23/09/2015 - 20:25

Nguy hại từ hút thuốc thụ động

Mỗi năm trên thế giới có 6 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan hút thuốc lá. Đáng báo động hơn là mỗi năm có 600.000 người chưa từng hút thuốc qua đời do hít phải khói thuốc từ người khác (gọi là hút thuốc thụ động).

* Thiếu kiến thức

Ông Nguyễn Văn Ba, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng có "thâm niên" hút thuốc lá hơn 40 năm, đều đặn mỗi ngày 2 gói. Tuy bà Lâm Thị Hương (vợ ông Ba) hết lời khuyên lơn nhưng ông vẫn "chứng nào tật nấy". Bà Hương kể: "Vợ con khuyên thì ổng giận và nói ổng hút ổng chết, không cần ai lo. Thú thiệt, tui cũng "bó tay" với ổng". Hơn 40 năm qua, ông Ba hút thuốc mọi lúc mọi nơi: lúc làm việc, ở nhà, trong đám tiệc, quán cà phê... Ông cứ "vô tư" hút để mọi người "vô tình" ngửi khói thuốc lá.

 Bệnh viện là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn.

Khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Khi hút thuốc, người hút thường thở ra 2 luồng khói chính và phụ (20% khói thuốc bị hít vào trong luồng chính, 80 % còn lại được gọi là luồng phụ, nảy sinh khi kéo thuốc (giữa những lần hít vào) và khi tắt thuốc). Luồng phụ mang nhiều thành phần độc hại  và chất gây ung thư hơn nhiều so với luồng chính. Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ đã xếp khói thuốc lá vào nhóm A trong bảng danh sách các chất gây ung thư. Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được.

Với 15 triệu người hút thuốc lá, Việt Nam đứng thứ 3 khu vực châu Á và thứ 15 thế giới về số người hút thuốc lá. 95% người hút thuốc lá có thói quen hút trong nhà; 2/3 phụ nữ và 1/2 trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà; gần 50% người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc. Tại buổi truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá cho sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Thắng cho biết: "Thời gian hút thuốc lá thụ động trung bình là 26 phút/ngày. Phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của hút thuốc lá thụ động. Khói từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người hút thuốc cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi hít vào khói thuốc từ đầu thuốc đang cháy tỏa ra. Lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh gấp 5 lần lượng khói người hút thuốc hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương hút 5 điếu/ngày bệnh do hút thuốc thụ động". Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ở trẻ em, có bằng chứng đầy đủ về việc hút thuốc lá thụ động gây ra khối u não, bệnh tai giữa, các triệu chứng hô hấp, giảm chức năng phổi, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, bệnh đường hô hấp dưới. Đồng thời có bằng chứng gợi ý là hút thuốc lá có thể gây bệnh hen suyễn, ung thư máu, ung thư hạch. Ở người trưởng thành, hút thuốc lá thụ động có nguy cơ bị đột quỵ, ung thư xoang mũi, ung thư vú, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, triệu chứng phổi mãn tính, hen suyễn, giảm chức năng phổi, xơ vữa động mạch, đẻ non… Đồng thời có triệu chứng gợi ý gây các bệnh: mạch vành tim, ung thư phổi, ảnh hưởng khả năng sinh sản ở phụ nữ... Hút thuốc thụ động làm tăng 25-30% nguy cơ bệnh tim mạch và 20 -30% nguy cơ ung thư phổi.

* Người hút thuốc thụ động cần lên tiếng

Nhiều trường hợp người không hút thuốc lá lên tiếng tỏ thái độ phản đối, dần dần người hút thuốc tỏ ra có ý thức hơn. Sau hơn 40 năm "cam chịu" hít khói thuốc lá, bà Hương lên tiếng phản đối ông Ba hút thuốc lá trong nhà. Bà Hương kể: "Vừa rồi, tôi cũng góp ý với ổng về việc hút thuốc lá nên trong nhà toàn mùi thuốc lá, ám cả vào tóc các cháu. Tôi càng lo hơn khi nghe con tôi đề cập về tác hại thuốc lá đối với sức khỏe không chỉ người hút mà cả người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc". Từ đó, mỗi khi ông Ba hút thuốc, bà Hương đưa cháu tránh xa chỗ khác. Lúc đầu, ông Ba có ý giận nhưng dần dà, ông Ba thay đổi suy nghĩ và hành động, mỗi khi ghiền thuốc, ông Ba ra sân hút, hạn chế ảnh hưởng người thân.

Để phòng tránh tác hại của hút thuốc lá thụ động, theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Thắng, người không hút thuốc lá cần lên tiếng phản đối hành vi hút thuốc lá ở khu vực cấm hút thuốc. Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, điều 7 quy định quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá: Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do sử dụng thuốc lá. Từ đó giúp người nghiện thuốc lá thêm quyết tâm bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết