04/06/2020 - 06:15

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ:

Linh hoạt tạo điều kiện để doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật tiên tiến 

Ứng dụng Khoa học và công nghệ (KH&CN) là nhu cầu bức thiết, là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa KH&CN vào sản xuất, kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều cản ngại. Chính vì vậy, TP Cần Thơ tiếp tục hoàn thiện các chương trình, chính sách hỗ trợ và vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho DN tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh và quảng bá thương hiệu. Trao đổi với Phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết:

Trong giai đoạn 2011-2018, TP Cần Thơ thực hiện nhiều đề tài/dự án cấp Nhà nước; trên 60 đề tài/dự án cấp Bộ từ các Viện trường. Ngoài ra, các tổ chức nghiên cứu KH&CN trên địa bàn thành phố cũng thực hiện hơn 130 đề tài/dự án hằng năm cho các tỉnh ĐBSCL.

Hoạt động nghiên cứu KH&CN thời gian qua đã phục vụ đắc lực trong phát triển lĩnh vực, ngành kinh tế của thành phố. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp- xây dựng chú trọng nghiên cứu phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp khai thác, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… Thành phố đã xây dựng hai Vườn ươm công nghệ là Trung tâm Phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc (KVIP) và Trung tâm Ươm tạo DN công nghệ (TBI). Các vườn ươm bước đầu hỗ trợ cho các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hoạt động KH&CN nghiên cứu lai tạo giống lúa mới (Cần Thơ 1 và Cần Thơ 2); ứng dụng kỹ thuật GIS trong quản lý cơ sở dữ liệu bảo vệ thực vật và dự tính dự báo khả năng phát triển và gây hại của một số loài sâu bệnh giúp nông dân tiết kiệm được chi phí do giảm dùng thuốc trừ sâu bệnh; ứng dụng kỹ thuật PCR để xác định tác nhân gây bệnh thủy sản...

* Vậy thành phố có những Chương trình, dự án cụ thể nào hỗ trợ DN ứng dụng KH&CN vào thực tế sản xuất, kinh doanh, thưa ông?

- Hiện tại, Sở KH&CN có 3 Chương trình, Dự án hỗ trợ đắc lực cho DN. Thứ nhất, Chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020. Đến nay, Chương trình đã tổ chức xét duyệt 12 dự án thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, chế biến sản phẩm gỗ, công nghệ thông tin, môi trường... với tổng kinh phí xét hỗ trợ là 4,2 tỉ đồng. Thứ hai, Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 85 đối tượng gồm: 72 nhãn hiệu thông thường, 9 nhãn hiệu tập thể, 2 sáng chế, 2 quyền tác giả với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 400 triệu đồng. Thứ ba, Dự án Năng suất chất lượng xét duyệt cho 25/26 DN được tham gia Dự án. Đến nay đã thực hiện giải ngân hỗ trợ cho 18 DN áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng với số tiền 1,27 tỉ đồng và 1 DN được hỗ trợ chứng nhận hợp quy với số tiền 14,7 triệu đồng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động xấu đến DN, Sở KH&CN tiếp tục phối hợp cùng với các sở ngành hữu quan tham mưu cho lãnh đạo thành phố hoàn thiện các chương trình, chính sách hỗ trợ tốt nhất để các DN sớm phục hồi sản xuất, nhanh chóng tiếp cận tốt nhất với thị trường. Đồng thời, tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản ánh từ DN, đặc biệt là các DN KH&CN. Nếu quá trình tái khởi động lại sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 gặp khó khăn, cản ngại, đích thân lãnh đạo sở sẽ đến DN để tìm hiểu và tìm ra giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Lãnh đạo Bộ KH&CN tham quan một gian hàng trưng bày tại sự kiện Chợ Công nghệ thiết bị và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL diễn ra tại TP Cần Thơ năm 2019.

* Hoạt động hỗ trợ DN ứng dụng KH&CN trong phát triển sản xuất,  kinh doanh thời gian qua có gặp khó khăn gì không?

- Hiện nay vấn đề đổi mới công nghệ của DN cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng còn mang tính tự phát, chưa đồng bộ và “chẳng thấm vào đâu” so với yêu cầu thực tiễn. Mặc dù số lượng DN quan tâm và thực hiện đổi mới công nghệ đã tăng trong những năm qua nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ. DN trong đổi mới công nghệ gặp khó khăn xuất phát từ 2 phía: từ DN (thiếu vốn, nhân lực yếu, năng lực tiếp cận công nghệ yếu…) và từ chủ trương, chính sách (khó tiếp cận được thông tin; chương trình hỗ trợ không phù hợp; khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; thiếu cơ chế khuyến khích DN tham gia nghiên cứu KH&CN, đổi mới công nghệ…).

Bên cạnh đó, một thực trạng đã và đang diễn ra là tư duy đổi mới của một bộ phận DN còn kém. Nhiều năm qua thành phố đã tích cực triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương đối với hoạt động KH&CN của thành phố; ban hành kịp thời các quy định hoạt động KH&CN tại địa phương tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động KH&CN. Đặc biệt, thành phố xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng DN đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong đợi mà nguyên nhân chủ yếu là từ tư duy của DN: mong muốn được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí chứ không dừng lại ở “vốn mồi”; khi thành phố dừng chương trình hỗ trợ thì DN cũng buông xuôi, không tiếp tục duy trì...

* Thời gian tới, Sở KH&CN có định hướng và giải pháp gì để hỗ trợ và thúc đẩy DN trên địa bàn ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh?

- Thành phố tiếp tục đặt ra mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu; tăng mức độ đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) thông qua việc nâng cao trình độ công nghệ, phát triển thị trường công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, vai trò tham gia của DN là vô cùng quan trọng. Chúng tôi xác định vấn đề hỗ trợ, thúc đẩy DN ứng dụng tiến bộ KH&CN vào hoạt động sản xuất kinh doanh là một hành trình dài, với nhiều giải pháp đồng bộ.

Sở KH&CN thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động: tăng cường các hoạt động tiếp xúc với DN, kết nối cung cầu công nghệ giữa DN thành phố với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ; phát triển các điểm kết nối cung cầu công nghệ; cung cấp thông tin công nghệ, tư vấn công nghệ cho DN, kết nối DN với thị trường. Thành phố cũng tập trung cho hoạt động truyền thông về các mô hình DN ứng dụng công nghệ 4.0, đổi mới công nghệ thành công mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phát huy cơ sở hạ tầng KH&CN của thành phố: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Vườn ươm Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc, Trung tâm Thông tin KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để tạo điều kiện để DN tiếp cận tiến bộ KH&CN, công nghệ mới; phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết