18/01/2015 - 16:09

Đảng bộ xã Thới Hưng

NĂNG ĐỘNG LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) đạt hơn 35 triệu đồng; 31,9% hộ đạt mức thu nhập mỗi nhân khẩu từ 60 triệu đồng đến trên 120 triệu đồng… Đây là một trong những kết quả nổi bật của Đảng bộ xã Thới Hưng trong lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015.

Đến xã Thới Hưng, đi dọc hai bên các bờ kinh dẫn về các ấp, chúng tôi nghe lòng dào dạt niềm vui trước những cánh đồng lúa và những ruộng rau màu xanh rì trải dài tít tắp; những vườn cây ăn trái trĩu quả và những ngôi nhà khang trang, bên trong với nhiều tiện nghi sinh hoạt sang trọng. Tất cả đã gợi lên trong mắt chúng tôi về một vùng quê trù phú, bình yên.

Đồng chí Bùi Hữu Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, khẳng định: “So với đầu nhiệm kỳ 2010-2015, đến nay kinh tế của xã có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân đã khá giả hơn... Đạt được kết quả này là nhờ Đảng bộ đã đề ra nghị quyết sát đúng; nhân dân trong xã hưởng ứng nhiệt tình các chủ trương của Đảng bộ và cần cù, năng động trong cung cách làm ăn”. Đồng chí Bùi Hữu Phương hướng dẫn tôi ghé thăm gia đình anh Lê Văn Đây, một nông dân sản xuất giỏi ở ấp 6 đúng lúc gia đình anh đang thu hoạch ổi để bán cho thương lái. Đứng trên bờ ổi bao bọc quanh 3 ha ruộng lúa, anh Đây vui vẻ nói: “3 ha đất này trước đây làm lúa, trừ chi phí mỗi năm lời khoảng 100 triệu đồng. Mấy năm qua, được xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn trái, nuôi cá trên ruộng và nuôi gia cầm, vợ chồng tôi đã vay vốn đầu tư lên bờ bao xung quanh ruộng để trồng ổi, mãng cầu và dừa, kết hợp với nuôi cá trên ruộng và nuôi vịt lấy trứng. Từ mô hình làm ăn này, hai năm nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi còn lời hơn 300 triệu đồng. Nhờ vậy đã có tiền mua sắm tiện nghi sinh hoạt, xây dựng nhà cửa cho con cái”.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Thới Hưng thăm mô hình trồng ổi của anh Lê Văn Đây, nông dân ấp 6. 

Chia tay gia đình anh Đây, chúng tôi ghé thăm mô hình nuôi bò của gia đình anh Mai Ngọc Sướng ở ấp 3. Trước đây, nhà anh Sướng thuộc diện khó khăn, được Nhà nước xây tặng nhà theo Chương trình 135 của Chính phủ. 4 năm nay, nhờ phát triển mô hình nuôi bò, gia đình anh đã vươn lên khá giả. Anh Sướng phấn khởi nói: “Năm 2011, được Hội Nông dân xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho tôi vay 20 triệu đồng. Thêm vào đó, được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò do xã tổ chức, tôi bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt. Lúc đầu ít vốn, tôi chỉ mua được 2 con, dần dần bò lớn tôi bán và để mua thêm bò con để nuôi. Năm 2014, từ việc bán bò tôi thu lời hơn 400 triệu đồng”.

Nói về việc lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ xã, đồng chí Bùi Văn Kiệt, Bí thư Đảng ủy, cho biết: Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, tại Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã xác định phát triển kinh tế nông nghiệp của xã theo hướng RRVAC (ruộng - rẫy - vườn - ao - chuồng) và chọn khâu đột phá là đẩy mạnh vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ giá trị mỗi ha đất sản xuất đạt 80 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng. Để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trên cơ sở đó, gần 5 năm qua, các tổ chức đoàn thể xã đã tín chấp cho hơn 1.700 đoàn viên, hội viên vay hơn 27,9 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội; hàng chục lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 5.000 lượt người dân. Nhờ vậy, nhân dân trong xã đã mạnh dạn xây dựng được nhiều mô hình làm ăn mới. Đồng chí Bùi Văn Kiệt cho biết: “Đến nay, toàn xã đã xây dựng được hơn 2.200 ha mô hình lúa - cá - cây ăn trái, đạt giá trị 140 triệu đồng/ ha/năm và hơn 2.300 ha mô hình lúa - màu - cây ăn trái, đạt giá trị 145 triệu đồng/ha/năm (tăng hơn đầu nhiệm kỳ 1.140 ha). Hàng chục hộ đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt, nuôi heo, nuôi lươn, nuôi ếch… mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Theo thống kê của Hội Nông dân xã, năm 2014, xã có 2.296 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó có 1.530 hộ đạt cấp cơ sở với mức thu nhập mỗi nhân khẩu từ 30-60 triệu đồng; có 720 hộ đạt cấp huyện với mức thu nhập mỗi nhân khẩu từ trên 60-90 triệu đồng; có 40 hộ đạt cấp thành phố với mức thu nhập mỗi nhân khẩu đạt từ trên 90-120 triệu đồng và có 6 hộ đạt cấp Trung ương với mức thu nhập mỗi nhân khẩu từ 120 triệu đồng trở lên.

Nhờ tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay xã Thới Hưng có mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng (tính theo mức thu nhập thực tế của người dân), vượt 13 triệu đồng và giá trị sản xuất/ha đất đạt 130 triệu đồng, vượt 50 triệu đồng so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra.

Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Thới Hưng quan tâm lãnh đạo công tác giảm nghèo cho nhân dân. Đồng chí Bùi Văn Kiệt cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người dân. Gần 5 năm qua, xã đã mở 11 lớp đào tạo nghề cho 330 lao động, giới thiệu việc làm cho 2.653 lượt lao động. Song song đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động đóng góp, tiến hành khảo sát và bình xét để xây nhà cho các đối tượng. Kết quả, xã đã xây dựng được 112 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà tình thương tặng các đối tượng. Ông Nguyễn Văn Ai, người dân ở ấp 7, phấn khởi nói: “Vợ chồng tôi già yếu không còn sức lao động phải sống nhờ con cái. Trước đây, căn nhà tôi bị xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa. Năm rồi, được xã hỗ trợ 35 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết nên vợ chồng tôi đã được sống trong căn nhà kín mưa, kín gió”. Nhờ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay xã chỉ còn 3,2% hộ nghèo, giảm 9,49% so với đầu nhiệm kỳ.

Đến xã Thới Hưng hôm nay, chúng tôi bon xe trên những cung đường trải nhựa, bê tông thông thoáng, sạch đẹp. Đồng chí Bùi Văn Kiệt, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, người dân trong xã đã nhiệt tình đóng góp cùng nhà nước xây dựng và nâng cấp các công trình giao thông”. Đồng chí Bùi Văn Kiệt cho biết thêm, tất cả các công trình giao thông khi tiến hành nâng cấp, mở rộng, Đảng ủy xã chỉ đạo phải thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát. Nhờ đó, gần 5 năm qua, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 1,4 tỉ đồng, hiến hàng chục ngàn m2 đất cùng Nhà nước đổ 3 km đường nhựa và 3,6 km đường bê tông rộng 4 mét, bắc 15 cây cầu bê tông, sửa chữa 301 km đường đá bụi. Điển hình như tuyến đường A1, tuyến đường A10, tuyến đường số 7…

Có thể thấy, với sự năng động trong lãnh đạo và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả của Đảng bộ, 5 năm qua kinh tế xã Thới Hưng đã có bước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân. Đây là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ xã đề ra nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế địa phương trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết