27/02/2013 - 09:18

Lộc biển đầu năm

Nguồn cá cơm năm nay không chỉ đến sớm hơn một tháng mà sản lượng khai thác cũng như kích cỡ cá cũng rất tốt. Nhưng đâu chỉ có nghề khai thác cá cơm, thông tin từ ngư trường "bay" về cho thấy gần như loại nghề đánh bắt nào cũng đang trúng mùa.

    Hoạt động thu mua cá cơm nhộn nhịp tại cảng cá Trần Đề. 

Không khí tại cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) mấy ngày nay trở nên nhộn nhịp hơn với gần chục tàu khai thác cá cơm đang lên hàng. Những kết cá cơm đầy ắp, tươi rói từ dưới khoang thuyền nhanh chóng được đội bốc xếp cảng đưa lên, để kịp đến nơi tiêu thụ. Tiếng máy xay nước đá, tiếng xe tải, xe ba gác máy, hòa cùng tiếng nói cười càng làm không khí cảng thêm nhộn nhịp. Ông Trần Văn Chiểu, Giám đốc cảng nhẫm tính: "Mới tới ngày 20-2 mà tàu cá cơm đã về đậu chật cả cảng. Như vậy, mùa cá cơm năm nay đến sớm hơn đến gần cả tháng so với năm ngoái".

Một thủy thủ tàu NT 09152-TS nói át cả tiếng máy xay nước đá: "Đây là chuyến thứ hai rồi. Chuyến trước được gần 1.000 giỏ. Chuyến này cũng không ít hơn bao nhiêu dù thời gian đánh bắt chỉ có 2 ngày". 1.000 giỏ, mỗi giỏ bình quân 18kg. Tính ra mỗi chuyến biển chỉ 2 ngày là ngư dân đã có sản lượng cá cơm đến 18 tấn. Ông Tư Đảnh (Nguyễn Mạnh Hùng), Giám đốc Công ty TNHH Nam Á, có chi nhánh thu mua, sơ chế trong khu vực cảng xác nhận: "Mấy ngày nay, có tàu đi chưa đầy 2 ngày đã vô cảng với sản lượng từ 600-1.000 giỏ cá cơm. Với sản lượng này, mỗi chuyến biển, ngư dân thu về từ 100-200 triệu đồng, vì giá cá cơm hiện nay lên đến 280.000đồng/giỏ". Nhìn sang các tàu lân cận như: tàu BTh 980168-TS, BT 95082-TS, NT 09875-TS…tàu nào cũng đã lên cả xe tải giỏ cá mà vẫn chưa hết hàng, mới thấy lộc biển đầu năm dồi dào đến chừng nào.

Theo ông Trần Văn Chiểu, mùa cá cơm thường kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 8 hàng năm, nhưng thời điểm trúng nhất tập trung từ tháng 1 đến tháng 3, sau đó ít dần trong 2 tháng tiếp theo và có sản lượng trở lại từ tháng 6 đến tháng 8. Vùng đánh bắt chủ yếu từ Côn Đảo trở vào. Với ngư trường trên, cùng với thời gian đánh bắt ngắn nên chi phí mỗi chuyến biển đánh cá cơm là rất thấp. Chỉ tính riêng trong 3 ngày (từ ngày 18 đến 20 – 2), số tàu vào cảng đã trên 30 chiếc với tổng sản lượng cá cơm lên đến gần 400 tấn. Điều không khỏi ngạc nhiên là hầu hết tàu đánh bắt cá cơm là tàu từ các tỉnh khác như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang… Ông Trần Văn Chiểu cho biết: "Từ trước đến giờ, các tàu trong tỉnh chưa biết làm nghề này. Đây cũng là điều bình thường, vì ngư dân mỗi tỉnh có một nghề khai thác truyền thống khác nhau. Đây đã là năm thứ ba liên tiếp, các tàu đánh bắt cá cơm ngoài tỉnh chọn cảng Trần Đề làm nơi lên hàng".

Không khí tại các cơ sở thu mua sơ chế cá cơm cũng nhộn nhịp không kém dưới cảng với hàng chục lao động tại mỗi cơ sở đang làm việc hết sức khẩn trương, để nguồn hàng được đảm bảo chất lượng. Tại chi nhánh của Công ty TNHH Nam Á, lượng cá cơm thu mua khá nhiều và tất cả được đưa vào bồn rửa, lò hấp và phơi khô. Ông Tư Đảnh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Á, cho biết: "Năm nay, mùa cá cơm đến sớm lại trúng mùa nên gần như các cơ sở thu mua, sơ chế đều đi vào hoạt động. Từ khi tuyến đường Nam sông Hậu được thông suốt, tàu đánh bắt cá cơm mới vào cảng Trần Đề và nghề sơ chế cá cơm mới phát triển tại đây vì dễ vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh khác". Cá cơm sau khi hấp chín, phơi khô sẽ được đưa vào máy lặt đầu và đóng gói để xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa. Ông Tư Đảnh cho biết thêm: "Ngoài thị trường xuất khẩu lớn là Malaysia, Trung Quốc… cá cơm sau sơ chế còn được các cơ sở chế biến thu mua, tẩm ướp gia vị làm thành phẩm tiêu thụ nội địa".

Do "đánh hơi" được ngư trường, nên từ 28 Tết Nguyên đán vừa qua, hầu hết các tàu về neo đậu tại khu tránh trú bão của cảng đã tập kết xăng dầu, nước đá, đợi đến ngày mùng 2 tết là vượt sóng ra khơi. Sự chuẩn bị sớm đó không thừa, khi ngay những chuyến biển đầu năm, tàu nào cũng nặng đầy lộc biển. Ông Trần Văn Chiểu cho biết: "Rút kinh nghiệm từ 2 năm trước, năm nay, cảng có sự chuẩn bị khá chu đáo vì thường sau Tết, lượng tàu bắt đầu ra khơi rất lớn. Mặt khác, một số tàu ăn Tết trên biển đến mùng 2 Tết đã về cảng để lên cá, nhất là tàu đánh bắt cá cơm. Nhờ chuẩn bị tốt, nên khi tàu về cảng nhanh chóng được bốc dỡ hàng, các dịch vụ hậu cần khác luôn được đảm bảo, kể cả việc hướng dẫn chủ tàu cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch".

Những thông tin gần đây từ ngư trường đưa về cho thấy, không chỉ có nghề khai thác cá cơm trúng mùa, mà hầu hết các nghề khác như: nghề cào, lưới đèn… cũng đạt sản lượng cá rất khá. Với ngư dân, thắng lợi ngay những chuyến biển đầu năm luôn được xem là "điềm báo" cho một năm khai thác thuận lợi.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết