06/12/2012 - 09:20

Liên kết cánh đồng nhỏ để ổn định sản xuất!

Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được xây dựng và nhân rộng tại TP Cần Thơ trong thời gian qua đã và đang góp phần phát triển nền sản xuất lúa hàng hóa của thành phố theo hướng tập trung, chuyên canh và hiện đại. Từ kết quả này, đối với những vùng không có điều kiện phát triển mô hình CĐML, ngành nông nghiệp thành phố vẫn khuyến khích nông dân liên kết sản xuất tùy theo điều kiện thực tế, canh tác các giống lúa chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ nhằm giảm chi phí sản xuất, ổn định đầu ra.

 Quận Bình Thủy vận động nông dân canh tác giống lúa OM 4218 thay thế cho giống IR 50404 để tăng hiệu quả sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ đông xuân 2012-2013, toàn thành phố có 6 quận, huyện tham gia xây dựng CĐML gồm Thốt Nốt, Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền với tổng diện tích hơn 11.000ha. Trong đó, một số địa phương mở rộng được những CĐML diện tích hơn 1.000 ha như CĐML xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh 1.200ha, CĐML ấp C1 xã Thạnh Thắng huyện Vĩnh Thạnh 1.000 ha, CĐML xã Đông Bình, huyện Thới Lai 1.426ha,… Một số địa phương như huyện Phong Điền, quận Thốt Nốt, quận Ô Môn các CĐML chỉ dao động từ vài chục đến trên 100ha. Mặc dù nhiều CĐML chưa đạt diện tích tối thiểu 350ha/1 cánh đồng theo chỉ tiêu của Bộ NN&PTNT song các địa phương vẫn xem đây là tiền đề để đưa sản xuất lúa phát triển ổn định và bền vững.

Vụ đông xuân 2012-2013 là vụ đầu tiên huyện Phong Điền thực hiện 4 mô hình CĐML tại các xã Tân Thới, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân và Trường Long với tổng diện tích gần 300ha. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Với diện tích lúa khoảng 4.000ha, huyện xác định sẽ vận dụng mô hình CĐML để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho nông dân. Theo đó, huyện chọn các vùng có quy hoạch sản xuất lúa ổn định gắn với xây dựng các xã nông thôn mới. Bước đầu triển khai mô hình, huyện đã vận động được Công ty Lương thực sông Hậu và Công ty Cổ phần Mê Kông tham gia bao tiêu lúa cho nông dân. Các công ty này cũng hỗ trợ cho nông dân mua chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng giống,… Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân theo mô hình CĐML còn gặp một số khó khăn nhất định. Địa phương chưa mời được doanh nghiệp vào ký kết hết hợp đồng với các CĐML đã đăng ký. Song, huyện vẫn xác định vấn đề liên kết nông dân sẽ là tiền đề để chuyển đổi sản xuất theo quy mô lớn. Khi đó, nông dân sẽ sản xuất đồng loạt giống lúa chất lượng cao, dễ khẳng định chất lượng và dễ bán cho thương lái hơn mà không bị ép giá.

Đối với quận Bình Thủy, do đặc điểm diện tích canh tác nhỏ lẻ, cơ giới hóa còn gặp nhiều khó khăn nên quận không có điều kiện để xây dựng mô hình CĐML như các địa phương thuần nông khác. Vì vậy, quận có định hướng liên kết nông dân lại với hình thức câu lạc bộ, tổ hợp tác để canh tác các giống lúa chất lượng cao thay thế giống IR50404. Trong vụ đông xuân 2012-2013, quận xây dựng thí điểm 2 mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao tại khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông (22,95ha với 49 hộ tham gia) và tại khu vực Bình Phó A phường Long Tuyền (diện tích 11,34ha với 29 hộ dân tham gia). Ông Lê Hoàng Tua, Phó trạm Khuyến nông quận Bình Thủy, cho biết: "Mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao mà quận đang xây dựng là dựa theo mô hình CĐML mà thành phố phát động trong thời gian qua. Khi triển khai mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao, quận xác định sẽ cố gắng thực hiện theo một số tiêu chí của CĐML. Cụ thể là vận động nông dân tự nguyện tham gia mô hình để liên kết sản xuất; chuyển đổi từ giống lúa IR50404 phẩm chất kém sang giống lúa OM 4218. Ngành nông nghiệp quận tập huấn cho nông dân ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", IPM để giảm chi phí, gia tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học theo hướng an toàn, thân thiện môi trường".

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Tính chất của CĐML là tập trung với quy mô lớn, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, tạo điều kiện để liên kết "4 nhà" bền vững. Mặt khác, có thể hiểu CĐML là cánh đồng có quy mô vượt trên nông hộ, tức là tổ chức lại sản xuất lúa hàng hóa theo quy mô lớn. Đối với các quận, huyện bước đầu xây dựng CĐML với quy mô vài chục héc-ta hay các cánh đồng lúa chất lượng cao, mặc dù khác biệt về diện tích nhưng bước đi và mục tiêu xây dựng đều tương tự. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, ngành nông nghiệp thành phố xác định, vấn đề quan trọng là liên kết phát triển cánh đồng một loại giống và chuyển đổi từ mô hình cánh đồng lớn có thể sang cánh đồng lớn có mục tiêu. Điều này có nghĩa là bất cứ quy mô nào, người nông dân cũng có thể liên kết sản xuất có kế hoạch để tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng ổn định, tiêu thụ thuận lợi hơn với giá cả hợp lý, không bị thương lái ép giá. Chính nhược điểm nông hộ nhỏ sẽ biến thành ưu điểm nếu gắn với tổ chức sản xuất có liên kết, có kế hoạch, cân đối sản lượng, đảm bảo chất lượng, ổn định đầu ra.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết