31/05/2015 - 17:13

Bao trái làm cho vỏ chuyển màu:

Người trồng không dám ăn, người mua chỉ để chưng

Hiện một số địa phương như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… có nhiều điểm rao bán một số sản phẩm mà họ cho là "độc nhất vô nhị" đó là loại bao trái "Made in Taiwan". Những loại bao này có thể làm cho trái cây chuyển từ vỏ màu xanh sang màu vàng, bóng láng và đến nỗi người trồng không dám ăn, người mua chỉ để chưng!

Sản phẩm bán tràn lan

Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều cửa hàng tạp hóa, đại lý, sạp bán trái cây,… trên địa bàn xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang bán nhiều loại bao trái. Cụ thể, loại bao xoài màu trắng có giá 600 đồng/bao, bao màu đen 1.200 đồng/bao, ngoài ra còn có loại bao mới được các điểm bán đưa ra trưng bày, giới thiệu như loại bao xoài màu xám, loại bao chuối (bao cả buồng)... Chủ một đại lý vật tư nông nghiệp ở ấp 5, xã An Hữu thông tin, những loại bao trái mà cửa hàng đang bán và trưng bày được nhiều người ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đến bỏ mối. "Những người đến đây bỏ mối giới thiệu các loại bao trái có thể làm cho trái cây bóng láng, đặc biệt có loại bao màu đen làm cho vỏ trái chuyển sang màu vàng trong khi trái chưa già, chín. Tôi chỉ mới lấy bán thôi chứ không biết rõ nó có chất lượng hay không" – chủ đại lý này nói. Qua tìm hiểu một số cửa hàng khác, chúng tôi được biết, các loại bao trái được bày bán có nhiều nguồn cung cấp khác nhau, trong đó nơi cung cấp nhiều nhất là tỉnh Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh. Trên bao trì có ghi "Made in Taiwan".

Hiện nay, ông Phong chỉ sử dụng loại bao trái màu trắng, không sử dụng loại bao màu đen vì sợ ảnh hưởng sức khỏe người dùng.

Để tìm hiểu công dụng, chất lượng của các sản phẩm trên, chúng tôi đã về nhiều nhà vườn ở huyện Cái Bè và ghi nhận, các loại bao trái trên được nhiều người dân sử dụng, nhưng họ rất mơ hồ về xuất xứ, công dụng của nó. Ông Hà Văn Phong, ngụ ở ấp 1, xã Tân Thanh, nói: "Là nông dân trồng xoài đã nhiều năm, thấy người ta giới thiệu loại bao trái mới lạ nên tôi đã mua về bao thử trên khoảng 500 cây xoài cát Hòa Lộc trong vườn. Kết quả, khoảng 2 tháng sau trái xoài đã trở nên bóng láng, trông rất đẹp mắt. Riêng chỉ có loại bao trái màu đen làm cho trái xoài chuyển sang màu vàng khi trái vẫn chưa chín". Theo ông Phong, vụ xoài trước, vợ ông đã từng choáng, nôn ói sau khi lấy loại bao màu đen ra vườn bao trái, nó có mùi hôi rất khó chịu. Mặc dù sản phẩm làm trái xoài vàng đẹp nhưng ông không dám ăn hay bán vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vụ xoài này đang cho trái, ông không dám sử dụng loại bao trái màu đen nữa mà chỉ sử dụng loại bao trắng, cũng làm trái đẹp hơn nhưng không làm cho vỏ chuyển vàng.

Không riêng gì huyện Cái Bè, mà có rất nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng loại bao trái trên. Theo Ban quản lý Tổ hợp tác Sản xuất xoài tứ quý vàng Thuận Thành, xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, Tổ hợp tác đã thử nghiệm loại bao trái màu đen trên 200 cây xoài tứ quý. "Tôi từng đi nhiều nơi trên đất nước và cả nước ngoài để học hỏi về cách trồng xoài nhưng vẫn rất bất ngờ với loại bao trái màu đen, vì nó có khả năng làm cho trái và cuống xoài chuyển sang màu vàng. Khi thu hoạch xong, tôi đem loại trái này đi giới thiệu bạn bè cùng nghiên cứu chứ không dám ăn hoặc bán cho ai vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn" - ông Trần Văn Trung, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất xoài tứ quý vàng Thuận Thành cho biết.

Cần cơ quan chức năng vào cuộc

Theo các nhà vườn miêu tả thì loại bao trái trên có chất liệu như giấy dầu, không tan trong nước và có thể sử dụng khoảng 3 vụ xoài, nhưng vụ sau sẽ không cho trái vàng, bóng láng như vụ sử dụng trước đó. Ông Hà Văn Phong cho biết: "Hiện nay, người dân chúng tôi rất mù mờ, không biết những bao trái đó có gây ảnh hưởng sức khoẻ của người dân hay không. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nếu thực sự có tác hại thì tôi sẽ ngưng sử dụng, còn nếu có hữu ích thì tôi sẽ tiếp tục nhân rộng". Còn theo ông Trần Văn Trung suy đoán, loại bao trái trên có nguồn gốc không rõ ràng, chỉ ghi "Made in Taiwan" và vài tiếng Trung Quốc, nếu được ngành chức năng kiểm chứng, thông tin thì nhà vườn rất mừng.

Ông Đỗ Thanh Toàn, cán bộ nông nghiệp xã An Hữu cũng khẳng định, thời gian qua, người dân trong xã có sử dụng các loại bao trái có xuất xứ nước ngoài nhưng họ rất nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Người dân mua trái xoài vàng về nhà chỉ để chưng chứ không dám ăn. Còn các thương lái thì chỉ mua với số lượng ít làm hàng mẫu để đi giới thiệu thôi. Theo ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL, vài năm trở lại đây, trên thị trường đã xuất hiện một số loại bao trái có xuất xứ trong nước, người dân sử dụng loại này để làm hạn chế tối đa dịch hại tấn công trái. Riêng một số loại bao trái có xuất xứ ở nước ngoài thì mới xuất hiện và có nhiều mẫu mã khác nhau. Người mua cần phải xem nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của các sản phẩm và mua ở nơi đáng tin cậy.

Ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam), cho biết: "Thời gian qua, chỉ có một số loại bao trái xuất xứ từ Đài Loan được kiểm tra chất lượng tốt với mục đích cuối cùng là làm cho trái bóng láng, không bị sâu bệnh tấn công và bớt công chăm sóc. Những loại bao trái này có giá cao gấp nhiều lần so với bao trái của Việt Nam sản xuất. Thế nhưng, hiện nay có rất nhiều loại bao trái được bán tràn lan trên thị trường có xuất xứ từ nước ngoài, chất lượng vẫn chưa thể khẳng định được, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng".

Bài, ảnh: MINH NGỌC

Chia sẻ bài viết