09/06/2012 - 06:06

Lưu ý khi chọn mua ôtô cũ

Ô tô cũ rất đa dạng, tuy nhiên để chọn xe ưng ý không phải dễ (ảnh có tính chất minh họa).
Ảnh: THÀNH TÂM

Thị trường ô tô cũ ngày càng đa dạng, tuy nhiên rất nhiều người vì ham giá rẻ, hoặc không cẩn thận khi mua xe sẽ dễ gặp phải những chiếc xe có bề ngoài bắt mắt, nhưng thường xuyên trục trặc lúc vận hành. Để chọn được cho mình chiếc xe ưng ý, ngoài những tiêu chuẩn bắt buộc của ngành đăng kiểm, người mua xe cần chú ý tới những dấu hiệu dễ nhận biết xe có khuyết điểm hay không, để thương lượng giá cả hoặc quyết định không mua...

Những quy định chung

Theo Quyết định số 35/2005/QĐ-BGTVT ngày 21-7-2005 của Bộ Giao thông Vận tải, ban hành kèm theo “Quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu vào Việt Nam”: Xe cơ giới đã qua sử dụng phải ở trạng thái hoạt động bình thường và bảo đảm đầy đủ công dụng, chức năng, có hình dáng, kết cấu phù hợp với tài liệu kỹ thuật đã đăng ký tại cơ quan kiểm tra chất lượng (Cục Đăng kiểm Việt Nam), trừ trường hợp ô tô tải không có thùng chở hàng. Thân vỏ, buồng lái, thùng hàng không nứt vỡ, không biến dạng, không thủng rách. Cửa lên xuống đóng, mở nhẹ nhàng, không tự mở khi xe đang chạy. Khung xe không cong vênh, nứt gãy. Ghế người lái và ghế hành khách bố trí đúng với tài liệu kỹ thuật, lắp ghép chắc chắn. Kính chắn gió, kính cửa sổ phải là loại kính an toàn. Gương chiếu hậu phải đủ số lượng, đúng chủng loại, được định vị chắc chắn. Lốp xe đúng với tài liệu kỹ thuật, đủ số lượng và không phồng rộp, nứt vỡ. Hệ thống phanh có đầy đủ các bộ phận, các chi tiết theo tài liệu kỹ thuật của kiểu loại xe đó. Các đường ống dẫn dầu, dẫn khí của phanh không nứt vỡ, mòn, bẹp, rò rỉ. Hệ thống lái có đầy đủ các cụm, các chi tiết theo tài liệu kỹ thuật của loại xe đó và hoạt động bình thường, ổn định. Vô lăng lái đúng kiểu loại, không nứt vỡ. Trục lái đúng kiểu loại, lắp ghép đúng và không có độ dơ dọc, độ rõ hướng kính. Độ rõ góc của vô lăng lái không lớn hơn 25o đối với ô tô tải có trọng tải trên 1.500 kg; không lớn hơn 20o đối với ô tô khách trên 12 chỗ. Còi điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, gạt mưa phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định...

Chú ý từng chi tiết nhỏ

Trước tiên là dấu hiệu gỉ sét. Mặc dầu đã có nhiều phát kiến mới về kỹ thuật, các nhà sản xuất xe hơi hiện chưa hoàn toàn khắc phục được hiện tượng hoen gỉ mà cho đến nay vẫn còn là một trong những kẻ thù lớn nhất của chiếc xe. Những dấu hiệu này ai cũng có thể khám phá được, chỉ cần một chút tỉ mỉ quan sát. Chi tiết này chỉ ảnh hưởng ngoại hình, nhưng gỉ sét là những khuyết điểm khá tốn kém khi sửa chữa và gần như không bao giờ có thể phục hồi được nguyên trạng.

Nên xem xe cũ từ dưới gầm xe. Dùng đèn bấm săm soi tấm kim loại tạo thành sàn xe và đường viền chạy quanh khung xe. Cố ý tìm sự hiện diện của những nốt hoen rỉ. Nếu thấy một phần nào đó sáng hơn hoặc nước sơn sáng hơn các phần còn lại của chiếc xe, thì đó là dấu hiệu dàn đồng đã được sửa chữa. Nhớ lại xem chủ nhân chiếc xe có tiết lộ về một tai nạn nào đã xảy ra cho chiếc xe không. Vẫn từ dưới gầm xe, nhìn vào các hốc đựng bánh xe để tìm dấu gỉ sét. Tìm các vết dầu nhớt rỉ xuống loang ra trên sàn nhà hoặc trên sân. Kiểm tra ống bô và hệ thống thoát khí xem có chỗ nào mục rỉ hay không.

Bốn cái bánh xe là nơi tiết lộ khá nhiều chi tiết về cách thức chủ nhân lái xe và săn sóc chiếc xe ra sao. Vỏ lốp mòn đều hay không? Vỏ phải mòn đều ở 2 bên, nếu không, có nghĩa là chiếc xe có thể đã bị tai nạn hoặc dàn bánh không cân. Đi vòng quanh xe để quan sát. Đặc biệt để ý truy tìm chỗ gỉ sét, chỗ móp trầy. Mở nắp máy, nắp thùng, các cánh cửa, cửa sổ xem mở ra đóng vào có khít không. Điều cần thiết là chúng phải che kín mọi khe hở và nằm trên một mặt bằng. Nếu mui xe có thể trương lên hoặc cuốn lại được, cần phải thử cửa sổ và cửa ra vào trong cả 2 tư thế lúc trương mui lên và lúc cuốn mui lại.

Kiểm tra thùng xe (nếu là xe minivan, wagon pickup hoặc SUV). Lật thảm lên để tìm chỗ rỉ mục. Bánh sơ cua có tốt, đủ hơi hay không? Mở nắp thùng có dễ không? Nắp thùng hay cửa đuôi sau khi mở ra có trụ lại vững vàng không, hay đổ sập xuống?...

Trên đây là những kinh nghiệm để người mua xe cũ tham khảo khi chọn mua xe. Đương nhiên, đã là xe cũ sẽ rất khó tránh khỏi những khiếm khuyết nêu trên, nhất là những chiếc xe quá “già”. Tuy nhiên, chỉ có điều những khuyết điểm đó có được người mua chấp nhận hay không hoặc có thể đảm bảo sử dụng được trong khoảng thời gian mà người mua đã tính đến hoặc mục đích sử dụng ra sao.

THÀNH TÂM (tổng hợp)

Ô tô cũ rất đa dạng, tuy nhiên để chọn xe ưng ý không phải dễ (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: THÀNH TÂM

Chia sẻ bài viết