30/04/2014 - 20:57

Lão nông năng động

Với ưu thế sông nước, miệt vườn của vùng ĐBSCL, một số hộ dân huyện Phong Điền bắt tay làm mô hình du lịch homestay (lưu trú nhà dân) đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Lão nông Lâm Thế Cương (chú Mười Cương) là một trong những hộ dân đi đầu của huyện tận dụng ưu thế sẵn có để phát triển du lịch homestay…

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở vùng sông nước miệt vườn ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, từ nhỏ chú Mười Cương gắn liền với vườn cây và công việc làm nông. Từ năm 1960, gia đình chú trồng ca cao trên 1,2 ha đất vườn. Do đặc tính cây ca cao phát triển tốt trong bóng râm, chú trồng thêm một số loại cây ăn trái, như: xoài, măng cụt, sầu riêng… che mát cho ca cao. Sau gần 3 năm chăm sóc, vườn ca cao cho vụ thu hoạch đầu tiên, chưa hết vui mừng với kết quả thu được, gia đình chú Mười Cương lao đao vì không tiêu thụ được ca cao. Lúc bấy giờ, cây ca cao vẫn còn khá xa lạ với người dân miền Tây, vì vậy trái ca cao chú chỉ bán được cho học sinh các trường chung quanh làm nước uống giải khát và bán ra ở chợ. Phần còn lại gia đình thu hoạch chế biến sôcôla sử dụng trong những dịp lễ, Tết trong gia đình. Vì vậy, những năm tháng ấy, cuộc sống gia đình chú khá chật vật vì phụ thuộc vào các loại cây ăn trái còn lại trong vườn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ ngành ngoại thương tìm nguồn ca cao cho xuất khẩu thì gặp vùng nguyên liệu ca cao ở vườn chú còn giữ được giống ca cao trồng từ chính sách khuyến nông thời Pháp thuộc. Từ đó, trái ca cao của gia đình có đầu ra ổn định, chú Mười Cương bắt tay cải tạo vườn, phát triển cây ca cao là chủ lực, kinh tế gia đình được cải thiện. Khi UBND huyện Phong Điền khuyến khích người dân làm mô hình du lịch homestay, góp phần tăng thêm thu nhập và phát huy ưu thế của địa phương. Chú Mười Cương cho biết: Từ vườn cây sẵn có, chỉ cần chỉnh trang nhà cửa và bản thân cũng có vốn tiếng Anh; thêm vào đó, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, không phải đầu tư vốn nhiều nên chú mạnh dạn thử làm du lịch. Gia đình chú bắt tay chỉnh trang vườn cây, sửa chữa phòng ngủ của 2 con, trang bị tiện nghi đón khách.

Những sản phẩm được chế biến từ trái ca cao của gia đình chú Mười Cương.

Khác với một số mô hình du lịch homestay cùng địa phương, gia đình chú có điểm đặc trưng là vườn ca cao. Chú cùng vợ mày mò nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm từ ca cao phục vụ du khách. Khách nghỉ homestay tại gia đình chú Mười Cương còn có thêm cơ hội trải nghiệm cùng gia chủ các công đoạn ủ hạt ca cao, sấy khô bằng nồi gang, xay thành bột, chế biến thành phẩm và có thể mua một ít sản phẩm về làm quà. Từ những trái ca cao, vợ chồng chú đã nghiên cứu và cho ra đời, nhiều sản phẩm từ ca cao như: bột ca cao, bơ ca cao, sôcôla trắng, ca cao khối và rượu vang ca cao. Thành quả này là cả một quá trình nghiên cứu, chú Mười Cương tâm sự: Làm du lịch homestay muốn thu hút nhiều khách phải có riêng những sản phẩm độc đáo, mới lạ. Vì vậy, qua sách báo cô chú tự chế biến ra sản phẩm. Cứ làm không được, rút kinh nghiệm, tìm hiểu thêm rồi bắt tay làm lại. Cô chú kiên nhẫn làm hư phải bỏ rồi lại làm tiếp. Mỗi sản phẩm như thế phải mất hằng tháng trời mới thành công. Chính vì vậy, du khách khi đến tham quan tại gia đình chú không những được thưởng thức những sản phẩm từ trái ca cao mà còn tận mắt chứng kiến những quy trình chế biến. Điều đặc biệt, tất cả các quy trình chú đều làm bằng thủ công, như: rang, sấy hạt ca cao. Bởi theo chú Mười Cương, làm thủ công tuy có vất vả, nhưng khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài họ muốn tìm hiểu nét văn hoá, đặc trưng và sự khác biệt. "Nếu mình làm bằng máy móc hiện đại thì thường quá! Khách chỉ muốn thấy những gì chân chất, mộc mạc", chú Mười Cương cho biết.

Ngoài ra, gia đình chú còn giữ một gian bếp củi cho du khách tham quan và sử dụng. Nhiều khách nước ngoài đến đây, được nấu ăn bằng bếp củi tỏ ra rất thích thú. Ban ngày để du khách tham quan, trải nghiệm những dịch vụ du lịch, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương. Buổi tối sau khi dùng bữa, chú Mười Cương còn chia sẻ cùng du khách những phong tục, tập quán của người dân miền Tây, như: thờ cúng tổ tiên, lễ cưới hỏi, lễ giỗ… để du khách hiểu thêm về truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Và dù là một lão nông nhưng chú Mười Cương thường xuyên tìm hiểu để nâng chất, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới lạ cho du khách. Chú còn tự tìm hiểu và đăng ký quảng bá mô hình du lịch của mình trên các website du lịch trong và ngoài nước. Chú Mười Cương trau dồi vốn tiếng Anh để có thể giao tiếp tốt cùng du khách…

Chú Mười Cương chia sẻ: Làm du lịch homestay muốn thành công phải tạo sự khác biệt để du khách không nhàm chán. Mỗi mô hình có mỗi nét đặc trưng riêng, giúp du khách có thể trải nghiệm nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống. Từ đó, du khách sẽ thật sự ấn tượng và là người giới thiệu cho bạn bè tiếp tục đến đây du lịch. Gia chủ cần biết tiếng Anh để có thể trao đổi trực tiếp với khách. Khách đến cùng ăn ở, sinh hoạt với chủ nhà và như một thành viên trong gia đình. Vì vậy, gia chủ trao đổi trực tiếp với du khách nước ngoài sẽ tạo sự thân mật và gắn kết, có thể truyền đạt được hết những gì đặc trưng, độc đáo của địa phương mình…

Bài, ảnh: Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết