đợt tôm sú chính vụ cách nay mấy tháng. Ngoài ra, năng suất tôm ở các huyện Thới Bình, Ngọc Hiển, Đầm Dơi... giảm mạnh, bình quân chỉ còn 357 kg/ha/năm đối với tôm nuôi quảng canh. Ông Thuận cho rằng, môi trường ô nhiễm chính là tác nhân khiến năng suất tôm ngày càng sụt giảm. Các ngành chuyên môn và người nuôi biết rõ vấn đề này nhưng chưa tìm được cách khắc phục. Hiện tại, người nuôi tôm sú ở Cà Mau đang tiến hành cải tạo, sên vét lại ao đầm để thả nuôi vụ mới.

Tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... mùa tôm sú chính vụ đã qua. Hiện tại, dù giá tôm sú tăng cao nhưng người nuôi không có tôm sú để bán. Ông Võ Hồng Ngoãn, một “đại gia” nuôi tôm ở thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Diện tích tôm sú năm nay ước giảm từ 20- 30%, bởi năm rồi nhiều hộ bị lỗ nặng nên không còn vốn đầu tư”. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện tại giá tôm sú nguyên liệu đang đứng mức giá rất cao, tôm loại 20 con/kg giá từ 150.000- 155.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 125.000 đồng/kg; loại 40 con có giá trên 105.000 đồng/kg... sản lượng bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Thậm chí, thương lái nâng giá thu mua nguyên liệu để cung ứng cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu nhưng lượng tôm sú vẫn thiếu. Ông Trần Thanh Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm thủy sản xuất khẩu Cà Mau (FFC) thừa nhận: Tôm khan hiếm, giá tăng cao, dù biết lỗ nhưng công ty cũng phải mua để duy trì sản xuất nhằm giữ chân công nhân và duy trì đơn hàng. FFC đang triển khi thu mua ở hàng loạt địa điểm nhưng mỗi ngày mua không đến 7 tấn tôm nguyên liệu. Chưa kể trong đó còn nhiều tôm không đủ tiêu chuẩn. Trong khi thời điểm này năm ngoái, FFC mua trên 15 tấn/ngày. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Camimex Cà Mau, cho biết, công ty đang “cầu viện” đại lý các tỉnh lân cận và các tỉnh miền Trung cung ứng nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên tình hình vẫn chưa sáng sủa gì mấy, bởi thiếu tôm nguyên liệu là tình trạng chung ở nhiều nơi...

Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay: Tình trạng thiếu tôm sú nguyên liệu sẽ kéo dài đến đầu năm 2010. Nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị nhập tôm sú nguyên liệu từ các nước để duy trì sản xuất, phục vụ xuất khẩu nhưng chưa thể nhập khẩu bởi nhiều lý do khác...(!)

BÀI HỌC CHO DOANH NGHIỆP

Điều đang quan ngại là không chỉ mô hình nuôi tôm sú quảng canh mà hàng loạt diện tích tôm sú nuôi công nghiệp ở ĐBSCL năng suất cũng giảm mạnh. Tại Sóc Trăng, sản lượng tôm sú chỉ đạt khoảng 55.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với những năm trước càng làm cho 9 xí nghiệp chế biến của 6 DN chế biến thủy sản xuất khẩu “đói” nguyên liệu.

Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cứ nhìn vào diện tích nuôi tôm sú hiện tại thì với 31 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu thì lượng tôm sú nguyên liệu chỉ đáp ứng nửa công suất thiết kế. Thiếu tôm sú nguyên liệu vào thời điểm này là khó tránh khỏi. Trong khi Kiên Giang có 22 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm có với tổng công suất thiết kế 120.624 tấn/năm nhưng cũng chỉ hoạt động 35 - 40% công suất.

Theo dự báo, từ nay tới Tết Nguyên đán 2010, triều cường sẽ tiếp tục có những biến động bất thường, do vậy người sản xuất, nhất là nuôi trồng thủy sản cần phải có kế hoạch ứng phó để tránh thiệt hại. Trước mắt, bà con nông dân đã triển khai đắp bờ bao, ngăn không cho ngập nước, nơi nào không có điều kiện đắp bờ thì dùng lưới bao ao đầm nuôi tôm, cá để tránh thất thoát. Nơi nào có cống thủy lợi thì mở cống khi thủy triều xuống, đóng cống lúc thủy triều lên. Đây cũng là cách xử lý tránh thiệt hại cho người nuôi tôm.

Việc thiếu tôm sú nguyên liệu là bài học lớn cho các doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy, hải sản. Nguyên nhân một phần là do nhiều doanh nghiệp từ lâu chưa thật sự quan tâm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng. Khi đến lúc thiếu nguyên liệu thì với vỡ lẽ ra thì đành phải chấp nhận. Hệ quả là khi thiếu nguyên liệu sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề như, lao động phải tạm nghỉ, giảm thu nhập và nhiều người bỏ việc. Còn doanh nghiệp thì buộc phải chạy đôn chạy đáo để có đủ tôm nguyên liệu. Và đến khi đủ nguyên liệu thì lại lo chuyện thiếu công nhân...

Bài, ảnh: TRẦN PHONG

Chia sẻ bài viết