23/02/2012 - 08:09

Để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp thủy sản

Kiến nghị tháo gỡ nút thắt

Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) đặt mục tiêu phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,5 tỉ USD. Tuy nhiên, tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh chiều 20-2, nhiều doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu này là vô cùng khó khăn. Bởi bên cạnh các điều kiện về tình hình kinh tế toàn cầu, nguyên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với việc gánh trên vai quá nhiều chi phí.

* Phí đè lên phí

Theo báo cáo của Vasep, hiện tại khi hàng thủy sản nhập khẩu (loại hình nhập kinh doanh) về đến cảng, sau khi đăng ký kiểm dịch ở Cục Thú y xong chờ kết quả sau 5 ngày làm việc cộng thêm thứ bảy và chủ nhật, tất cả 7 ngày mới có thể lấy hàng ra khỏi cảng, do đó phát sinh chi phí lưu kho bãi container 40’: 50-66USD/ngày, chi phí chạy điện container 40’: 66USD/ngày). Vì vậy, Vasep kiến nghị cho phép doanh nghiệp được nhập hàng tại kho ngoại quan để tránh phát sinh các chi phí trên.

Về việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì PE (nhựa) để bao gói hàng xuất khẩu, tính toán từ các doanh nghiệp cho thấy khoản chi phí này trong giá thành sản phẩm thủy sản xuất khẩu tương đương khoảng 0,1USD/kg sản phẩm thủy sản, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giá thành sản phẩm xuất khẩu. Năm 2012, thực hiện Luật Thuế Bảo vệ Môi trường, chi phí này tăng gấp đôi (0,2USD/kg), kết hợp cùng các chi phí khác đang có xu hướng tăng làm cho sản phẩm thủy sản Việt Nam khó có lợi thế cạnh tranh về giá so với các nước. Vì vậy Vasep kiến nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát có ý kiến với Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét không tính thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì ni lông để bao gói hàng thủy sản xuất khẩu.

 Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong-Khu công nghiệp Trà Nóc.
Ảnh: VĂN CÔNG.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong Vasep cho rằng, hiện nay vấn đề đóng phí công đoàn đang là gánh nặng đối với DN và người lao động, nhất là đối với các DN có lượng công nhân cao đang làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.Vì vậy, Vasep đã kiến nghị Bộ trưởng có ý kiến với Ban soạn thảo Luật Công đoàn và với Quốc hội, đề nghị bỏ qui định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực trả cho người lao động”. Theo Vasep, việc DN đóng thuế tức là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước, nay phải trích nộp thêm phí công đoàn nghĩa là đóng góp 2 lần.

Các doanh nghiệp thủy sản cho biết, trong khi đi thương thảo hợp đồng, các doanh nghiệp đã mặc cả từng đồng với đối tác để mong nâng cao giá trị sản phẩm. Vì vậy, việc đội giá thành lên cao như hiện nay thông qua các loại phí sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.

* Cần kiểm soát chất lượng theo chuỗi

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep cho biết, vào năm 2000, đa số các DN thủy sản làm đa ngành với nhiều mặt hàng thủy sản và chủ yếu tập trung vào chế biến, đến 2011-2012 cách làm này đã thay đổi, hầu hết các DN chỉ tập trung vào mặt hàng nhất định, đầu tư vào chuỗi sản xuất từ con giống, nuôi, thức ăn đến chế biến xuất khẩu, phân phối... và họ đã mạnh lên rất nhiều, đặc biệt là các DN sản xuất, xuất khẩu cá tra, ba sa. Qua đó, DN kiểm soát chặt được chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu, tuy nhiên sự kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản vẫn kiểm soát theo hướng cũ là theo chất lượng từng lô hàng xuất khẩu. Ông Dũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay khi đã làm tốt, việc kiểm tra theo cách này trở thành gánh nặng cho DN và không còn hợp lý. Ông Dũng đề nghị không kiểm tra như vậy nữa mà kiểm tra toàn bộ quá trình bằng cách lấy mẫu ở từng quá trình. Khâu yếu nhất của ngành thủy sản hiện nay là nguyên liệu hiện không được kiểm soát chặt trong khi khâu mạnh nhất là sản xuất lại dành lực lượng lớn để kiểm tra. Ông Dũng khẳng định, DN chế biến không có cách gì để đảm bảo là hàng hoàn toàn sạch khi đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Cùng quan điểm với ông Dũng, ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Công ty thủy sản Thuận Phước cho biết, chất lượng không phụ thuộc ở việc kiểm tra khâu cuối cùng nữa mà cần quản lý đồng bộ từ trại giống với con giống tốt, sạch bệnh, sức chống chọi tốt... Riêng với con tôm, hiện nông dân chưa được bảo hiểm, vì vậy, với con giống không tốt chắc chắn họ sẽ sử dụng kháng sinh cứu sống tôm khi tôm bệnh để không lâm vào cảnh mất trắng, thua lỗ. Do đó, phải tiếp cận kiểm soát theo chuỗi để tôm Việt Nam uy tín hơn trên thị trường.

Không chỉ dừng lại ở bất cập về việc kiểm soát chất lượng thủy sản, ông Dương Ngọc Minh, TGĐ Công ty thủy sản Hùng Vương nhận định, ngành chế biến thủy sản Việt Nam đang bị thắt cổ chai ở vấn đề tài chính. Năm 2011, chi phí đã tăng 25-30% so với năm 2009, trong khi giá thế giới tăng chỉ từ 22-25%, năm 2012 sẽ còn tăng hơn nữa do lãi suất và đầu vào. Giá thành sản xuất, nguyên liệu đầu vào lớn, dẫn đến vốn bỏ ra tăng trong khi ngân hàng thực hiện chính sách thắt chặt và việc phấn đấu thực hiện 6,5 tỉ USD là vô cùng khó khăn. Vì vậy, ông Minh kiến nghị cần có chính sách gỡ nút thắt tài chính cho DN để không gây ách tắc cho sản xuất, minh chứng lớn nhất là trước đây DN đi mua cá tra nợ, đến nay bắt đầu có hiện tượng mua tôm nợ.

* Giảm chi phí nhưng vẫn phải theo chuẩn mực quốc tế

Trả lời DN về những kiến nghị nêu trên, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Nafiqad (Bộ NN &PTNT) khẳng định, về chương trình giám sát chất lượng thủy sản hiện nay đã thực hiện theo chuỗi nhưng chưa đầy đủ và đang tiến tới kiểm tra đầy đủ. Tuy nhiên, khi muốn hội nhập với quốc tế, không có cách nào khác là phải kiểm tra theo đúng chuẩn mực quốc tế, có nghĩa là phải kiểm tra trên toàn bộ quá trình và sản phẩm cuối cùng. Ông Tiệp thừa nhận, ở các nước EU, Mỹ vẫn phải kiểm soát theo chuỗi và lấy mẫu lưu nhưng mật độ thưa hơn ở Việt Nam (hiện nay là 1/10). Vì vậy, ông Tiệp đồng ý đề xuất của ông Dũng là xem lại quy định về tần suất lấy mẫu, nhất là với cá tra vì DN đã kiểm soát được nguyên liệu.

Về chi phí kiểm nghiệm cao, ông Tiệp cho rằng, theo tính toán của Nafiqad thì chi phí bình quân cho kiểm nghiệm không cao, không thể tính chi phí đó cho 1 lô hàng mà phải tính bình quân. Tuy nhiên, trong thời gian tới Nafiqad sẽ ứng dụng công nghệ cao vào kiểm nghiệm để hạ chi phí kiểm nghiệm cho DN.

Cùng quan điểm với các doanh nghiệp và Nafiqad, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đảm bảo chất lượng thủy sản Việt Nam phải làm theo chuỗi từ đánh bắt, nuôi trồng, chế biến đến kinh doanh. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, quan điểm về kiểm soát chuỗi bắt đầu mạnh từ năm 2011, kiểm soát theo hệ thống với những chiến dịch ra quân kiểm tra vật tư nông nghiệp. Từ năm 2012, Bộ sẽ triển khai mạnh hơn kiểm soát theo chuỗi, từ đó đánh giá nguy cơ, đánh giá điểm yếu để tập trung cao hơn vào khâu có nguy cơ cao nhất vì không có quốc gia nào có đủ nguồn lực để kiểm tra dàn trải. Bộ trưởng khẳng định, Bộ rất mong có thể kiểm soát từ ao nuôi, đây là việc vô cùng khó khăn vì con số này là rất lớn. Với cá tra, khi DN chế biến liên kết với người nuôi bằng những yêu cầu cụ thể, chất lượng sản phẩm đã được kiểm soát tốt, chi phí kiểm tra cũng từ đó giảm đi rất nhiều. Không dừng lại ở đó, hiện nay Bộ đang liên kết 15 tập đoàn đa quốc gia để cho nông nghiệp Việt Nam có những kênh đầu tư mang tầm quốc tế, như với Unilever, Metro. Với xu hướng này, Bộ kêu gọi các DN thủy sản Việt Nam bắt tay cùng nông dân xây dựng liên minh sản xuất để có sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ đạo Nafiqad cần quan tâm vừa quản lý được chất lượng sản phẩm và vừa giảm nhẹ cho DN, nên giảm tần suất kiểm soát đối với doanh nghiệp.

LIÊN PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết