14/07/2019 - 17:20

Nghiên cứu, gia tăng giá trị dữ liệu dân số và nhà ở 

Tháng 6-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (gọi tắt là Tổng điều tra 2019). Với chủ đề “Để không ai bị bỏ lại phía sau”, Tổng điều tra 2019 tiến hành từ lúc 0 giờ ngày 1-4 đến ngày 25-4-2019 đã diễn ra theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn và thành công tốt đẹp. Kết quả của Tổng điều tra là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước giai đoạn tới.

Tiết kiệm và hiệu quả

Được thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Tổng điều tra 2019 là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn. Đặc biệt là công đoạn thu thập thông tin tại địa bàn với hình thức thu thập thông tin chủ yếu điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động, chiếm 99,9% các hộ dân cư. Qua đó, đã góp phần nâng cao vị thế của thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê thế giới. Sau hơn 2 tháng triển khai thu thập thông tin tại địa bàn, đến nay công tác xử lý và làm sạch số liệu đã hoàn thành, sớm hơn so với cuộc Tổng điều tra 2009 khoảng 1 năm. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cuộc Tổng điều tra 2019 đã thành công như mong đợi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn giúp hình thành cơ sở dữ liệu ngay trong thời gian thu thập thông tin. Qua đó, rút ngắn thời gian công bố dữ liệu, thông tin công bố sớm có giá trị càng cao.

Năm 2019, dân số cả nước tăng thêm 10,4 triệu người so năm 2009. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là cuộc Tổng điều tra có quy mô lớn nhất nhưng thời gian thực hiện ngắn nhất và tiết kiệm kinh phí, nguồn lực thực hiện nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp về công nghệ thông tin trong tác nghiệp. Không phải in phiếu điều tra, không phải nhập số liệu hoặc quét số liệu nên tiết kiệm được kinh phí in ấn, vận chuyển, chương trình phần mềm chuyển đổi dữ liệu từ phiếu giấy sang dạng số hóa và các chi phí liên quan khác… Mặt khác, huy động sử dụng thiết bị của điều tra viên thống kê, đã tiết kiệm được ngân sách nhà nước trong đầu tư thiết bị.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, chia sẻ: “Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc hỗ trợ kỹ thuật và một phần tài chính trong cuộc Tổng điều tra 2019. Đồng hành cùng quá trình thu thập dữ liệu tại địa bàn, chúng tôi nhận thấy thực hiện rất hiệu quả, nhanh chóng và chính xác. Chúc mừng cuộc Tổng điều tra hoàn thành tốt đẹp”.

Tỷ lệ tăng dân số được kiểm soát

Theo Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương, kết quả thống kê sơ bộ Tổng điều tra 2019 cho thấy, trải qua 10 năm (2009-2019), quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước, tỷ lệ tăng dân số được kiểm soát. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động đến phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Mục tiêu “quy mô dân số đến năm 2020 không vượt quá 98 triệu người” như đã nêu trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là có thể đạt được.

Một số kết quả sơ bộ Tổng điều tra 2019 như sau: Vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019 tổng dân số Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó có 47.881.061 nam, chiếm 49,8% dân số. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Sau 10 năm, quy mô dân số tăng thêm 10,4 triệu người, tỷ lệ tăng dân số bình quân 1,14%/năm. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực với 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so năm 2009. Dân số khu vực thành thị năm 2019 chiếm 34,4%, ở khu vực nông thôn là 65,6%. Cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết, tăng 1,8 điểm phần trăm so năm 2009. Cả nước có 26.870.079 hộ dân, tăng 4,4 triệu hộ so năm 2009, tỷ lệ tăng số hộ bình quân 1,8%/năm. Bình quân mỗi hộ dân cư có 3,5 người, tại khu vực thành thị trung bình có 3,3 người/hộ, thấp hơn khu vực nông thôn 0,3 người/hộ. 91,3% hộ dân cư Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so năm 2009; còn 4.800 hộ không có nhà ở…

Riêng TP Cần Thơ có quy mô dân số là 1.235.171 người, với 359.375 hộ; 69,6% dân số ở thành thị, mật độ dân số 858 người/km2…

Trình độ dân trí trong 10 năm qua đã phần nào được cải thiện. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh. Ngoài ra, những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường bình đẳng giới cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Cùng với đó, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Đa phần các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Kết quả thể hiện ở số liệu của Tổng điều tra 2019 cho thấy nỗ lực và hiệu quả của nhiều chính sách trong thời gian qua đã được thực hiện tốt. Thành quả này có được là nhờ những chủ trương, đường lối chính sách và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ trong nhiều năm qua; nhờ sự tin tưởng và những nỗ lực không ngừng của mỗi người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, với kết quả của Tổng điều tra, Việt Nam cần nhiều nỗ lực và giải pháp hơn nữa trong tiến trình đô thị hóa để phấn đấu đạt được mục tiêu “tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45% vào năm 2030” theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới. Hiện, vẫn còn một bộ phận không nhỏ hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố, đơn sơ hoặc nhà ở có diện tích bình quân dưới 6m2/người. Đây là những đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở dân cư trong thời gian tới.

Gia tăng giá trị thông tin

Với chủ đề “Để không ai bị bỏ lại phía sau”, Tổng điều tra 2019 đưa ra bức tranh đầy đủ về dân số và hiện trạng nhà ở. Đây là cơ sở để phổ quát những chính sách phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Tới đây, Bộ Công an sẽ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng điều tra 2019 là kho dữ liệu quan trọng, là nền tảng để Bộ thực hiện hiệu quả cơ sở dữ liệu này.

Ngay từ năm 2018, Trung ương và các địa phương đã chuẩn bị các khâu phục vụ cho Tổng điều tra 2019, như: xây dựng sơ đồ nền; tuyển chọn lực lượng tham gia; tập huấn nghiệp vụ… và ra quân đồng loạt Tổng điều tra, tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.500 tỉ đồng. Có thể nói, cả nước huy động nguồn lực và nhân lực lớn để hoàn thành thắng lợi Tổng điều tra lần này. Khai thác và sử dụng hiệu quả các thông tin từ Tổng điều tra 2019, tại Hội nghị công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra 2019 vừa diễn ra,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương tổng hợp, biên soạn các báo cáo chính thức, đặc biệt đầu tư trí tuệ, tư duy khoa học vào các báo cáo chuyên sâu đạt chất lượng cao nhất, để các con số thống kê “biết nói”. Các bộ, ngành, viện trường đầu tư nghiên cứu kết quả điều tra, tạo giá trị gia tăng các số liệu cao nhất không chỉ Trung ương mà ở từng ngành, từng địa phương. Số liệu từ Tổng điều tra 2019 sẽ giúp các cơ quan, chuyên gia có dữ liệu để phân tích xu hướng dân số để có đối sách, chính sách kịp thời để tận dụng thời kỳ dân số “vàng”, giúp dân số Việt Nam không rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” và tránh bẫy thu nhập trung bình, quan tâm tới người yếu thế, những người có thu nhập thấp. Các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt chú ý để tập trung chính sách giảm nghèo, làm giàu cho người dân để không ai bị bỏ lại phía sau…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết