05/01/2025 - 17:29

Lợi, hại sau khi Ukraine ngắt nguồn cung khí đốt từ Nga 

Việc Ukraine khóa van đường ống trung chuyển khí đốt của Nga cho Trung Âu ngay ngày đầu năm mới đang dấy lên nhiều tranh cãi, với một bên coi đây là “chiến thắng” trước Mát-xcơ-va trong khi số khác mô tả động thái này là “hành vi phá hoại”.

Đường ống khí đốt từ Nga qua Ukraine ngưng hoạt động từ đầu năm 2025. Ảnh: EPA

Ngày 1-1, Ukraine khóa đường ống trung chuyển khí đốt tự nhiên cuối cùng từ Nga sang châu Âu sau khi Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận với Mát-xcơ-va. Ðiều này đồng nghĩa chấm dứt nguồn cung khí đốt vốn duy trì trong gần 6 thập kỷ của Nga qua ngả Ukraine cho châu Âu.

Trong bài đăng trên mạng xã hội Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đây sẽ là một trong những “thất bại lớn” của Mát-xcơ-va cho đến nay. Ông tin nguồn cung khí đốt của Mỹ và những đối tác khác sẽ điều chỉnh giá năng lượng trên thị trường theo hướng có lợi hơn. Chính phủ Ba Lan cũng gọi việc “khóa van” này là thắng lợi quan trọng khi cắt thêm một nguồn tài chính có thể tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ðông Âu.

Theo thông báo của Ủy ban châu Âu, các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đều có thể ứng phó diễn biến mới khi sớm chuẩn bị giải pháp mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ, cùng với nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống từ Na Uy.

Mặc dù khí đốt từ Nga chiếm chưa đến 10% nhu cầu nhập khẩu của EU trong năm 2023 (giảm mạnh so với hơn 40% hồi năm 2021), song một số thành viên phía Ðông của khối vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu này. Ðơn cử như Slovakia, bên mua khí đốt chính của Nga. Trong thông điệp video đăng trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Robert Fico khẳng định nước này không có nguy cơ thiếu khí đốt vì đã chuẩn bị giải pháp thay thế. Song, quyết định khóa van của Tổng thống Zelensky khiến Bratislava mất khoản 518 triệu USD doanh thu từ phí quá cảnh của các quốc gia khác; đồng thời phải trả thêm 184 triệu USD để tiếp nhận khí đốt qua tuyến đường thay thế.

Trong cảnh báo trả đũa, Thủ tướng Fico cho biết Chính phủ Slovakia yêu cầu Ukraine nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt hoặc bồi thường thiệt hại ước tính hàng trăm triệu USD. Hoặc Bratislava sẽ cân nhắc cắt hỗ trợ tài chính cho hơn 130.000 người tị nạn Ukraine, cũng như ngừng xuất khẩu điện sang nước láng giềng. Trước đó, ông Fico đã chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và tìm kiếm quan hệ nồng ấm hơn với Nga, dẫn tới cáo buộc của Tổng thống Zelensky rằng Bratislava mở “mặt trận thứ 2” về năng lượng để chống lại Kiev.

Ngoài Slovakia, việc ngừng tuyến vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine cũng gây lo ngại cho một số vùng lãnh thổ khác. Tại Transnistria, khu vực ly khai ở miền Ðông Moldova, người dân thức dậy mà không có hệ thống sưởi ấm cũng như nước nóng vào ngày đầu năm mới. Hiện điện vẫn còn, nhưng nhà máy chính của Transnistria tại Kurchugan thay vì khí đốt của Nga phải sử dụng than và số lượng chỉ đủ dùng trong 50 ngày.

Trên thực tế, có ý kiến cho rằng Ukraine vừa “tự bắn vào chân mình” khi khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào một số nước thành viên EU thông qua tuyến Southern TurkStream dưới đáy Biển Ðen. Ðây là tin tốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Ukraine sẽ mất hàng tỉ USD mỗi năm cho phí quá cảnh. Nhiều người còn nói Tổng thống Zelensky vừa trao công cụ tuyên truyền đặc biệt cho những tiếng nói thân Nga ở châu Âu, vì động thái của Kiev có thể bị hiểu là “không thân thiện” khi đẩy giá năng lượng lên cao đối với người dùng trong nước cũng như khách hàng công nghiệp.

MAI QUYÊN (Theo BBC, Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết