|
Tổng thống Syrie al-Assad (trái) đón người đồng cấp Nga Medvedev. Ảnh: AFP
|
Hôm qua 11-5, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã kết thúc chuyến thăm Syrie 2 ngày và đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Nga đến Damas. Chuyến công du Syrie của người đứng đầu Điện Kremlin diễn ra trong bối cảnh quốc gia khu vực Trung Đông này tiếp tục bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao với cáo buộc Damas hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố, theo đuổi chương trình tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngoài ra, Syrie cũng vừa bị một số quan chức Israel đe dọa tấn công quân sự.
Do đó, sự có mặt của ông Medvedev tại Damas là cơ hội thuận lợi để Nga tái lập mối quan hệ đồng minh với Syrie như đã có hồi thời Chiến tranh lạnh. Tình cảm của Damas dành cho Mát-xcơ-va đã không còn nồng ấm sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ, nhất là khi Nga tuyên bố ngưng đối đầu với Mỹ trên phạm vi toàn cầu và quyết định khôi phục quan hệ với Israel. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền năm 2000, Tổng thống Bashar al-Assad đã chủ động xích lại gần Nga nhằm tìm kiếm sự ủng hộ chính trị của nước này, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang trên đà trỗi dậy mạnh mẽ dưới triều đại Vladimir Putin. Chuyến thăm Nga đầu tiên của ông al-Assad năm 2005 là cột mốc quan trọng giúp Syrie có được “người bạn cũ” từng hỗ trợ mình đào tạo nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng và trang bị vũ khí phòng thủ. Và Tổng thống Putin khi đó đã tuyên bố xóa 73% khoản nợ 9,8 tỉ USD từ thời Liên Xô cho Syrie, đồng thời cam kết bán các loại vũ khí tiên tiến trong bối cảnh nước này bị Mỹ uy hiếp trong cuộc chiến tại Iraq. Cũng kể từ đó, công ty Stroitransgaz của Nga bắt đầu tham gia xây dựng đường ống dẫn khí đốt của các quốc gia A-rập đi từ Ai Cập qua Jordanie, Syrie, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ. Stroitransgaz hiện đang xây dựng hai nhà máy sản xuất khí đốt tại Syrie. Kim ngạch thương mại giữa hai nước cũng tăng nhanh chóng, đạt 1 tỉ USD năm 2009, gấp đôi so với năm 2005.
Người ta cho rằng chuyến đi Damas là dịp để ông Medvedev khẳng định lại cam kết bán hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại cho Syrie bất chấp sự phản đối của Mỹ và Israel, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Nga, đặc biệt là tập đoàn khí đốt Gazprom, tham gia vào thị trường Syrie và khu vực. Theo các nhà phân tích, sự hiện diện ngày càng lớn của Nga tại Syrie sẽ góp phần ổn định tình hình và làm cân bằng ảnh hưởng chính trị chiến lược tại Trung Đông trước các hành động lấn lướt thái quá của Mỹ và Israel trong những năm gần đây. Như lời ông Medvedev, bản thân Syrie là một trong những trung tâm chính trị của Trung Đông, nên sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Syrie sẽ thúc đẩy sự hợp tác chung với các nước khác trong khu vực vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Sau Syrie, Tổng thống Medvedev sang thăm Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong khối NATO của Mỹ nhưng đang xích mích với Israel và muốn thắt chặt quan hệ với Nga, Iran và Syrie. Cho nên, chuyến đi Syrie và Thổ Nhĩ Kỳ của ông Medvedev được cho là sẽ tăng cường ảnh hưởng của Mát-xcơ-va tại khu vực Trung Đông.
KIẾN HÒA
(Theo RIA Novosti, THX)