16/07/2013 - 21:13

Tận dụng cơ hội từ TPP

Mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Việt

Vừa qua, tại khách sạn New World- TP HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC), CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và AmCham Việt Nam tổ chức diễn đàn đối thoại: Tận dụng TPP để phát triển thị trường cho doanh nghiệp (DN) Việt. Các chuyên gia cho rằng, DN Việt có thể dựa vào TPP để mở rộng thị trường, nhưng DN phải đổi mới để thích ứng, tận dụng các cơ hội.

Làn sóng mới

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP: Trans-Pacific Parrtnership) là hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước hai bờ Thái Bình Dương, gồm: Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ đến nay đã trải qua 17 vòng đàm phán (chính thức khởi động đàm phán từ tháng 12-2009). Ngày 13-11-2010, Việt Nam tuyên bố tham gia vào TPP với tư cách thành viên đầy đủ, trước đó Việt Nam tham gia, nhưng chỉ với vai trò là thành viên liên kết duy nhất. Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, lợi thế và thuế quan rất quan trọng đối với hàng hóa Việt. Việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ các nước đến từ TPP có thể kỳ vọng tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, hàng hóa và dịch vụ giá rẻ, chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng; nguồn nguyên liệu chất lượng, phương thức quản lý hiện đại, công nghệ cao cho DN Việt; đồng thời tăng nguồn thu, việc làm cho quốc gia...

 Ngành may mặc sẽ chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong TPP. Trong ảnh: Công ty CP May Tây Đô. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Tại diễn đàn đối thoại do Hội DN HVNCLC, LBC và AmCham Việt Nam (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam) các chuyên gia quốc tế cho rằng, không tận dụng được cơ hội TPP, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi trong tương lai. Bởi sẽ có sự chuyển hướng tiêu dùng với thị phần 67 tỉ USD này, người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm từ các quốc gia TPP nhiều hơn so với quốc gia nằm ngoài TPP. Ông Fred Burke, đại diện AmCham, cho rằng: "TPP như một cơn thủy triều. Khi nước lên thì tất cả đều được nâng lên dù đó là thuyền nan hay chiến hạm". Khi Nhật Bản tham gia, thị trường TPP tăng từ 30% lên hơn 40% tổng thương mại toàn cầu; vốn FDI tăng theo dòng chảy TPP… Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tới các nước TPP chủ yếu là sản phẩm may mặc, giày dép, gỗ, thủy sản, gạo… Trong đó, ngành dệt may sẽ gặp khó khi Việt Nam tham gia TPP vì nguyên liệu ngành này chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam nên nhập khẩu nguyên liệu từ quốc gia thành viên của TPP. Đồng thời đầu tư quy trình sản xuất vải sợi trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN ở thị trường nội địa.

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) luôn yêu cầu mức độ cam kết mở cửa sâu rộng hơn. Theo đó, các bên tham gia FTA sẽ tiến hành lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan nhằm tiến tới hình thành khu vực mậu dịch tự do. Ông Fred Burke cho rằng: "TPP là một tiến triển chiến lược, tạo một khối thương mại có thực chất". Cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, tiếp nối những gì mà WTO mang lại, TPP có thể tạo ra làn sóng cải cách về thể chế và hành chính mới, hiệu quả hơn cho Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh khi hàng rào thuế quan được cắt giảm theo lộ trình cam kết. Nếu DN không tự thân vận động để thay đổi và ứng xử khéo léo trong nền kinh tế cạnh tranh cao này, DN sẽ tụt hậu.

Cơ hội đan xen thách thức

Nhìn từ góc độ ngành nông nghiệp trong TPP, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP HCM cho rằng, mặt hàng nông sản sẽ chịu nhiều rủi ro, tổn thương nhất vẫn là nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm. Nông sản là vấn đề rất khó đàm phán, vì trong khuôn khổ đàm phán các FTA từ trước đến nay, trong WTO… nông sản luôn là lĩnh vực được các nước bảo hộ mạnh mẽ. Các quốc gia trong TPP đều có xu hướng đàm phán hạn chế, giữ bảo hộ nông sản nội địa. Do vậy, dù thuế suất 0% thì nông sản Việt Nam cũng khó thâm nhập mạnh vào các quốc gia thuộc TPP. Sản xuất nội địa cũng gặp bất lợi, bởi thuế nhập khẩu 0% trong khi nền sản xuất nông nghiệp nội địa phát triển chưa bền vững, nông sản nội địa sẽ chịu sức ép lớn từ sản phẩm của các quốc gia có thế mạnh trong TPP. Chỉ có DN mạnh và tự thích nghi với môi trường cạnh tranh mới tồn tại. TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển, trong khi WTO vẫn có chính sách ưu tiên cho các quốc gia đang phát triển. Rõ ràng điều này là thách thức lớn đối với DN Việt. Tham gia TPP đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường dịch vụ- mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa của Việt Nam còn hạn chế và dè dặt trong các FTA trước đây. Các nhà cung cấp có tiềm lực, ưu thế về kinh nghiệm, tài chính… sẽ "đổ bộ" vào Việt Nam, DN Việt có nguy cơ thua trên sân nhà.

Các nhà phân tích cho rằng, riêng lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, để đưa ra những đề xuất thích hợp bảo vệ ngành nông nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh đến từ các nước TPP, cần có đánh giá đầy đủ về tương quan năng lực cạnh tranh giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên TPP, đặt trong bối cảnh mở cửa thương mại hiện có của Việt Nam với các nước này. Hiện Việt Nam đã tham gia thỏa thuận Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) với 3 nước Brunei, Malaysia và Singapore, trong khuôn khổ AFTA, thuế quan của Việt Nam đối với tất cả các mặt hàng nông sản nhập từ các nước này đã ở mức 0-5%. Như vậy sẽ không có trở ngại lớn khi mở cửa thị trường nông sản đối với 3 quốc gia này theo lộ trình TPP. Đối với Úc và New Zealand, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường theo lộ trình nhất định (tùy thuộc từng dòng thuế) cho nông sản đến từ các quốc gia này trong khuôn khổ FTA giữa ASEAN- Úc, New Zealand (AANZFTA- ASEAN). Với AANZFTA- ASEAN đã ký, nông sản nước ta hầu như không có lợi thế, thách thức lại tăng. Thị trường Mỹ, nước ta chưa có thỏa thuận thương mại tự do nào với Mỹ, mức độ cam kết mở cửa thị trường nông sản đang dừng lại ở các cam kết WTO. Về triển vọng xuất khẩu, TPP có thể mang lại cho nông sản nhiệt đới, nhưng Mỹ áp dụng hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ rất cao sẽ làm hạn chế khả năng xâm nhập của nông sản nhiệt đới vào thị trường này. Nếu mở cửa thị trường nông sản, DN Việt sẽ đối mặt cuộc cạnh tranh không cân sức với các sản phẩm thế mạnh từ Mỹ (sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo)…

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực vượt qua khó khăn của thị trường trong nước lẫn nước ngoài, việc tham gia vào một Hiệp định có mức độ tự do hóa cao và khả năng tiếp cận dễ dàng hơn vào các thị trường quan trọng sẽ mang nhiều lợi ích thiết thực cho DN. Mặc dù có nhiều bất lợi, nhưng Việt Nam sẽ có một số lợi ích từ việc giảm thuế nhập khẩu từ các nước thành viên TPP, người tiêu dùng và các ngành sử dụng nguyên liệu nhập khẩu được hưởng lợi do nguyên liệu đầu vào giá rẻ, chất lượng cao. Ông Mark Gillin, Chủ tịch AmCham Việt Nam khẳng định TPP sẽ là sự đổi mới lần II của Việt Nam để tăng thêm nguồn lực và mở ra cơ hội cho DN Việt. "Các nhà máy vốn FDI chiếm 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp FDI đã có nguồn cung, thể thức những quy trình tích lũy nhiều năm và họ đang di dời từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam tìm hiểu và tận dụng được mối quan hệ này để phát triển"-  ông Mark Gillin nói.

Song Nguyễn

Chia sẻ bài viết