08/12/2016 - 20:55

Lo ngại nạn chuột cắn phá cây trồng

Tình trạng chuột cắn phá gây thiệt hại cho các loại cây trồng đang có dấu hiệu gia tăng tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tại TP Cần Thơ, chuột không chỉ cắn phá lúa mà còn phá hoại nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái ...

Thất thu vì chuột

Thời gian qua, cùng với sản xuất lúa, nông dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều loại rau màu và cây ăn trái. Đặc biệt, nhiều vùng rau màu sản xuất tập trung quanh năm tại các địa phương đã giúp nông dân tăng thu nhập rất nhiều so với trồng lúa. Tuy nhiên, gần đây chuột đã tấn công và gây thiệt hại đáng kể cho nhiều diện tích trồng rau màu khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, ngụ xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ phải loại bỏ những trái dưa leo bị chuột cắn, trước khi đem dưa ra chợ bán. 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thúy, ngụ xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, khoảng 2 năm trở lại đây, chuột xuất hiện có xu hướng tăng, nhiều diện tích sản xuất rau màu của bà con nơi đây bị giảm năng suất, sản lượng đáng kể. Trong đó, nhiều loại rau màu mà chuột ưa cắn phá như: dưa leo, bắp… năng suất bị giảm từ 10-30%, thậm chí cao hơn nếu không có biện pháp bảo vệ cây trồng kịp thời trước sự cắn phá của loài chuột. Bà Thúy cho biết thêm: "Gia đình tôi trồng 3 công dưa lê. Không nghĩ chuột sẽ cắn phá nên chủ quan không phòng ngừa từ đầu. Đến lúc kiểm tra lại ruộng dưa thì chuột đã cắn phá ngay từ giai đoạn cây mới trổ bông kết trái, khiến gần 50% trái non bị hư hại không thể phát triển, vụ dưa thất thu là cái chắc". Anh Trần Hữu Phúc, ngụ ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cũng cho biết: "Chuột không chỉ cắn phá dưa leo, dưa lê, dưa hấu, các loại bắp, đậu… mà ngay cả trồng sen, rau nhút hay khổ qua có vị đắng cũng bị chúng cắn phá. Thời gian qua, nhiều diện tích trồng dưa hấu, dưa leo và trồng khổ qua của tôi cũng đã bị chuột cắn phá làm giảm năng suất khoảng 20-30%. Điều đáng nói là dùng thuốc để diệt chuột không thể diệt hết được do lũ chuột rất tinh ranh".

Cần các giải pháp hiệu quả

Vấn đề nan giải của nhà nông hiện nay là không thể diệt hết chuột bằng cách đặt bẫy, dùng thuốc hóa học thì ảnh hưởng đến môi trường nước,… nên nông dân tại nhiều nơi đang đau đầu tìm cách diệt chuột để bảo vệ cây trồng. Ông Trần Văn Hoàng, nông dân sản xuất rau màu ở khu vực Thạnh Hòa B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, cho biết: "Nhiều bà con ở Ô Môn đã phòng tránh chuột cắn phá ruộng bằng cách sử dụng màng cao su che chắn xung quanh ruộng lúa, nên tôi cũng áp dụng cách này cho rẫy rau màu của mình và thấy có hiệu quả. Tuy nhiên, cách làm này là giải pháp tình thế và cũng tốn chi phí tương đối khá cao nhưng không duy trì được lâu do sau một thời gian màng cao su bị hư. Tôi rất mong các cơ quan nhà nước cần có nghiên cứu để giúp nông dân ứng phó với chuột hiệu quả và lâu dài".

Nông dân tại quận Ô Môn sử dụng tấm cao su bao quanh rẫy rau màu để ngăn chuột vào cắn phá.

Thời gian qua, chuột đồng đã trở thành nguyên liệu chế biến nhiều món ăn "khoái khẩu" của nhiều người và giá thịt chuột luôn ở mức khá cao với khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg (chuột nguyên con). Điều này đã tạo động lực để người dân tại nhiều địa phương đẩy mạnh các hoạt động săn bắt chuột. Tuy nhiên, chuột xuất hiện cắn phá cây trồng tại nhiều địa phương lại có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân được cho do những năm gần đây mực nước lũ thấp tại ĐBSCL đã tạo điều kiện cho chuột sinh sôi phát triển. Đồng thời, đường giao thông phát triển gắn với các hệ thống đê bao thủy lợi; vòng quay sản xuất tăng cũng tạo thuận lợi cho chuột ẩn nấp và có nguồn thức ăn quanh năm để phát triển. Tại một số nơi, người dân cũng còn để diện tích đất hoang hoặc vườn tạp cũng là nơi trú ngụ lý tưởng cho loài chuột.

Rõ ràng, để chuột không bùng phát gây hại cây trồng, cần tăng cường khuyến cáo và hướng dẫn người dân diệt chuột bằng giải pháp thủ công, sinh học, an toàn cho con người và môi trường, hạn chế sử dụng thuốc hóa học và tuyệt đối không dùng điện để diệt chuột.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Nhằm bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ đông xuân 2016-2017, trong tháng 10-2016, Chi cục Bảo vệ Thực vật (Sở NN&PTNT TP Cần Thơ) đã tổ chức Lễ phát động ra quân phòng trừ chuột hại cây trồng trên toàn thành phố. Qua đó, đưa ra giải pháp giúp nông dân quản lý tốt và hạn chế tối đa thiệt hại do chuột gây hại trên nguyên tắc: chủ động, đồng loạt, đúng thời điểm, đúng phương pháp, liên tục và kết hợp nhiều biện pháp phòng trừ chuột đúng cách; loại trừ những biện pháp phòng trừ không đúng, nghiêm cấm (dùng điện, nhớt kết hợp với thuốc trừ sâu) gây nguy hiểm cho con người, làm giảm ô nhiễm môi trường). Dịp này, nông dân thành phố cũng được hỗ trợ chế phẩm sinh học Biorat với số lượng 5.680 kg và 5.680 bẫy chuột (dạng bẫy lồng và bẫy bán nguyệt) cho diện tích 2.840 ha…

Chia sẻ bài viết