07/07/2013 - 21:51

Mô hình nuôi bồ câu hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Cần giới thiệu cặp bồ câu bố mẹ.

Bồ câu có nhiều loại, mỗi loại đều có ưu điểm và giá trị thương phẩm khác nhau, nhưng hiện nay đa phần người nuôi bán công nghiệp thường chọn bồ câu Pháp để lấy thịt và sản xuất con giống. Ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Cần, ở ấp Long Thạnh, xã Đông Hiệp, huyện Thới Lai, đã bước đầu thành công với mô hình nuôi bồ câu này.

Sau một vài lần tham quan các trại nuôi bồ câu Pháp, ông Nguyễn Văn Cần nhận thấy đây là một mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Thế là ông đã chuyển nghề nuôi vịt sang nuôi bồ câu. Sau một thời gian tìm tòi học hỏi từ bạn bè, sách vở và theo dõi báo, đài về kỹ thuật nuôi chim bồ câu, tháng 6 năm 2012 ông Cần đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua sắm các thiết bị và bắt về 230 cặp bồ câu bố mẹ với giá 350.000đồng/cặp để thả nuôi trong chuồng.    

Là nông dân, từng trải qua nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi nên ông Cần đã rút ra được một bài học quý báu. Theo ông, nuôi bồ câu cũng như nuôi các loại gia cầm khác, điều quan trọng nhất là con giống, vệ sinh chuồng trại, cách phòng dịch và thức ăn. Thực hiện tốt các điều kiện cơ bản đó coi như thành công một nửa. Để bảo đảm an toàn, ông thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại và mời cán bộ thú y địa phương về tư vấn và phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn bồ câu.

Nhiều người nuôi chim bồ câu cũng nhận định như ông: Chim bồ câu dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, sinh sản nhanh và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả kinh tế cao người nuôi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường và theo dõi sự phát triển của đàn chim từ lúc đẻ, ấp trứng cho đến lúc trưởng thành. Muốn vậy, chuồng trại phải bố trí nơi cao ráo, thoáng mát, yên tĩnh và đủ ánh sáng mặt trời, bảo đảm tránh mưa và không có gió lùa. Nếu nuôi với quy mô vài ba trăm con trở lên, chuồng có thể chia ra làm 2 loại: chuồng cá thể và chuồng quần thể. Chuồng cá thể dùng nhốt chim sinh sản từ 6 tháng tuổi trở lên. Cứ mỗi đôi chim một ô. Chuồng quần thể dành cho chim hậu bị từ 2 – 6 tháng tuổi, mật độ thả khoảng 4 con/m2. Còn chuồng nuôi chim thịt, nuôi vỗ béo có thể thả khoảng 40 con/m2. Mỗi ô chuồng dành cho chim bố mẹ đều đặt 1 ô đẻ lót bằng rơm khô (ổ cho bồ câu đẻ). Ô đẻ thường làm bằng gỗ, tre, nhựa. Ngoài ra còn phải có máng ăn, máng uống, lúc nào cũng sạch sẽ và thay rửa thường xuyên, tránh bị phân và lông chim làm ô uế.

Bồ câu Pháp thường đẻ 2 trứng, ấp 18 – 20 ngày sẽ nở con. Đặc biệt bồ câu trống cũng biết ấp trứng và nuôi con như chim mái. Bồ câu con sau 15 ngày tuổi có thể bán chim ra ràng, sau 20 ngày tuổi chuyển sang chuồng quần thể tiếp tục vỗ béo bán chim thịt. Bồ câu nuôi bán công nghiệp có thể đẻ trứng, nuôi con 5 năm, nhưng kể từ năm thứ ba chất lượng sẽ giảm dần. Do đó trong chuồng lúc nào cũng phải có chim hậu bị để bổ sung cho đàn bố mẹ.

Về thức ăn, có thể cho bồ câu ăn bắp, lúa, đậu xanh… nhưng hiện nay đa phần người nuôi bồ câu Pháp đều cho ăn thức ăn viên vừa tiện lợi vừa bảo đảm chế độ dinh dưỡng để bồ câu tăng trưởng nhanh, đẻ nhiều và nuôi con tốt. Ông Cần cho bồ câu ăn thức ăn viên kết hợp với lúa, mỗi ngày thay thức ăn 2 – 3 lần. Nước uống cũng phải thường xuyên thay mới, bảo đảm vệ sinh.

Sau một năm gầy dựng, đàn bồ câu Pháp của ông Nguyễn Văn Cần đã tăng lên 400 cặp bố mẹ và một số lượng chim ra ràng đáng kể. Với cách chăm sóc của ông, mỗi con thịt trưởng thành có thể nặng từ 500 – 700 gr. Hiện ông bán chim thịt với giá 150.000đồng/cặp; chim ra ràng 90.000đồng/cặp và chim bố mẹ 350.000đồng/cặp. Nhờ vậy mà mỗi tháng ông thu lời trên 5 triệu đồng. Sắp tới, tiền lời sẽ tăng lên nhiều lần khi đàn bồ câu đông hơn.

Theo kinh nghiệm dân gian, thịt bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao. Chính vì vậy mà giá thịt bồ câu bao giờ cũng cao hơn thịt gà, vịt gấp 3, 4 lần.  

Bài, ảnh: THÀNH HIỆP

 

Chia sẻ bài viết