06/02/2021 - 08:45

Mưu sinh mùa Tết 

Gần Tết là cao điểm của những công việc thời vụ: chùi lư; sơn bóng tủ, bàn ghế; may, sửa quần áo; vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa...  Tất bật làm việc ngày đêm nhưng bù lại, người lao động có thêm khoản thu nhập đang kể để gia đình vui Xuân, đón Tết đầm ấm hơn.

Thợ làm nghề chùi lư đồng tất bật vào những ngày cuối năm.

Nhiều năm nay, mỗi độ xuân về, những người khắc chữ thư pháp trên dưa hấu trở nên bận rộn. Công việc này không phải ai cũng làm được, đòi hỏi người thợ phải cần mẫn, tỉ mỉ và khéo tay. Anh Nguyễn Văn Hoài, ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Hằng năm, cứ vào khoảng 23-29 tháng chạp, khi có nhiều người bày bán dưa hấu chưng Tết là tôi có mặt tại chợ Ô Môn để khắc chữ. Mỗi cặp dưa khắc tùy theo trái lớn, nhỏ, hoa văn nhiều hay ít mà có giá từ 80.000-100.000 đồng/cặp và thu nhập của tôi cũng không dưới 1 triệu đồng/ngày”. Ðôi tay nhanh thoăn thoắt, tỉ mỉ khắc từng đường nét sắc sảo, chưa đầy nửa giờ đồng hồ, anh Hoài đã hoàn chỉnh tác phẩm, khiến mọi người trầm trồ, khen ngợi.

Những ngày này, anh Trần Văn Hải, làm nghề chùi lư, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, cũng làm việc không ngơi tay. Lư đồng là một trong những vật thờ cúng quen thuộc trên bàn thờ gia tiên của nhiều gia đình ở Nam Bộ. Dịp Tết, nhà nào có bộ lư thờ đều đem đi đánh bóng, để nơi thờ tự thêm phần trang trọng. Anh Hải cho biết: “Hằng năm, sau ngày 23 tháng chạp, đưa ông Táo xong là công việc của tôi vào cao điểm. Trung bình mỗi ngày, tôi chùi được 8-10 bộ, kiếm được khoảng 1 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình tôi xoay xở, mua sắm Tết”.

Dịp Tết, nghề may mặc cũng “hái” ra tiền dù những năm gần đây quần áo may sẵn đang chiếm ưu thế trên thị trường với kiểu dáng đa dạng, phong phú, giá cả phù hợp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quen chọn vải, thuê thợ cắt may để có được những bộ trang phục vừa ý. Cận Tết Nguyên đán, nhiều tiệm may làm không hết việc. Anh Nguyễn Văn Ðức, ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, kể: “Ngày thường, mỗi ngày, tiệm của tôi nhận may khoảng 2-3 bộ quần áo nam, nữ. Còn những ngày cận Tết, số lượng tăng lên gấp 2-3 lần. Ðơn hàng nhiều, phải giao trang phục đúng hẹn nên ngay từ đầu tháng chạp, tiệm tôi không còn nhận vải may mà tập trung vào công đoạn may thành phẩm để kịp giao cho khách”.

Dịch vụ dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa cũng đắt khách. Chị Nguyễn Thị Thu, ở phường Châu Văn Liêm, cho biết: “Ngày thường, tôi chỉ làm công việc rửa ly, chén cho các quán nước, quán ăn. Từ 20 đến 30 tháng chạp, tôi nhận thêm việc dọn dẹp nhà theo yêu cầu. Dịp cuối năm, nhiều người thuê tôi dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ gia tiên. Tùy theo mức độ công việc, tôi tính giá khoảng 400.000 đồng/ngày hoặc 30.000 đồng/giờ. Trong công việc, tôi tận tâm, tỉ mỉ, cẩn thận để giữ việc cho những mùa Tết sau”.

Mưu sinh những công việc thời vụ dịp Tết dù vất vả hơn ngày thường nhiều lần nhưng bù lại là khoản thu nhập kha khá để Tết thêm rộn rã, đầm ấm.l    

Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG

Chia sẻ bài viết