18/05/2010 - 21:27

Năng động, sáng tạo trong tình hình mới

Những cuộc cạnh tranh trên thương trường bao giờ cũng gay gắt. Để đứng vững và lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua những sóng gió thương trường luôn đòi hỏi cần phải có một lãnh đạo giỏi, suất sắc; đội ngũ công nhân năng động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả, hiệu suất làm việc ...

VƯỢT QUA SÓNG CẢ

Chính thức hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần từ năm 2004, Cantcimex dần đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, trong sản xuất xi măng, giá cả đầu vào tăng liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. TGĐ Thái Minh Thuyết cho biết: “Lạm phát tăng cao, rồi đến suy thoái kinh tế thế giới... giờ nhớ lại, không thể hình dung nổi những khó khăn đối với các doanh nghiệp để duy trì sản xuất kinh doanh. Khoảng giữa năm 2008, giá nguyên liệu sản xuất xi măng đột ngột tăng mạnh nhưng đầu ra liên tục giảm. Hầu hết các công trình lớn, nhỏ đều tạm ngưng xây dựng hoặc chỉ xây dựng cầm chừng, nhu cầu xi măng trong dân dụng cũng giảm mạnh... Lúc bấy giờ, Cantcimex thực sự rơi vào khủng hoảng về doanh thu cũng như lợi nhuận. Chỉ còn một con đường để đảm bảo hoạt động sản xuất là Công ty phải nhập nguyên liệu với giá thành cao”. Trước khó khăn đó, các thành viên trong Ban Giám đốc của Cantcimex đã đề ra nhiều chính sách, giải pháp để vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống cho công nhân lao động. Bên cạnh các giải pháp trong kinh doanh, các giải pháp nội lực đã được chú ý đến. TGĐ Thái Minh Thuyết chia sẻ: Xuất phát từ yêu cầu của đơn vị, đặc biệt là hưởng ứng cuộc vận động vừa nêu, Cantcimex phát động phong trào tại đơn vị như: phong trào tiết kiệm trong quá trình sản xuất, quản lý; đề ra chính sách khen thưởng, trả lương... Dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng sang năm 2009, Cantcimex vẫn phải đối mặt tình trạng nguồn nguyên liệu cũ tồn đọng. Tuy nhiên, cũng trong năm này nhờ gói kích cầu của Chính phủ, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty được vực dậy. Kết thúc, năm 2009, doanh thu thuần của Cantcimex đạt gần 241 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 19 tỉ đồng, tăng 216% so với năm 2008. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2010, doanh thu thuần của Cantcimex đạt trên 76 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 31,8% kế hoạch năm 2010, thu nhập bình quân của người lao động lên 4 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, tốc độ phát triển ngành xi măng được đánh giá là tăng mạnh hơn so với tốc độ phát triển của nhu cầu xây dựng. Không những thế, ngành xi măng còn phải đối mặt trực tiếp với xi măng nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Ngoài những thách thức trên, TGĐ Thái Minh Thuyết cho biết: Khi gia nhập WTO, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt và khốc liệt. Ngoài việc đảm bảo chất lượng, giá cả cũng phải cạnh tranh Cantcimex mới tồn tại được trên thị trường. Nhận thức được điều này, Công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 và hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6260-1997 vào quá trình sản xuất và quản lý nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và quản lý, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, nhờ có chính sách tốt cho các khách hàng, đặc biệt là các đại lý và nhà phân phối nên Công ty không những được giữ vững mà còn không ngừng mở rộng thị trường với hơn 100 đại lý và nhà phân phối lớn, nhỏ tại miền Tây Nam bộ, TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ...

NĂNG ĐỘNG SÁNG TẠO

Trước năm 2006, Trung tâm Viễn thông Cái Răng có 5 trạm viễn thông trực thuộc với đội ngũ nhân viên từ 3-5 người/trạm. Giám đốc Trung tâm Viễn thông quận Cái Răng Võ Thanh Đức, cho biết: Mô hình quản lý này vừa cồng kềnh, vừa khó có một sự phối hợp một cách trôi chảy trong việc thực hiện các công việc chung. Thế là, ngay sau khi được chuyển công tác từ làm Viễn thông Cần Thơ - Hậu Giang về Trung tâm Viễn thông quận Cái Răng, anh Đức đề xuất ngay việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy hoạt động phù hợp hơn với mô hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Theo đó, 5 trạm viễn thông được sáp nhập chỉ còn 2 trạm viễn thông và một số bộ phận quản lý được chia về cho các trạm quản lý trực tiếp. Việc sắp xếp này, theo anh Đức, giảm bớt được các đầu mối quản lý nên đơn vị tiết kiệm được thời gian, giảm bớt các cuộc họp không cần thiết thay vào đó là các cuộc họp được chuẩn bị nội dung một cách kỹ càng, khoa học, có trọng điểm. Đặc biệt, cũng từ việc tổ chức sắp xếp lại lao động một cách phù hợp đã tiết kiệm sức lao động, nâng cao năng suất lao động; giúp lãnh đạo Trung tâm quản lý chặt chẽ hơn giờ và ngày công lao động; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong quá trình làm việc. Ban Giám đốc Trung tâm có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và đề ra các chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới.

Anh Đức nhớ lại: Lúc bấy giờ cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phải giảm bớt nhiều trưởng trạm không đáp ứng được yêu cầu, gây tâm lý bất mãn trong một số bộ phận cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, qua nhiều lần công khai động viên, phân tích khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của từng cán bộ, nhân viên, anh Đức đã tạo nên được một khối đoàn kết, thống nhất trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc của đơn vị. Cũng trong khoảng thời gian này, vừa ổn định về mặt tư tưởng, nhân sự, anh Đức cũng vừa động viên cán bộ, nhân viên không ngừng nâng cao trình độ, đặc biệt là chuyên môn nghiệp vụ. Bởi như anh nói: Ngành viễn thông ngày nay phát triển với tốc độ như vũ bão và thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để không bị đào thải, không có con đường nào khác bằng việc vừa giỏi chuyên môn, vừa hiểu và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Chính vì lẽ đó, anh luôn tạo nên được ý thức phấn đấu, thi đua trong mỗi cán bộ, nhân viên của Trung tâm trong việc quán xuyến địa bàn, nắm bắt, giải quyết các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng...

Hơn 25 năm gắn bó với nghề, từ một công nhân được đơn vị đưa đi đào tạo kỹ thuật chuyên môn và giờ trở thành cán bộ lãnh đạo của một bộ phận quan trọng của Viễn thông Cần Thơ - Hậu Giang, bản thân anh Đức đã không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu. Hiện nay, ngoài công tác chuyên môn, anh Đức còn là Phó Chủ tịch Công đoàn Viễn thông Cần Thơ - Hậu Giang. Với cương vị này, anh tâm sự: “Cái may mắn là tôi làm việc ở cơ sở nên dễ dàng nắm bắt và hiểu được tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân viên ở cơ sở. Vì lẽ đó, tôi càng quyết tâm hơn nữa trong việc nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị thiết thực nâng cao hiệu quả, hiệu suất góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị”.

NGƯỜI THỢ TRẺ GIỎI

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, từ nhỏ Ngô Nguyễn Quang Minh, Tổ trưởng Tổ Vi tính Viễn thông, Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ thuộc Công ty Nhiệt điện Cần Thơ đã đam mê với những “mạng nhện” dây điện, những bo mạch điện tử... trong các thiết bị điện tử sử dụng trong gia đình. Quyết chí đeo đuổi theo nghề đam mê, Minh thi vào Trường Đại học Cần Thơ ngành Điện tử và tốt nghiệp vào năm 2003. Tháng 3 - 2004, Minh chính thức là nhân viên Tổ Vi tính Viễn thông, Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ. Chưa đầy 4 năm công tác, Minh được đề bạt làm Tổ trưởng khi tuổi đời chưa tròn 30. Minh cho biết: “Lĩnh vực mình làm đòi hỏi vừa phải có kiến thức chuyên môn, vừa phải có kinh nghiệm và tay nghề cao. Chính vì thế, ngay từ khi nhận nhiệm vụ mới, mình gặp không ít khó khăn, thử thách trong điều phối công việc giữa các thành viên trong tổ cũng như giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan. Nhưng bao giờ mình cũng nghĩ, tất cả chỉ vì công việc chung, làm thế nào đảm bảo công việc của anh em, của đơn vị một cách hiệu quả nhất thì tiến hành làm. Có lẽ như thế nên mình rất được anh em trong tổ, trong Công ty rất ủng hộ”.

Minh kể, khi anh mới vào làm, mỗi lần hệ thống máy tính (5 máy) ở tổ máy ra tua-bin bị trục trặc, hư hỏng, cả tổ phải mất ít nhất là 2 ngày để tìm hiểu, sửa chữa. Theo đó, nhiều công việc khác cũng bị ách tắc, đình trệ. Thế là ý tưởng “chẩn đoán chính xác bệnh” của hệ thống máy tính bắt đầu hình thành trong đầu Minh. Năm 2007, ý tưởng này của anh chính thức được đưa vào sử dụng và việc tìm đúng “bệnh” và sửa chữa của các máy tính trong quá trình vận hành chỉ còn khoảng 1 giờ. Ngoài sáng kiến vừa nêu, Minh còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác nhằm nâng cao tính an toàn, nâng cao khả năng sử dụng cách tổ máy, nhanh chóng sửa chữa thiết bị khi có sự cố... được Hội đồng sáng kiến của Công ty công nhận, khen tặng vì làm lợi cho công ty hàng chục triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, Ngô Nguyễn Quang Minh đang mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu để sáng chế phần mềm ghi nhật ký, vẽ biểu đồ thông số nhiệt độ, áp suất... tại các tổ sản xuất.

Kỹ sư Nguyễn Thành Trung, Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa điện, Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ, cho biết: Đơn vị đang quản lý, vận hành Nhà máy nhiệt điện Ô Môn thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn. Phần lớn các tổ máy sản xuất đều áp dụng các thiết bị công nghệ cao đòi hỏi công nhân, kỹ sư phải có trình độ chuyên môn cao. Đối với Ngô Nguyễn Quang Minh, không chỉ đáp ứng yêu cầu cao trong công việc hằng ngày mà còn là tấm gương trong cần cù, nghiên cứu nhiều sáng kiến kỹ thuật hay...

NAM HƯƠNG - HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết