Trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu”, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ mở chuyên mục thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) và phát triển thương hiệu. Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn về SHTT và phát triển thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.
Đông đảo doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dự hội thảo khoa học với chủ đề “SHTT - Nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội” vào tháng 4-2024. Sự kiện nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT và phát triển thương hiệu”. Ảnh: MỸ THANH
* Tài sản trí tuệ - bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, các tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nếu muốn gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp KH&CN thì con đường ngắn nhất là chú trọng phát triển tài sản trí tuệ. Có 3 dạng tài sản có giá trị nhất nhất với doanh nghiệp là cơ sở dữ liệu khách hàng, công nghệ số, thông tin nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đặc biệt là đối với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp KH&CN, việc nắm bắt được các giải pháp, đánh giá được công nghệ, thế mạnh để tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường, sử dụng công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp lại càng quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa chú trọng nhiều đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền SHTT...
Từ thực tế đó, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ triển khai Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT và phát triển thương hiệu” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn về SHTT và phát triển thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Thời gian qua, thông qua chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ các giai đoạn, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã quan tâm hơn về bảo hộ quyền đối với tài sản vô hình. Giai đoạn 2016-2020, các tổ chức, cá nhân đã dần chủ động đăng ký bảo hộ SHTT, kết quả ghi nhận TP Cần Thơ có 2.406 đơn đăng ký bảo hộ được Cục SHTT chấp nhận (tăng 56,8% so với giai đoạn 2011-2015) và 1.434 văn bằng bảo hộ được cấp mới (tăng 34,5% so với giai đoạn 2011-2015).
* Những điểm mới cần lưu ý
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2024.
Một số nội dung nổi bật bao gồm:
Thứ nhất, Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022 lần đầu bổ sung quy định tổ chức khoa học công nghệ chủ trì có quyền đăng ký, trong đó quy định rõ về cơ chế báo cáo, quy trách nhiệm tổ chức nghiên cứu khoa học khai thác sáng chế cùng cơ chế phân chia lợi ích với các chủ thể có liên quan.
Thứ hai, Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022 cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trong thời hạn 9 tháng, 5 tháng, 4 tháng và 3 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tương ứng được công bố. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng bổ sung nhiều căn cứ pháp lý mới để phản đối đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng như căn cứ hủy bỏ hiệu lực bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp.
Thứ ba, Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022 đưa sáng chế mật thành một chế định riêng, nhằm phân biệt giữa sáng chế và sáng chế mật để kiểm soát an ninh và phân định các đối tượng không phải là sáng chế mật.
Thứ tư, Luật cũng bổ sung khái niệm tác giả và đồng tác giả và quy định không công nhận tư cách tác giả, đồng tác giả với những người hỗ trợ, góp ý hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm. Ðồng thời đưa ra khái niệm “tiền bản quyền” áp dụng cho quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.
Thứ năm, Luật sửa đổi định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng, bổ sung quy định thời điểm nhãn hiệu có trước bắt đầu nổi tiếng phải xảy ra trước ngày nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký.
Thứ sáu, lần đầu quy định về cơ chế quy trách nhiệm/miễn trách nhiệm pháp lý với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) khi các doanh nghiệp này không biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả và có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập đến nội dung thông tin số đó khi biết nội dung đó xâm phạm quyền.
Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT và phát triển thương hiệu” do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ chủ trì thực hiện với các nội dung chính như sản xuất và phát sóng 9 chương trình SHTT và phát triển thương hiệu; xây dựng chuyên mục thông tin tuyên truyền trên Báo Cần Thơ; đào tạo, tập huấn về SHTT; sự kiện về Ngày SHTT. Các kênh truyền thông chính của dự án trên www.trithuckhoahoc.vn, chuyên trang SHTT TP Cần Thơ, fanpage SHTT và cuộc sống.
Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ
Mời quý độc giả đón xem số tiếp theo với chủ đề “Những điểm mới về nhãn hiệu trong Luật SHTT năm 2022”.