17/04/2014 - 20:21

TIỀN GIANG

Nâng chất sản phẩm du lịch

 

Tỉnh Tiền Giang đang tập trung kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch, sắp xếp tour tuyến du lịch hợp lý, hấp dẫn kết hợp khai thác các tuyến du lịch mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đồng thời khắc phục các mặt hạn chế, thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển bền vững... 

Để tiếp tục nâng chất sản phẩm du lịch ở địa phương, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao-Du lịch tỉnh Tiền Giang, cho biết:

-Tiền Giang có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nét đặc trưng văn hóa riêng và đã được địa phương khai thác tích cực trong thời gian qua để phát triển ngành du lịch, góp phần phát triển đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thực hiện Quy hoạch Phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển và tạo nét riêng cho tỉnh nhà. Bên cạnh khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, lịch sử - văn hóa phục vụ khách du lịch, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế tăng cường đầu tư các dịch vụ du lịch đi kèm, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa du lịch, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như: cầu, đường, hệ thống cấp điện, nước,… Nhờ vậy, các khu, điểm du lịch ngày trên địa bàn tỉnh càng phát triển đa dạng, phù hợp với từng giai đoạn cũng như nhu cầu của du khách. Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 41 doanh nghiệp lữ hành; 643 phương tiện vận chuyển du lịch đường thủy; 210 cơ sở lưu trú gồm khách sạn, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); cùng với nhiều điểm du lịch nhà vườn, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách ngày càng tăng, nhất là khách quốc tế. Năm 2013, tỉnh Tiền Giang đón được trên 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 567.700 lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh địa phương. Vì vậy, Tiền Giang còn nỗ lực nhiều hơn nữa và phải có lộ trình dài hơn trong việc khai thác phát triển du lịch thời gian tới…

* Năm 2014, tỉnh Tiền Giang sẽ đầu tư 430 tỉ đồng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Với nguồn kinh phí này, tỉnh sẽ đầu tư vào những lĩnh vực nào, thưa ông?

- Theo kế hoạch, năm 2014 Tiền Giang sẽ đầu tư khoảng 430 tỉ đồng để thực hiện các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khoảng 95% vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp và nhân dân, còn lại 5% Nhà nước hỗ trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Nguồn vốn đầu tư này chủ yếu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mang nét đặc trưng của du lịch Tiền Giang. Theo đó, tỉnh tăng cường đầu tư, mở rộng các khu, điểm du lịch, như: Khu Du lịch biển Tân Thành, Khu Du lịch cù lao Thới Sơn; các điểm du lịch ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước,…; xây dựng, nâng cấp các cơ sở lưu trú, nhất là xây dựng các khách sạn đạt chuẩn từ 3 – 4 sao ở trung tâm TP Mỹ Tho. Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển các phương tiện vận chuyển khách du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa gắn phát triển du lịch… Việc đầu tư này nhằm mục tiêu đến năm 2020 du lịch Tiền Giang cơ bản trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, có tính chuyên nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm và có chất lượng cao. Du lịch góp phần tăng trưởng khu vực thương mại - dịch vụ và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, phát triển du lịch còn nhằm cải thiện đời sống nhân dân. Bởi những năm qua, ngành du lịch đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, giúp nông dân tận dụng thời gian nông nhàn, tham gia vào các hoạt động du lịch, nâng cao thu nhập cho bà con.

* Thực tế hiện nay, các sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL na ná nhau. Vậy ngành du lịch tỉnh Tiền Giang tạo sự khác biệt cho các sản phẩm du lịch như thế nào để thu hút du khách, thưa ông?

- Do điều kiện tự nhiên các địa phương trong vùng ĐBSCL có những nét tương đồng nhau nên những năm gần đây các sản phẩm du lịch cũng khá trùng lắp nhau, như: du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn mang nét đặc trưng vùng Nam bộ. Do vậy, định hướng phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 là ưu tiên phát triển, xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế.

 Nhiều điểm du lịch tại Tiền Giang sẽ được nâng chất cải tiến trong năm 2014 (Ảnh:  Khu Du lịch Thới Sơn).

Tỉnh sẽ tập trung khai thác phát triển du lịch ở 2 khu vực chính: Trung tâm TP Mỹ Tho và huyện Cái Bè. Trung tâm TP Mỹ Tho dựa vào lợi thế cảnh quan sông nước, miệt vườn trên cù lao Thới Sơn (cù lao có diện tích 1.212 ha nằm giữa dòng sông Mekong, đặc trưng văn hóa sông nước Nam bộ). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt xác định Thới Sơn là 1 trong 4 khu du lịch quốc gia của vùng ĐBSCL. Thới Sơn sẽ phát triển các dịch vụ du lịch đa dạng như: du thuyền trên sông Tiền, đi đò chèo trong kênh - rạch nhỏ, thưởng thức đờn ca tài tử, tham gia tát mương bắt cá, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực địa phương,.… gắn với tham quan trại rắn Đồng Tâm (điểm du lịch chỉ có duy nhất ở miền Nam), di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, di tích Ấp Bắc, chùa Vĩnh Tràng. Khu vực huyện Cái Bè dựa vào tiềm năng nổi trội về điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương (vườn cây ăn trái đặc sản, chợ nổi trên sông, làng nghề, nhà cổ Nam bộ) sẽ khai thác các dịch vụ như: du thuyền trên sông, tham quan chợ nổi, vườn cây ăn trái đặc sản, làng nghề truyền thống; đặc biệt là trải nghiệm trong các ngôi nhà cổ (homestay) ở làng cổ Đông Hòa Hiệp để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt truyền thống mang bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam bộ (dịch vụ homestay - chỉ phục vụ trong các ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm). Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch ở khu du lịch biển Gò Công và vùng sinh thái rừng ngập nước Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Tiền Giang, gắn với Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác nhằm phát triển sản phẩm mới (du lịch sinh thái – tâm linh) để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch...

Dự kiến đến năm 2015 Tiền Giang sẽ đón 1,45 triệu lượt khách, trong đó có 660.000 lượt khách quốc tế. Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách, Tiền Giang chủ yếu tập trung đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có, triển khai xây dựng phát triển có hệ thống các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm mang nét đặc trưng của Tiền Giang trong mối liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện thuận lợi tiếp tục triển khai các dự án đầu tư lớn trong giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo hướng đến năm 2030 sẽ đầu tư hoàn thiện các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nét đặc trưng riêng, nổi bật của du lịch sinh thái sông nước Tiền Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

* Xin cảm ơn ông!

TÙNG THƯ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết