27/10/2024 - 07:09

Kỷ nguyên mới trong quan hệ Ðức - Ấn 

Khi Thủ tướng Ðức Olaf Scholz cùng phần lớn các bộ trưởng trong nội các có chuyến thăm Ấn Ðộ kéo dài 3 ngày từ hôm 24-10, hai nước đang trong quá trình xây dựng một chương trình nghị sự mới đầy tham vọng.

Thủ tướng Ấn Ðộ Modi (phải) tiếp đón người đồng cấp Ðức Scholz tại New Delhi ngày 25-10. Ảnh: DPA

Đây là chuyến thăm Ấn Ðộ lần thứ ba của ông Scholz, sau chuyến đi hồi tháng 2-2023 cho hội nghị song phương và tháng 9-2023 cho hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Mặc dù cả hai là đối tác kể từ năm 2000, song Ấn Ðộ chưa bao giờ thực sự nổi bật trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Ðức, trong khi New Delhi chọn Paris là đối tác gần gũi và quan trọng nhất của nước này tại châu Âu.

Tuy nhiên, trước bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, Ðức đã ưu tiên hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Ðộ. Sự thay đổi này được thể hiện qua tài liệu chiến lược mới “Tập trung vào Ấn Ðộ” mà Chính phủ Ðức thông qua ngày 16-10.

Về phần mình, những căng thẳng trong quan hệ Ấn Ðộ - Trung Quốc với cuộc khủng hoảng biên giới đang âm ỉ đã khiến quốc gia Nam Á phải đa dạng hóa các quan hệ đối tác. Khi New Delhi nỗ lực củng cố năng lực và hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng, châu Âu đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này.

Ðối tác an ninh “đáng tin cậy”

Ðức đặt mục tiêu trở thành đối tác an ninh “đáng tin cậy” của Ấn Ðộ, bao gồm hợp tác vũ khí và đồng sản xuất với các công ty Ấn Ðộ. Berlin cũng sẽ tìm cách cải thiện các thủ tục kiểm soát xuất khẩu để sự hợp tác này “có thể dự đoán được”.

Nhằm tăng cường hợp tác giữa  lực lượng vũ trang của hai nước, Không quân Ðức đã tham gia cuộc tập trận đa quốc gia “Tarang Shakti 2024” do Ấn Ðộ tổ chức hồi tháng 8. Nằm trong đợt triển khai lực lượng hải quân của Ðức tới Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương năm 2024, khinh hạm Baden Wurttemberg và tàu hỗ trợ Frankfurt am Main đang bắt đầu chuyến thăm cảng Goa tại Ấn Ðộ và tham gia diễn tập với Hải quân Ấn Ðộ.

Nhân dịp này, Thủ tướng Scholz cũng đến Goa để chào đón  khinh hạm Baden Wurttemberg.  Berlin và New Delhi cũng đang đàm phán về một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần. “Chính phủ Ðức đặt mục tiêu ký kết một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần qua lại cho các lực lượng vũ trang với Ấn Ðộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai lực lượng vũ trang Ðức ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai”, tài liệu “Tập trung vào Ấn Ðộ” nêu.

Vốn là quốc gia không có truyền thống quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Ấn Ðộ, song Ðức đang muốn hợp tác với đất nước Nam Á này trong bối cảnh New Delhi chủ trương giảm sự phụ thuộc vũ khí suốt hàng thập niên qua từ Nga và phương Tây muốn dùng Ấn Ðộ để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Ðiều quan trọng nhất là hiện tại, tập đoàn Ðức Thyssenkrupp đang hợp tác tham gia đấu thầu đóng 6 tàu ngầm trị giá khoảng  5 tỉ USD cho Ấn Ðộ và họ phải cạnh tranh với đối thủ đến từ Tây Ban Nha.

Quan hệ thương mại, khí hậu

Khi Ðức tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Ấn Ðộ trở thành chìa khóa để “đa dạng hóa quan hệ kinh tế và thương mại của Ðức với châu Á”. Thương mại giữa Ðức và Ấn Ðộ hiện ở mức 33 tỉ USD, nhưng vẫn còn cơ hội để cải thiện, đặc biệt là về đầu tư. Ấn Ðộ đang thực hiện những điều chỉnh hứa hẹn sẽ tạo thêm thuận lợi trong kinh doanh tại nước này, cũng thông qua Cơ chế theo dõi nhanh cấp cao dành cho các công ty.

Trung Quốc và Nga từ lâu là đối tác kinh tế quan trọng của Ðức. Tuy nhiên, kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, Berlin đã tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, với mục đích giảm phụ thuộc vào Mát-xcơ-va cũng như tìm cách mở rộng dấu ấn kinh tế của mình tại Ấn Ðộ.

Một trụ cột quan trọng khác của quan hệ đối tác Ðức - Ấn Ðộ là hợp tác về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Ấn Ðộ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Theo Chương trình nghị sự về Phát triển xanh và bền vững, hai nước đã ký kết 28 thỏa thuận với tổng giá trị lên tới 3,4 tỉ USD.

Cuối cùng, yếu tố con người đã xây dựng nên cầu nối sống động giữa hai nước và cộng đồng người Ấn Ðộ di cư ngày càng lớn tại Ðức cũng giúp xây chắc quan hệ song phương. Hiện có 43.000 sinh viên Ấn Ðộ đang học tập tại Ðức. Phát biểu trước Hội nghị kinh doanh Ðức tại châu Á - Thái Bình Dương ngày 25-10 ở New Delhi, Thủ tướng Narendra Modi thông báo Ðức đã quyết định tăng số thị thực nhập cảnh cho lao động có tay nghề của Ấn Ðộ từ 20.000 người /năm lên 90.0000 người /năm.

HẠNH NGUYÊN (Theo IP Quarterly, The Print)

 

Chia sẻ bài viết