13/09/2010 - 20:40

Nguy cơ điếc với tai nghe

Suy giảm thính lực do sử dụng tai nghe lâu ngày có thể gây nguy hại hơn so với tổn thương do âm thanh từ loa dội vào tai. Tuy có thể không làm phiền những người xung quanh nhưng nhạc có cường độ âm thanh cao rót vào tai qua tai nghe có thể làm bạn điếc khi chưa bước qua tuổi 50, các nhà khoa học cảnh báo.

Tác hại do nghe nhạc lớn bằng tai nghe ở giới trẻ đang là vấn đề toàn cầu. 

Cha mẹ của Rohan Gupta ở Ấn Độ không hiểu sao con họ luôn xem ti-vi với âm lượng được đẩy lên mức cao nhất. Nếu không vậy, cậu trai 20 tuổi sẽ kêu ca là không nghe được gì cả. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng mới nhận ra vấn đề thật sự của Rohan. Tay chỉnh nhạc (DJ) đầy triển vọng này mê nhạc đến mức suốt ngày cứ nhét chặt tai nghe vào tai. Thói quen này, theo bác sĩ, là nguyên nhân khiến cậu bị mất thính lực dạng nhẹ ở mức 16-24 decibel (dB), tức không có khả năng nghe những tiếng động nhỏ như tiếng nước nhỏ giọt hay tiếng lá xào xạc.

Rohan không phải là trường hợp cá biệt. Hiện nay, ngày càng nhiều thanh thiếu niên ở các nước được chẩn đoán bị suy giảm khả năng nghe với mức độ ngày một tăng trong vòng 2 thập niên qua. Thủ phạm chính là tai nghe dùng kèm với máy hát nhạc MP3 hoặc điện thoại di động (ĐTDĐ).

Đối với người bình thường, lảng tai do tuổi tác thường xuất hiện sau tuổi 55. Ở tuổi trung niên, các mạch máu trong ống tai bắt đầu dày lên, khiến thính lực giảm dần với mức độ 1 dB/năm. Cho nên không có gì quá lo lắng khi thính lực suy giảm 10 dB ở tuổi 65. Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay ngay cả thanh thiếu niên cũng bị lảng tai. Hút thuốc lá (ảnh hưởng các dây thần kinh), nghe nhạc lớn (làm tổn thương tai trong) và sử dụng ĐTDĐ quá mức được cho là tác nhân chính gây ra tình trạng này.

Theo các chuyên gia, âm thanh trên mức 90 dB có khả năng nguy hại cho tai và bất cứ âm thanh nào trên 120 dB đều nguy hiểm cho thính lực. Tiếp xúc với những âm thanh “chát chúa” này càng lâu, tai càng bị tổn thương. Nếu tình trạng giảm thính lực xuất hiện sớm, đến lúc 50 tuổi thính lực có thể suy giảm đến 30 dB. Giới chuyên môn khuyên giới trẻ không nên mở nhạc lớn bên cạnh hoặc trực tiếp vào tai, và hạn chế dùng ĐTDĐ.

Với sự phổ dụng của các thiết bị nghe nhạc di động như iPod và ĐTDĐ như hiện nay, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng tai nghe nhiều khả năng gây tổn thương cho tai nhiều hơn khi nghe bằng loa. Do âm thanh không lọt ra ngoài nên người dùng tai nghe có xu hướng mở volume lớn hơn. Thậm chí dù mở volume tương đương (với loa) nhưng nguy cơ thính lực bị tổn hại do dùng tai nghe cũng cao hơn do âm thanh kề sát bên tai.

- Nguy cơ suy giảm thính lực do sử dụng máy hát nhạc xách tay thường xảy ra khi dùng tai nghe trong môi trường ồn ào. Vì thế nên hạn chế sử dụng tai nghe khi ra đường.
- Đeo tai nghe khi tập thể dục cũng rất có hại cho tai. Quá trình tập luyện làm chuyển hướng tuần hoàn máu từ tai xuống tứ chi và khiến tai trong dễ tổn thương hơn khi tiếp xúc với âm thanh lớn. Nguy cơ lảng tai tăng gấp đôi nếu vừa đeo tai nghe với âm lượng cao vừa tập thể dục.
- Luyện tập quy tắc 60%/60 phút. Sử dụng thiết bị nghe nhạc cá nhân không quá 1 giờ/ngày và ở mức dưới 60% âm lượng tối đa.
- Để tránh lảng tai, nên dùng loại tai nghe lớn kiểu cũ chụp lấy vành tai.
- Dùng những loại tai nghe có chức năng loại bỏ tạp âm.
m Những âm thanh báo hiệu tai “có vấn đề”  
Tiếng reo hoặc ù trong tai. Khó hiểu lời nói của người khác. Hơi bị “nghẹt” âm thanh. Khó nhận biết tiếng nói của người khác ở nơi ồn ào hoặc nơi có độ vang không tốt. Ngoài ra, chóng mặt cấp tính hoặc mãn tính, đau nhức, khó chịu và chảy nước lỗ tai cũng là những triệu chứng suy giảm thính lực.

Nếu sử dụng loa, âm thanh truyền qua ít nhất vài chục cm trước khi đến tai người nghe. Trong quá trình này, một phần cường độ âm thanh cao đã được không khí hấp thu. Với tai nghe, đôi tai hứng trọn cường độ âm thanh mà không một chút suy giảm vì tai nghe được ấn vào trong tai. Sử dụng tai nghe thường xuyên còn làm giảm khả năng nhạy cảm với các tần số âm thanh. Theo thời gian, do đôi tai đã quen với âm thanh cực đại, người nghe sẽ có cảm giác độ lớn của âm thanh giảm dần mặc dù âm lượng vẫn không đổi.

Suy giảm thính lực ở thanh thiếu niên đang là vấn đề toàn cầu. Mới đây, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho biết lảng tai là chứng rối loạn giác quan phổ biến, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người ở mọi lứa tuổi tại Mỹ. Hiện nay gần 1/3 trẻ vị thành niên ở nước này gặp các vấn đề về thính lực và 20% bị mất thính lực. Nghiên cứu cho rằng máy hát nhạc cá nhân cũng như trào lưu nghe nhạc “sống” đã góp phần gia tăng tỷ lệ thanh thiếu niên bị suy giảm thính lực.

THUẬN HẢI (Theo Times of India)

Chia sẻ bài viết