01/02/2017 - 15:52

Nâng chuỗi giá trị thực phẩm

Mới đây, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy Sản (VASEP) tổ chức Hội thảo quốc tế "Cuộc hồi phục của nước mắm truyền thống - Nâng giá trị gạo Việt và đường đến thị trường". Các chuyên gia cho rằng để có sản phẩm nước mắm và gạo ngon, chất lượng cao cần hướng đến sản xuất theo quy trình sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hóa chất trong sản xuất…

Nước mắm phải an toàn…

 Doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống tham gia giới thiệu sản phẩm đến khách hàng TP Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Trần Thị Dung, "chuyên gia nước mắm", cho rằng: "Nước mắm được đưa vào chế biến thức ăn để tạo ra món ăn của Việt Nam và tạo yếu tố khác biệt của món ăn Việt so với thế giới"… Trên thị trường đang có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống tiêu biểu như: nước mắm Thanh Hà, Khải Hoàn, Hồng Hạnh, Quốc Hải, Phúc Hưng, Quốc Hương, Thanh Quốc, Phú Hà, Kim Hoa, 584 Nha Trang, Phan Thiết, Kim Ngư, Thuận Hưng, Nam Phan, Hoàng Hiếu, nước mắm rươi Long Vinh, nước mắm cá linh Hồng Ngự… Theo các chuyên gia, thị trường nước mắm Việt Nam đang được định giá vào khoảng 501 triệu USD, với hơn 70.000 tấn nước mắm được sản xuất trong năm 2015, mỗi năm có hơn 300 triệu lít nước mắm được tiêu thụ (khoảng 75% là nước mắm công nghiệp và còn là nước mắm truyền thống). Sản xuất theo lối truyền thống được ưa thích về vị giác, hợp với thói quen lâu đời và văn hóa bản xứ. Song, sản lượng thấp, giá nhỉnh hơn, nước mắm truyền thống đang thu hẹp về thị phần.

Tại TP Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống (trực thuộc VASEP) cũng vừa mới ra mắt. Câu lạc bộ ra đời trên cơ sở liên kết cùng phát triển giữa các Hiệp hội nước mắm truyền thống gồm: Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống, cho biết: "Câu lạc bộ hình thành để có cơ sở tiến tới thành lập hiệp hội nước mắm truyền thống cả nước. Hoạt động Câu lạc bộ hướng đến sản xuất nước mắm không chỉ ngon, truyền thống, độc đáo trên thị trường mà còn an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hóa chất, sản phẩm nước mắm truyền thống Việt Nam có tiếng vang trên thế giới. Câu lạc bộ cùng nhau thảo luận và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho nước mắm truyền thống với người tiêu dùng. Thời gian tới sẽ kiến nghị Nhà nước có quy chuẩn cho nước mắm, để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh"…

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cần an toàn và minh bạch trong sản xuất thực phẩm. Trong đó trách nhiệm phải cả 3 phía là: Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm phải thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm theo thực phẩm; kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm; thông tin trung thực về an toàn thực phẩm… Đồng thời phải áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gạo ngon - không tồn dư phân, thuốc hóa học

Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến đến sản xuất gạo theo hướng sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày càng khó tính. Các doanh nghiệp đang sản xuất gạo sạch tiêu biểu như: Tập đoàn Lộc Trời, công ty Trung An, Gentraco, ngoài ra có một số thương hiệu gạo sạch có tiếng của các doanh nghiệp khác như: gạo Cỏ May, gạo Hoa Sữa, gạo Tâm Việt, gạo Ban Mai, gạo Thiên Xuân, gạo ITA Rice, gạo ST,… Giáo sư- Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng: Hiện có những doanh nghiệp sản xuất gạo ngon, nhưng sản phẩm gạo Việt Nam không ngon bằng gạo một số nước, giá gạo xuất khẩu Việt Nam bán cũng thấp hơn và chưa tới 300 USD/tấn, trong khi giá gạo Thái Lan 700 USD đến hơn 1.000 USD/tấn. Lúa gạo Việt Nam hoàn toàn khác lúa gạo Thái Lan và Campuchia. Các nước này là gạo lúa mùa 1 năm chỉ làm 1 vụ (lúa dài ngày), trồng trong điều kiện tự nhiên, ít sâu bệnh, sử dụng phân hữu cơ và hạn chế sử dụng thuốc, năng suất cao nhất 3,5 tấn/ha. Trong khi lúa nước ta làm nhiều vụ trong năm, sử dụng nhiều phân hóa học (nhất là phân đạm) và thuốc bảo vệ thực vật nên chắc chắn gạo không ngon bằng.

Theo Giáo sư- Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Việt Nam không nên chạy theo Thái Lan và Campuchia để sản xuất lúa thơm và cần tập trung sản xuất các giống lúa hơi thơm. Đồng thời, sản xuất lúa gạo của nước ta cần hướng đến cung cấp cho các thị trường châu Phi, Trung Đông, Hồng Công, Singapore, Malaysia, Nam Mỹ, Trung Quốc… để cho cơ hội xuất khẩu lớn hơn. Đất sản xuất nông nghiệp giảm, độ bạc màu tăng do bón phân quá nhiều nên hướng tới cũng cần sử dụng nhiều phân hữu cơ cung cấp các chất vi lượng cho cây lúa phát triển, có được gạo ngon xuất khẩu. 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết