14/01/2010 - 08:34

Mỹ nỗ lực xoa dịu châu Á

 

Ngoại trưởng Hillary Clinton (trái) gặp người đồng cấp Nhật Katsuya Okada tại Hawaii hôm 12-1. Ảnh: AFP

Ngày 12-1, khởi đầu chuyến công du 10 ngày tới 3 nước Australia, New Zealand và Papua New Guinea, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có bài phát biểu tại trung tâm Đông – Tây ở đảo Hawaii, trong đó cam kết hành động nhiều hơn nữa để tăng cường quan hệ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mục đích của bà Clinton là nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác quan trọng ở khu vực này, nhưng trọng tâm chương trình nghị sự được dư luận quan tâm là phương thức giải quyết mối quan hệ đang gặp rắc rối giữa Mỹ với Nhật Bản và Trung Quốc, dù Trung Quốc không nằm trong danh sách các nước được Ngoại trưởng Mỹ viếng thăm lần này.

Tại Hawaii, Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Katsuya Okada, nhằm “tháo ngòi nổ” tranh cãi về việc tái bố trí căn cứ quân sự Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa. Năm 2006, Nhật và Mỹ đã nhất trí chuyển căn cứ này tới khu vực khác thưa dân hơn trên đảo Okinawa. Tuy nhiên, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Yukio Hatoyama đã từ chối thực hiện thỏa thuận trên. Ông Hatoyama đã vận động đưa căn cứ Futenma khỏi Okinawa hoặc thậm chí khỏi lãnh thổ Nhật. Ngoại trưởng Okada cho biết chính quyền Nhật sẽ đề xuất một địa điểm mới vào tháng 5 tới, sau khi thương lượng với các đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền, vốn phản đối căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật.

Tuần tới, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ, và nhân sự kiện này, cả hai bên đều tìm cách “hạ nhiệt” căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh những mặt tích cực trong quan hệ hai nước. Ngoại trưởng Clinton cho biết Washington sẽ không cho phép cuộc tranh cãi ảnh hưởng tới nền tảng liên minh Mỹ – Nhật. Bà Clinton nói Mỹ tôn trọng quyết định gần đây của Nhật và chờ tới tháng 5 khi Nhật đưa ra quyết định về số phận căn cứ Futenma. Mỹ xem Futenma là căn cứ chiến lược trọng yếu không chỉ bảo vệ nước Nhật, mà còn củng cố các lực lượng đồng minh trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo Thời báo New York (Mỹ), các cuộc đàm phán giữa hai Ngoại trưởng Clinton và Okada không đạt được bất kỳ đột phá nào và hai bên vẫn còn khoảng cách khá xa. Phát biểu trong cuộc họp báo chung hôm 12-1, bà Clinton đã 3 lần nhắc lại rằng Washington sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ nào về vấn đề căn cứ Futenma.

Cũng trong cuộc họp báo trên, Ngoại trưởng Clinton đã tránh đưa ra bình luận về thông báo của Trung Quốc hôm 11-1 rằng nước này đã phóng thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên từ mặt đất. Các nhà phân tích cho rằng động thái của Bắc Kinh là nhằm thể hiện sự tức giận đối với quyết định của Washington bán vũ khí cho Đài Loan. Trung Quốc không nằm trong danh sách viếng thăm lần này, nhưng luôn “có mặt” trong chương trình nghị sự của Washington. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ thời gian gần đây cũng diễn biến phức tạp với những bất đồng về thương mại, vấn đề hạt nhân của Iran, chính sách chống biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, bà Clinton có động thái xoa dịu Bắc Kinh khi cho rằng mối quan hệ giữa hai nước đủ “chín” để có thể xử lý những khác biệt về quan điểm. Theo Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc là cường quốc đang lên trong thế kỷ 21, nhưng người ta muốn thấy Mỹ can dự đầy đủ ở châu Á như “một lực lượng vì hòa bình”.

N. MINH (Theo NYT, Reuters, AP)

Ngoại trưởng Hillary Clinton (trái) gặp người đồng cấp Nhật Katsuya Okada tại Hawaii hôm 12-1. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết