12/03/2019 - 06:46

Kiên Giang tìm kiếm giải pháp tiêu thụ lúa gạo 

Từ nay đến cuối tháng 3-2019, tỉnh Kiên Giang sẽ bước vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 với diện tích còn khoảng 160.000ha. Trước tình hình giá lúa giảm mạnh và những khó khăn từ thị trường xuất khẩu, một bộ phận lớn nông dân đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, khó thu hồi vốn tái sản xuất. Để ứng phó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chỉ đạo các địa phương, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phải cùng nỗ lực ở mức cao nhất, thực hiện đồng bộ một số giải pháp hỗ trợ vay vốn, tăng cường thu mua tạm trữ lúa gạo.

Thu mua lúa cho nông dân.

Thu mua lúa cho nông dân.

Tính đến ngày 8-3, diện tích lúa chưa thu hoạch của tỉnh Kiên Giang khoảng 160.000ha, dự kiến sản lượng trên 1 triệu tấn, đây là số lượng rất lớn. Chủ yếu tập trung ở các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng và Tân Hiệp. Lúa giống DS1 hay còn gọi là lúa Nhật và một số giống chất lượng cao khác như: Đài Thơm 8, OM 5451, nếp… chiếm tỷ trọng cao trong diện tích chưa thu hoạch.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, cho biết tình hình thị trường lúa gạo trong nước cũng như thế giới thời gian tới đang dần có nhiều triển vọng hơn. Mặc dù Trung Quốc nâng chuẩn nhập khẩu lên rất cao nhưng khả năng vẫn sẽ điều chỉnh để đảm bảo lượng lương thực cần thiết; thị trường một số nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới cũng giữ sức mua từ 500 ngàn tấn đến 2 triệu tấn lúa gạo. Việt Nam dự kiến sẽ có mức xuất khẩu tương đương với năm 2018, tức là khoảng 6 triệu tấn. Qua đó khẳng định nhu cầu thu mua lúa trong dân tạm trữ vẫn còn. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay mà doanh nghiệp gặp phải là vấn đề về vốn phục vụ thu mua và bảo quản đảm bảo duy trì chất lượng gạo sau thu mua. Vấn đề này liên quan đến các chính sách hỗ trợ vay vốn từ tổ chức tín dụng. Các ngân hàng chi nhánh địa bàn tỉnh Kiên Giang cho biết, ở thời điểm hiện tại, ngoài các chương trình đã có từ trước cũng không thể mạnh dạn giải quyết nhu cầu vay vốn tức thời cho doanh nghiệp do vướng một số quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho rằng, có 3 vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay cần có sự nỗ lực chung từ phía địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để cùng nhau tháo gỡ. Trước hết là việc tạm trữ lúa gạo. Không thể kéo dài thời gian thu hoạch, tránh làm giảm chất lượng lúa, giảm năng suất. Thói quen trữ lúa trong dân đợi giá đã không còn phù hợp, mà chính doanh nghiệp phải tìm giải pháp xây dựng phương án thu mua về tạm trữ mới đảm bảo lúa gạo đạt chuẩn có thể xuất khẩu sau đó. Thêm vào đó, nguồn vốn kèm theo các chính sách từ phía tổ chức tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thu mua. Nếu chỉ dựa vào năng lực tài chính của doanh nghiệp là không đủ đáp ứng nhu cầu tạm trữ với lượng lớn như hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Kiên Giang theo dõi, đảm bảo các ngân hàng trước mắt thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước duy trì cho vay với hạn mức không quá 6%. UBND tỉnh Kiên Giang sẽ sớm có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để có chỉ đạo từ Trung ương. Kết thúc vụ sản xuất lúa đông xuân, tình hình chung nông dân Kiên Giang sẽ gặp nhiều khó khăn, một bộ phận nông dân có thể lâm vào cảnh thiếu vốn tái sản xuất. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng đề nghị các ngân hàng xem xét, có phương án hỗ trợ vay vốn cho nông dân.

Vụ đông xuân năm 2018-2019, toàn tỉnh Kiên Giang gieo sạ gần 290.000ha. Tính đến ngày 8-3, đã thu hoạch trên 117.000ha, đạt khoảng 40% diện tích gieo sạ, ước năng suất 6,58 tấn/ha. Diện tích còn lại dự kiến sẽ dứt điểm thu hoạch trong tháng 3-2019, với tổng sản lượng chung là trên 2 triệu tấn lúa gạo. Do tình hình rầy nâu bộc phát gây hại mạnh vào thời điểm sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã khiến nhiều diện tích cục bộ bị ảnh hưởng năng suất. Thêm vào đó, khó khăn từ thị trường xuất khẩu gạo, một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của năm 2018 chưa có nhu cầu nhập. Cạnh tranh khốc liệt do Thái Lan bán chào với mức giá thấp; Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo ở mức cao; các nước nhập khẩu tăng cường đặt ra tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường rất cao. Xu hướng giảm cầu, tiến tới tự chủ nguồn nhân lực từ các quốc gia lớn,... Cung vượt quá cầu đã đẩy áp lực tiêu thụ lúa đông xuân tăng. Qua đó, khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn thu mua lúa, gây ảnh hưởng lớn đến giá lúa, hầu hết các giống lúa đều giảm giá mạnh, thấp hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg. Hệ thống thương lái truyền thống ít đặt cọc mua lúa tươi trong dân để tránh thua lỗ; nhiều diện tích lúa đã chín kéo dài ngày trên đồng chờ thương lái dẫn đến giảm chất lượng, giảm năng suất. Năm nay, số diện tích đã ký kết bao tiêu với doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang chỉ khoảng 22.000ha, giảm trên 36.000ha so với cùng kỳ. Dẫn đến phần lớn nông dân sau khi thu hoạch đang phải đối mặt với cảnh thua lỗ, khó thu hồi vốn để tái sản xuất.

Mặc dù đã có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đẩy mạnh thu mua lúa gạo dự trữ để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, do toàn bộ diện tích lúa đang vào cao điểm thu hoạch, khả năng tài chính thu mua của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được việc thu mua số lượng lớn nên nhìn chung tình hình tiêu thụ lúa gạo vẫn chưa thật sự khả quan.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết