27/10/2024 - 07:09

Kho vũ khí của Israel 

Trong những thập niên gần đây, Israel đầu tư nhiều tỉ USD để luôn sẵn sàng cho xung đột với các lực lượng vũ trang Hồi giáo đối kháng do Iran hậu thuẫn tại khu vực và cả một cuộc chiến trực diện với chính Tehran. Cuộc chiến với Hamas, Hezbollah từ tháng 10 năm ngoái đã cho thấy sức mạnh của họ.

Thủ tướng Israel Netanyahu xem tên lửa của tập đoàn Israel Aerospace Industries. Ảnh: IsraeliPM

Sở hữu nhiều vũ khí tấn công "đáng gờm"

Trong số đó có tên lửa Rampage, kết quả của sự hợp tác giữa hai tập đoàn Israel Aerospace Industries và Elbit Systems. Ban đầu, Rampage được thiết kế để phóng từ mặt đất nhưng sau đó được điều chỉnh để triển khai trên không, tăng tầm bắn và tốc độ khi phóng từ chiến đấu cơ. Rampage có nhiều hệ thống dẫn đường, cung cấp khả năng dự phòng để nhắm mục tiêu chính xác. Với chiều dài 4,7m, đường kính 30,6cm, trọng lượng 570kg và mang đầu đạn 150kg, Rampage phát huy hiệu quả khi tấn công các trung tâm chỉ huy và nhiều mục tiêu quan trọng khác từ máy bay F-15, F-16 và F-35.

Trong khi đó, tên lửa Rocks, do công ty công nghệ quốc phòng nội địa Rafael chế tạo, được trang bị thiết bị định vị vệ tinh và dẫn đường bằng quán tính cũng như hệ thống nhắm mục tiêu quang học kết hợp khả năng bay siêu thanh. Rocks được phát triển trên phiên bản tên lửa Anchor của Rafael, có phần giống với tên lửa Shahab của Iran về tốc độ, khả năng cơ động và có thể được phóng từ chiến đấu cơ F-16 và F-35. Rocks có tầm bắn 300km, mang đầu đạn 500kg, có khả năng phá hủy các công trình kiên cố hoặc công trình ngầm.

Một vũ khí rất lợi hại khác của Israel là tên lửa hành trình PopEye Turbo cũng do Rafael phát triển với tầm bắn 1.500km. PopEye Turbo được thiết kế để phóng từ tàu ngầm, có khả năng mang cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân. Tầm bắn này cho phép tàu ngầm Israel tấn công Iran từ Biển Ðỏ hoặc Biển Arab mà không cần phải vào Vịnh Persic.

Ngoài phát triển tên lửa, Israel còn phát triển bom phá boongke 500MPR. Tuy có tầm bắn ngắn, chỉ vài chục km nhưng 500MPR có khả năng xuyên thủng các lớp bê tông dày tới 4m. Những quả bom này từng được thử nghiệm trên máy bay chiến đấu F-15I.

Bên cạnh đó, xe tăng Merkava của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) mạnh đến mức được ca ngợi là một trong các xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới. Merkava đóng vai trò quan trọng đối với Israel trong nhiều cuộc xung đột. Sau cuộc chiến Lebanon năm 1982, Israel tích hợp các chỉnh sửa mới vào xe tăng trong khi vẫn giữ lại thiết kế gốc. Biến thể Merkava mới nhất là chiếc xe tăng mạnh nhất trong dòng xe tăng này, được trang bị hệ thống tự vệ lợi hại mang tên Trophy.

Không những sở hữu lượng khí tài đáp ứng yêu cầu của IDF, Israel còn đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí. Xuất khẩu quốc phòng của nước này hồi năm ngoái đạt kỷ lục 13 tỉ USD. Trong giai đoạn 2018-2020, con số này chỉ dao động trong khoảng 7,5-8,5 tỉ USD/năm.

Nguồn cung lớn từ nước ngoài

Ngoài sức mạnh nội lực, Israel còn nhập khẩu những loại vũ khí hàng đầu của Mỹ, sau đó nâng cấp, cải tiến bằng các hệ thống bản địa. Ðơn cử như là trường hợp của máy bay tiêm kích F-35I Adir. Ðây là biến thể của chiếc tiêm kích đa nhiệm F-35 thế hệ 5 của không quân Mỹ. Biến thể F-35I Adir đã trở thành xương sống của không quân Israel và được đánh giá còn tiên tiến hơn cả mẫu máy bay gốc của Mỹ.

Hiện Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Israel hồi năm 2023 nhập khẩu tới 69% lượng vũ khí từ Mỹ. SIPRI cho hay, vũ khí nhập khẩu từ Mỹ "đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của Israel nhằm chống lại phong trào Hamas và Hezbollah". Ðáng chú ý, hàng ngàn quả bom và tên lửa dẫn đường hồi cuối năm 2023 đã được Mỹ chuyển giao cho Israel. Sau đó, vào tháng 1-2024, Washington còn chuyển giao các chiến đấu cơ F-35 và F-15 cho Tel Aviv. Những chiếc F-35 này đã được quân đội Israel sử dụng trong các cuộc tấn công ở Dải Gaza.

Tên lửa Vòm Sắt của Israel đối phó rocket của Hamas. Ảnh: AFP

Ðạn dược do Mỹ sản xuất cũng được Israel sử dụng trong suốt cuộc xung đột. Ðơn cử, nhiều quả bom nặng tới 900kg do Mỹ sản xuất đã được Israel sử dụng trong cuộc tấn công sát hại thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại thủ đô Beirut (Lebanon) hồi cuối tháng 9. Tháng 8-2024, chính quyền Mỹ cũng đã phê chuẩn gói vũ khí mới trị giá 20 tỉ USD bán cho Israel, bao gồm hơn 50 chiến đấu cơ F-15, hệ thống tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AMRAAM...

❝Bên cạnh vũ khí tấn công, Israel đang sở hữu các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến được Mỹ hỗ trợ xây dựng, qua đó giúp nước này giảm thiểu những thiệt hại lớn trong các đợt “mưa tên lửa” từ Hamas và Hezbollah. Đáng chú ý nhất, tối 1-10, Iran đã bất ngờ phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel để trả hận thay cho nhóm Hezbollah. Tuy nhiên, một số lượng lớn tên lửa đã bị đánh chặn trong quá trình bay (Israel nói tới 90%), giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và cơ sở hạ tầng.

Israel được cho đang vận hành một loạt hệ thống để ngăn chặn các cuộc tấn công từ mọi loại tên lửa đạn đạo, từ các loại tên lửa bay ra khỏi bầu khí quyển cho đến các tên lửa hành trình và tên lửa tầm ngắn. Theo giới chuyên gia quân sự, mạng lưới phòng thủ được quân đội Israel xây dựng trong nhiều năm qua thực chất bao gồm 3 loại hệ thống phòng không tạo nên, đó là Iron Dome (Vòm Sắt), David’s Sling và Arrow.

Ngoài năng lực phòng thủ tên lửa của Israel, sự hiện diện quân sự dày đặc của Mỹ tại Trung Đông đã giúp bảo vệ Tel Aviv trước các đòn tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của đối phương.

Mặt khác, Mỹ còn hỗ trợ tài chính cho Israel. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ năm 1957, Washington đã cung cấp cho Tel Aviv tổng cộng hơn 251 tỉ USD tính theo thời giá hiện tại. Ðáng chú ý, 2 nước năm 2019 còn ký Biên bản ghi nhớ mà theo đó Mỹ cam kết hàng năm sẽ "rót" 3,3 tỉ USD cho Israel từ chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài và 500 triệu USD cho chương trình phòng thủ tên lửa của Tel Aviv. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc tế Watson thuộc Ðại học Brown, Mỹ đã chi 17,9 tỉ USD để hỗ trợ cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza từ tháng 10-2023.

Cũng theo SIPRI, Ðức là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Israel, chiếm 30% lượng vũ khí Israel nhập khẩu hồi năm 2023. Trong khi đó, Ý, Anh, Pháp và Tây Ban Nha nằm trong số những nước cung cấp vũ khí nhỏ lẻ khác cho Israel.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani hồi cuối tháng 1 nói rằng Roma đã ngừng cung cấp vũ khí cho Tel Aviv. Mãi đến đầu tháng 10 năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới chính thức kêu gọi dừng cung cấm vũ khí cho Israel, trong khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez lên án các cuộc tấn công vào Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Lebanon, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngừng bán vũ khí cho Israel. Song, Ðức và Anh vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp. Thủ tướng Ðức Olaf Scholz tuyên bố nước này sẽ không ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. "Ðức đã cung cấp vũ khí cho Israel và chúng tôi vẫn sẽ cung cấp vũ khí cho nước này." - ông Scholz nhấn mạnh.

Trước những hình phạt hay đe dọa ngừng cung cấp vũ khí của các đồng minh phương Tây, kể cả Mỹ, giới chức Israel tuyên bố họ có đủ năng lực để mở rộng sản xuất các loại vũ khí cần thiết cho cuộc chiến chưa có hồi kết với Hamas, Hezbollah và chuẩn bị chiến dịch quân sự trả đũa Iran.

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết