Bên cạnh những kịch bản sáng tạo nguyên bản, nhiều tác phẩm phim ảnh chuyển thể từ sách đang thu hút sự đầu tư khi khán giả ngày càng quan tâm dòng phim này...
“Shogun” (2024), được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, là một trong những phim truyền hình ăn khách nhất năm 2024. Không chỉ lập kỷ lục về giải thưởng Emmy mà phim còn đạt nhiều thành tích về lượt xem trên các nền tảng trực tuyến. 9 triệu lượt xem tập đầu tiên, 18 giải Emmy chỉ trong mùa đầu phát sóng, thành công của “Shogun” (ảnh) cho thấy sự lên ngôi của dòng phim chuyển thể từ sách.
Thời điểm phim chuyển thể từ sách bắt đầu thu hút khán giả là giai đoạn sau đại dịch COVID-19. Mọi quá trình sản xuất, sáng tạo đều khó khăn, trong khi các nền tảng trực tuyến lại có cơ hội phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó, những khó khăn về tài chính khiến các đơn vị sản xuất chuyển hướng sang sử dụng nội dung có sẵn để tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất. Larry Robinson, nhà sáng lập công ty quản lý và sản xuất Avatar Entertainment (Mỹ), cho biết: “Các hãng phim hiện ưu tiên làm việc với các tác phẩm đã có sẵn khán giả. Điều đó mang lại cho họ sự yên tâm mà các kịch bản gốc không có được”.
Không chỉ tại Mỹ, thị trường quốc tế cũng có xu hướng tương tự. Việc lựa chọn sản xuất phim ảnh chuyển thể từ sách ngày càng phổ biến. Nguyên nhân không chỉ là tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn hướng đến thị trường người xem tiềm năng vốn yêu thích tiểu thuyết gốc. Do đó, những tác phẩm chuyển thể từ sách như “Slow Horses”, “Nine Perfect Strangers” đều trở nên thịnh hành. Felicity Blunt, đại diện cơ quan văn học và tài năng hàng đầu thế giới Curtis Brown có trụ sở tại Anh, cho biết từ sau COVID-19, các thỏa thuận chuyển thể sách thành phim gia tăng đột biến. Bản thân Felicity Blunt cũng là người điều hành sản xuất phim chuyển thể “Rivals” từ sách của nhà văn Jilly Cooper. Jilly Cooper có số lượng độc giả trung thành không nhỏ và điều đó có lợi cho việc phim phát hành.
Do nhu cầu thị trường, đề tài của sách được chọn để chuyển thể thành phim cũng đa dạng, từ tâm lý tình cảm, lịch sử chính luận, khoa học viễn tưởng… cho đến các tiểu thuyết, truyện tranh trên mạng của Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong đó, tiểu thuyết theo chương truyền thống thường gần gũi với định dạng phim truyền hình và được chú trọng đầu tư hơn. Tristan Orpen Lynch, đồng sáng lập công ty sản xuất phim và truyền hình Subotica của Ireland, chia sẻ: “Mọi người bắt đầu nói nhiều về các phim dựa trên tác phẩm có sẵn và ngành công nghiệp này bắt đầu mua bản quyền sách ngày càng nhiều”. Theo đó, giá bản quyền sách cũng tăng đột biến. Bruna Papandrea, đồng sáng lập công ty sản xuất Made Up Stories (Úc), nói: “Việc mua bản quyền sách để sản xuất phim đang có sự cạnh tranh gay cấn, chủ yếu là đối với kịch bản phim truyền hình”. Bruna Papandrea cho rằng nhu cầu bản quyền chuyển thể gia tăng có thể dẫn đến các cuộc đấu giá điên cuồng.
Thực tế, không phải tác phẩm nào được mua bản quyền đều được sản xuất thành phim. Rất nhiều đơn vị cạnh tranh mua bản quyền những sách được yêu thích, bán chạy nhưng khi vận hành sản xuất thì dừng lại. Nguyên nhân là việc chuyển thể từ tiểu thuyết gốc sang kịch bản phim không hề dễ, nhất là hiện thực hóa bối cảnh, nhân vật. Có những tác phẩm rất khó để chuyển thể.
BẢO LAM
(Tổng hợp từ Deadline, Hollywoodreporter)